Tiếng nói đã cất lên ở các sân chơi nhan sắc

Cộng đồng LGBT, người khuyết tật... đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, những tiếng nói được cất lên mạnh mẽ hơn tại các sân chơi nhan sắc.

Sự cởi mở từ phía ban tổ chức

Năm 2018, cuộc thi Miss Universe đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa, khi cho phép người chuyển giới đứng trong hàng ngũ các thí sinh. 

Dù quy định được thông qua năm 2012, Miss Universe bỏ lệnh cấm phụ nữ chuyển giới tham dự cuộc thi, nhưng mãi cho khi người đẹp Asngela Ponce, đại diện Tây Ban Nha tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tranh cãi này mới dấy lên mạnh mẽ. 

Asngela Ponce, người chuyển giới đầu tiên tham gia Miss Universe 2018.
Asngela Ponce, người chuyển giới đầu tiên tham gia Miss Universe 2018.

Trước năm 2012, BTC cuộc thi quy định vô cùng nghiêm ngặt, tuyệt nhiên nói không với thí sinh chuyển giới. Ngay các cuộc thi sắc đẹp Miss Universe cấp quốc gia đã bị cấm. Sự thay đổi này chỉ diễn ra sau khi Miss Universe bị chỉ trích vì không cho người đẹp chuyển giới Jenna Talackova dự Miss Universe Canada.

Tháng 6/2018, Asngela Ponce trở thành người chuyển giới đầu tiên giành ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha 2018. Và hiển nhiên, cùng năm đó người đẹp đại diện cho xứ bò tót tham gia tranh tài tại Miss Universe.

Bãi bỏ lệnh cấm nhưng những nghi kị, thành kiến vẫn tồn tại trong chính thành phần BTC lẫn dư luận quốc tế. Không ít các cựu hoa hậu Hoàn vũ cho rằng người chuyển giới nên có sân chơi phù hợp hơn dành riêng cho họ vì cơ bản họ sinh ra không phải là phái đẹp.

Cựu hoa hậu Margie Moran chia sẻ, ngày xưa người đẹp dự thi hoa hậu phải có vẻ đẹp tự nhiên thay vì đụng đến dao kéo. Chính vì vậy, việc các thí sinh trải qua phẫu thuật thẩm mỹ được phép dự thi rồi đến những người phải nhờ cậy y học chuyển đổi giới tính và họ thậm chí giành chiến thắng thì không công bằng với những thí sinh khác.

Asngela Ponce tạo được ấn tượng và thiện cảm tốt với các thi sinh dự thi Miss Universe 2018.
Asngela Ponce tạo được ấn tượng và thiện cảm tốt với các thi sinh dự thi Miss Universe 2018.

Angela Ponce không ép mọi người phải thay đổi suy nghĩ, cách sống của bất kì ai nhưng cô chỉ muốn bản thân có thể truyền cảm hứng cho những người chuyển giới trên khắp thế giới dám theo đuổi ước mơ của mình.

Người đẹp chia sẻ: "Tôi đang cho mọi người thấy rằng những phụ nữ chuyển giới có thể trở thành bất kỳ ai mà họ mong muốn: một giáo viên, một bà mẹ, một bác sĩ, một chính trị gia, và thậm chí một Hoa hậu Hoàn vũ... Hãy để niềm hạnh phúc vì làm nên lịch sử của bạn trở nên tỏa sáng như nụ cười và nhan sắc của bạn mỗi sớm. Hãy lan tỏa toàn cầu và là tiếng nói của những người không dám cất tiếng".

Asngela Ponce thực sự đã truyền rất nhiều niềm tin cho người chuyển giới, sau cô, nhiều người chuyển giới đã đăng ký tham dự các cuộc thi sắc đẹp trên toàn cầu. 

 Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar 2019
 Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar 2019

Ngoài cởi mở vấn đề chuyển giới, các người đẹp cũng không ngại công khai giới tính thật của mình. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Swe Zin Htet, Miss Universe Myanmar 2019 không ngần ngại thừa nhận cô là người đồng tính nữ. Người đẹp cũng tuyên bố sẽ hành động để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT thu hút sự chú ý của khán giả.

Trước Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar 2019, Patricia Yurena- Á hậu 1 Miss Universe 2013 và Sofía del Prado- Top 10 Miss Universe 2017 đều thừa nhận bản thân thuộc giới tính thứ ba.

