Sau thông tin đấu giá thành công 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thực trạng giao dịch bất động sản tại khu Đông vắng lặng, không bán được hàng vì giá quá cao.
Những ngày đầu năm 2022, theo chân những nhà đầu tư đi tìm hiểu giá nhà đất tại khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM), nơi vừa đấu giá thành công giá đất cao kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2 tại khu đất có ký hiệu 3.12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho thấy giá nhà đất tại khu vực này có sự tăng giá nhanh so với trước.
Chẳng hạn, tại dự án The Metropole Thủ Thiêm giá bán khởi điểm năm 2020 là 160 triệu đồng/m2 đến nay giá giao dịch đã tăng lên 210 triệu đồng/m2. Tại dự án The River, năm 2020 giá bán ra khởi điểm 100 triệu đồng/m2, đến nay ghi nhận giao dịch ở mức 130 triệu đồng/m2…
Chủ một văn phòng môi giới bất động sản nằm trên đường Liên Phường (thuộc quận 9 cũ, nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM), cho biết giá nhà đất tại những dự án cũ xung quanh khu vực này của các chủ đầu tư như Kiến Á, Nam Long, Nhà Phú Nhuận… đều đã nhích lên 5 - 10 triệu đồng/m2 so với trước. Chẳng hạn, tại một dự án của Kiến Á, căn nhà có diện tích 200m2, có giá 61 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá nhà đất được các môi giới đăng bán trên các trang web về mua bán bất động sản cũng tăng cao so với trước đó. Nếu như vào tháng 5/2021, có những dự án chào báo với giá chỉ 55 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 70 triệu đồng/m2… Đặc biệt, khi tìm hỏi thông tin nhà đất ở khu vực lân cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều chủ nhà đăng tin muốn bán nhà trước đó, nay đã trả lời chưa muốn bán, thị trường khu này gần như ngưng giao dịch. Theo lời một nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực quận 9 cũ, sau khi có thông tin đấu giá thành công 04 lô đất tại Thủ Thiêm, những chủ nhà gửi hàng bán đều rút lại không muốn bán nữa, trừ trường hợp những nhà đó thực sự kẹt tiền. Tình trạng ngưng giao dịch từ khi nới lỏng giãn cách đến nay, nếu bán được căn nhà nào là do nhà đó “ngộp”, với mặt bằng giá cao như này không ai mua. Thị trường rất vắng lặng, không bán được hàng.
Tâm lý thị trường đã lan ra một số khu vực khác tại TP.HCM, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở quận 3 cho rằng đã có kế hoạch tung ra thị trường một số sản phẩm dịp cận Tết Nguyên Đán 2022, nhưng nay cũng đang tạm hoãn lại, chờ xem xét mặt bằng giá mới trước khi chào bán.
Theo HOREA, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành "con dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư. Bởi giá quá cao chỉ có ôm hàng. Giá trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau", gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại TP.HCM. "Hiện nay, thành phố gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2" - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HOREA, nói.
Theo nghiên của các đơn vị tư vấn như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam, giá đất tại TP. Thủ Đức có tốc độ tăng cao nhất TP.HCM. So với thời điểm cuối năm 2019, nơi đây ghi nhận mức tăng giá đất 150-200%, thậm chí có vị trí lên đến 250%, với căn hộ cao cấp cũng tăng gần 100%. Trong đó, giá căn hộ cao cấp ở quận 2 và quận 9 (cũ), giá đã tăng trung bình từ 40-60% so với cách đây 02 năm. Giá nhà đất thấp tầng trên một số trục đường như đường Song Hành hiện có giá 300 - 340 triệu đồng/m2, đường Trần Não 320 - 380 triệu đồng/m2, đường Lương Định Của 280-320 triệu đồng/m2.
Thị trường BĐS khu Đông thành phố và các tỉnh lân cận đã ấm dần từ sau giãn cách xã hội. Nguyên nhân là do nhu cầu đầu tư của nhiều người gia tăng sau dịch, cũng như các thông tin về quy hoạch cơ sở hạ tầng giúp thị trường BĐS hưởng lợi. Còn kết quả đấu giá đất vàng Thủ Thiêm cao kỷ lục như chất xúc tác làm cho giá nhà đất một số khu vực lân cận sốt cục bộ theo kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Tổng Hợp