Do bối cảnh môi trường kinh doanh hiện nay và chính sách vĩ mô có nhiều thay đổi nên không hẳn doanh nghiệp nào cũng thực hiện “tốt phô ra, xấu đậy lại”. Một số doanh nghiệp thậm chí còn che bớt tốt bởi e ngại công bố lãi lớn trong thời điểm này không hẳn là hay. Thông tin được nhiều nhà đầu tư ngóng chờ và tìm kiếm tập trung vào kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp...
Thị trường do vậy vẫn vận động trong kênh đi ngang, ít có sự bứt phá nào và tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng. Nhiều nhà đầu tư cho hay, họ đã để tiền trong tài khoản gần 1 tháng qua vẫn chưa giải ngân vì thấy cơ hội lựa chọn cổ phiếu quá khó.
Cho đến nay, có thể thấy khá rõ số liệu kinh tế vĩ mô trong quý III ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Làn sóng Covid lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến đã khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi. Cụ thể, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế.
Ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm. Nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này khi theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1 - 7,7%.
Như vậy, diễn biến đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. Vấn đề được kỳ vọng hiện nay là tâm lý thị trường sẽ dần ổn định nhờ các số liệu vĩ mô và các thông tin doanh nghiệp được hấp thụ dần theo tháng. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây.
Điểm tích cực được cho là dòng tiền vẫn trụ lại thị trường và tìm kiếm cơ hội từ việc "lọc đãi" triển vọng doanh nghiệp trong các ngành có khả năng hồi phục mạnh trở lại hoặc được hưởng lợi từ giá hàng hóa biến động mạnh tới đây. Một cuộc khảo sát các nhà đầu tư của FIDT thực hiện gần đây cũng cho thấy, có tới 90% người trả lời chọn phương án tiếp tục để tiền đầu tư chứng khoán chứ không rút ra mua trái phiếu, bất động sản hoặc kinh doanh.
Sở dĩ năm nay chủ đề này trở thành tiêu điểm bởi nhà đầu tư muốn biết trong một quý chịu tác động tiêu cực nhất từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là thủ phủ kinh tế phía Nam giãn cách kéo dài, sức chống chịu của các doanh nghiệp đến đâu, triển vọng nhanh chóng trở lại sau khi Chính phủ chủ trương “sống chung với Covid” sẽ như thế nào?
Ngân hàng và bất động sản đang là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trên sàn niêm yết. Khác với việc đưa ra con số dự báo lợi nhuận quý khá sớm như hai quý đầu năm, hiện chưa có ngân hàng nào công bố số liệu ước tính lợi nhuận quý III. Bức tranh chung lợi nhuận quý III/2021 của doanh nghiệp niêm yết được dự báo khó sáng sủa, dù vậy vẫn có sự phân hóa giữa các ngành, các doanh nghiệp.
Động thái bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư trước những lo ngại về GDP quý 3 có thể âm và chỉ còn một hai tuần nữa, mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 dự là kém khởi sắc. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, trái hẳn với tâm lý lo ngại của nhiều nhà đầu tư, trên thị trường đã bắt đầu hé lộ những khoản lợi nhuận kếch xù bất chấp Covid-19 đã làm đình trệ kinh doanh - sản xuất của nền kinh tế trong suốt mấy tháng vừa qua.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)