Sự kỳ lạ của sân chơi nhan sắc ngày càng nhiều. Câu chuyện về Madeline Delp tại cuộc thi Miss North Carolina USA mới đây cũng là một điển hình cho việc phá bỏ định kiến về cái đẹp. Suốt từ đầu cuộc thi, Madeline Delp đều di chuyển bằng xe lăn, ngay cả với phần thi catwalk. Sau một tai nạn từ năm cô 10 tuổi, Madeline Delp đã luôn phải di chuyển bằng xe lăn như thế. 

Năm 2013, sân chơi lớn nhất thế giới Miss World bỏ vòng thi áo tắm- phần thi mà theo nhiều người, đó là sự hạ nhục phụ nữ khi các thí sinh phải phơi hình thể trước những ánh mắt săm soi (để tìm khuyết điểm) của Ban giám khảo và công chúng. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc thi Hoa hậu Venezuela không công bố số đo 3 vòng của thí sinh. 

"Vẻ đẹp của một phụ nữ không phải là 90cm, 60cm, 90cm… Nó được đo bằng tài năng của mỗi người", bà Gabriela Isler, người phát ngôn của cuộc thi Hoa hậu Venezuela nói.

Năm 2018, BTC cuộc thi Hoa hậu Mỹ cũng tuyên bố bãi bỏ phần thi này. "Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cải cách lại phần thi trang phục dạ hội. Chúng tôi không còn đánh giá phụ nữ khi họ xuất hiện trong những bộ đầm lộng lẫy. Điều chúng tôi hứng thú là những gì phát ra từ miệng họ",  Gretchen Carlson- chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Mỹ cho biết.

Những tiếng nói đã cất lên

Vụ việc Veronika Didusenko – Cựu Hoa hậu Ukraine bị thu hồi danh hiệu cùng các giải thưởng, vương miện chỉ sau 1 tuần đăng quang đang trở thành tiêu điểm nóng dư luận quan tâm. Được biết, sau khi BTC phát hiện người đẹp đã kết hôn và sinh con ngay lập tức bãi bỏ danh hiệu mà bản thân cô phải nỗ lực suốt quá trình dài.

Hiện tại, Veronika Didusenko đã chính thức gửi đơn lên tòa án tại London - trụ sở của tổ chức Hoa hậu Thế giới (Miss World). Trong nội dung đơn kiện, người đẹp ghi rõ nội dung: 'Tôi muốn khởi kiện BTC Miss World vì sự kỳ thị, bất công mà họ đã dành cho tôi'.

Veronika Didusenko bị bãi bỏ danh hiệu sau khi BTC phát hiện cô đã kết hôn và sinh con.
Veronika Didusenko bị bãi bỏ danh hiệu sau khi BTC phát hiện cô đã kết hôn và sinh con.

Theo Veronika, các tiêu chí của Miss World đã lỗi thời, cần phải thay đổi để đảm bảo công bằng cho phụ nữ nếu không muốn bị tẩy chay: “Gần một năm qua, tôi im lặng nhưng sống trong cảm giác sợ hãi, bất an. Tôi không hiểu mình làm gì sai sau khi bị họ ép trao lại vương miện, danh hiệu và số tiền thưởng tôi nỗ lực để có được. Nếu lý do đưa ra là từng kết hôn và sinh con thì liệu đây có phải là họ đã vi phạm đạo luật bình đẳng?”.

Nhiều người bênh vực cựu hoa hậu và cho đây là sự phân biệt đối xứ, bất công với Veronika Didusenko. Họ chỉ ra rằng ngay cả Miss Universe còn chấp nhận những thí sinh từng can thiệp dao kéo, trong số đó không ít người đoạt ngôi vương miện như Zuleyka Rivera Mendoza (Hoa hậu Hoàn vũ 2006), Yiyo Mori (Hoa hậu Hoàn Vũ 2007)… Nghĩa là, bất kỳ người phụ nữ nào cũng có quyền được nhìn nhận về nhan sắc, thông qua danh hiệu, vậy tại sao người mẹ một con lại không? 

Câu chuyện của Veronika Didusenko hay những tuyên bố đồng tính là một khía cạnh khác của các cuộc thi nhan sắc. Đã qua rồi thời các "chân dài" phó mặc cho mọi sự sắp xếp và đánh giá. Họ đã cất tiếng nói. Sự đấu tranh cho nữ quyền đang diễn ra trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống: bất kỳ người phụ nữ nào cũng có những mưu cầu và phải được sự nhìn nhận như nhau.

HƯƠNG CHUNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương