Thủ tướng yêu cầu lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng ứng phó bão số 9, học sinh Đà Nẵng nghỉ học, người lao động nghỉ làm

Sở chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, để ứng phó với bão số 9 có khả năng đổ bộ Đà Nẵng - Phú Yên.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017 (bão số 12, đổ bộ từ Bình Định đến Ninh Thuận), đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, với hơn 100 người chết và hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại.

Sáng 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo thành lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo để ứng phó với bão số 9 có khả năng đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Phú Yên ngày 28/10.

Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Phó Trưởng ban.

Hướng dẫn ứng phó với bão của Ủy ban quốc gia Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn.
Hướng dẫn ứng phó với bão của Ủy ban quốc gia Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn.

Cùng đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu thiệt hại, báo cáo Thủ tướng kịp thời.

Bộ Quốc phòng cũng thành lập 2 đoàn do Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. 

Cục Cảnh sát giao thông cũng thành lập Trung tâm chỉ huy Phòng chống bão số 9 tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo; sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng cho Công an các địa phương phòng, chống lụt bão.

Người dân Đà Nẵng nghỉ làm, học sinh nghỉ học để chống bão

UBND TP Đà Nẵng sáng 27/10 đã có văn bản chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

Thành phố yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/10, cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt)…

Từ chiều nay, 27/10, tất cả học sinh, sinh viên Đà Nẵng được nghỉ học đến hết ngày 28/10. Thành phố Đà Nẵng tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.

Sở GTVT Đà Nẵng cũng thông báo tạm dừng hoạt động 11 tuyến xe buýt trợ giá để phòng, tránh bão số 9, từ 12h ngày 27/10 đến hết ngày 28/10.

Văn bản của thành phố nghiêm cấm tuyệt đối việc để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, tàu, thuyền, lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h hôm nay, 27/10. 

Từ 14h chiều nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng hoạt động, đưa người rời khỏi khu vực khai thác....

Chạy đua trước bão giật cấp 17

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là gần 1,3 triệu người. 

Hiện tổng số tàu thuyền từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa là 25.063 tàu thuyền. Tuy nhiên, tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu.

Quân dân miền Trung chạy đua chằng chống tàu thuyền, nhà cửa, dự trữ lương thực trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: Báo Quảng Nam
Quân dân miền Trung chạy đua chằng chống tàu thuyền, nhà cửa, dự trữ lương thực trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: Báo Quảng Nam

Bên cạnh đó, đang có 14.063 ha nuôi trồng thủy sản và 178.938 lồng, bè cần được bảo vệ.

Trong khu vực 8 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng bão số 9 từ Hà Tĩnh đến Phú Yên hiện có 21 hồ chứa thủy điện đang xả đón lũ. Toàn khu vực Nam Trung bộ có 571 hồ thủy lợi đã tích 30-90% dung tích; có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, tức 135-165km/giờ, giật cấp 17

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão. Bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12  tức 100-115km/giờ), giật cấp 15. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Ảnh mây vệ tinh bão số 9 trên khu vực Biển Đông. 
Ảnh mây vệ tinh bão số 9 trên khu vực Biển Đông. 

Từ chiều nay, 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh, nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Từ chiều tối nay, 27/10, bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Vùng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt.

Từ 28-31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt.

Khu vực Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương