Chế phân bón vi sinh từ rác hữu cơ, dự án chuyển đổi xanh cho nông nghiệp hiện đại.

Dự án là công sức của chị Tuyến và các hội viên xã Xuân Lai góp phần hướng tới nền nông nghiệp sạch.

Trước thực trạng bà con nông dân thường dùng phân bón hóa học để thâm canh lúa khiến tài nguyên đất bị vắt cạn kiệt chất dinh dưỡng, chị Đàm Thị Tuyến ở xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) mong muốn biến những thứ tưởng không còn giá trị sử dụng như vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ đỗ tương thành phân bón vi sinh.

Chị Đàm Thị Tuyến với sản phẩm phân bón vi sinh
Chị Đàm Thị Tuyến với sản phẩm phân bón vi sinh

Sau đợt tập huấn về kiến thức làm men vi sinh IMO tại địa phương do Hội LHPN huyện tổ chức với nhiều lần thử làm thất bại, chị đã thành công và cho ra mắt sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh làm từ rác thải.

"Dự án được thực hiện sẽ góp phần hạn chế nguồn rác thải hữu cơ ra môi trường. Sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sẽ cho ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo việc làm cho người lao động", chị Tuyến cho biết.

Chị Tuyến quyết tâm gây dựng một nhà xưởng rộng 100m2 để sản xuất, đầu tư máy xử lý rác thô, máy nghiền rác thành sản phẩm dạng viên và thực hiện các quy trình tiêu chuẩn làm men vi sinh IMO.

Từ khi dự án đi vào hoạt động vào tháng 9/2023, cơ sở của chị đã sản xuất và tiêu thụ được 22 tấn phân vi sinh dùng để bón cho lúa, cây cảnh, cây ăn quả, góp phần cải tạo và tăng nguồn dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí về phân bón trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao.

Chị Tuyến (bìa phải) cùng bà con đang chuẩn bị nguyên liệu để làm phân bón vi sinh.
Chị Tuyến (bìa phải) cùng bà con đang chuẩn bị nguyên liệu để làm phân bón vi sinh.

Cơ sở của chị cũng đã phối hợp với Hội LHPN huyện Gia Bình tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân 14 xã, thị trấn trong toàn huyện sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được làm từ rác hữu cơ.

Mô hình hợp tác giữa chủ cơ sở sản xuất với Hội LHPN và công nhân thu gom rác thải, các nhà sản xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức hỗ trợ đã giúp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm, từ đó tạo ra một mạng lưới bền vững để phát triển và duy trì.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình sản xuất nhưng chị Tuyến tin rằng, đây là dự án môi trường có tính đổi mới, tính bền vững cao bởi sản xuất hữu cơ đang dần trở thành xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, giúp tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ để làm nguyên liệu sản xuất.

TM (T/H)

Người phụ nữ biến hoa quả hỏng thành men vi sinh làm sạch môi trường

Người phụ nữ biến hoa quả hỏng thành men vi sinh làm sạch môi trường

Chị Liên khởi nghiệp với khát khao được cống hiến cho xã hội giá trị lâu dài