Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân số ngày càng gia tăng đã trở thành thách thức cấp bách. Nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững cho ngành nông nghiệp, các nhà khoa học đã nghiên cứu phương pháp "tiêm vắc-xin" để kích hoạt hệ miễn dịch tự nhiên của cây trồng.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Frontiers in Science, phương pháp này giúp cây trồng tăng khả năng đề kháng với sâu bệnh, từ đó cải thiện năng suất và chất lượng nông sản. Bà Brigitte Mauch-Mani, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà sinh vật học tại Đại học Neuchâtel (Thụy Sĩ), nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận toàn diện trong bảo vệ cây trồng, kết hợp nhiều chiến lược để tối ưu hiệu quả. Kích thích đề kháng cho cây là trọng tâm của phương pháp này".
Hiện tại, thuốc trừ sâu và kỹ thuật lai tạo giống là hai phương pháp phổ biến để bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên, sâu bệnh ngày càng tiến hóa và phát triển khả năng kháng thuốc, khiến các biện pháp truyền thống dần mất hiệu quả. Ngược lại, việc kích hoạt hệ miễn dịch tự nhiên giúp cây tự phòng vệ bền vững, đồng thời nhắm vào nhiều loại sâu bệnh và mầm bệnh cùng lúc.
Một trong những hình thức phổ biến của phương pháp này là mồi phòng vệ, giúp cây kích hoạt phản ứng phòng thủ khi gặp nguy cơ. Đặc biệt, khả năng đề kháng này có thể di truyền qua các thế hệ sau, tạo lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này cần kết hợp với các biện pháp canh tác khác để đảm bảo sự phát triển bình thường của cây.
Ngoài việc tăng khả năng chống sâu bệnh, cây trồng được kích thích đề kháng còn sản sinh các hợp chất có lợi cho sức khỏe con người, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm lành mạnh hơn. Đồng thời, cây có thể thích nghi tốt hơn với môi trường thay đổi và giảm nguy cơ sâu bệnh phát triển khả năng kháng thuốc.
Khi kết hợp với các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, phương pháp này giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Để phương pháp này trở thành giải pháp khả thi, các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng cường nghiên cứu thực tế và sự hỗ trợ từ cơ quan lập pháp. Bà Mauch-Mani nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan để biến nghiên cứu thành ứng dụng thực tế, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Chế phân bón vi sinh từ rác hữu cơ, dự án chuyển đổi xanh cho nông nghiệp hiện đại.
Dự án là công sức của chị Tuyến và các hội viên xã Xuân Lai góp phần hướng tới nền nông nghiệp sạch.