Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam chậm hơn so với các quốc gia trong cùng khu vực

Với tốc độ hiện tại, trong trường hợp khả quan nhất đạt công suất 90.000 liều/ngày, vẫn sẽ mất khoảng 2.000 ngày.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia của Viện nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, trực thuộc Đại học Sydney, đánh giá tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay chậm hơn so với các quốc gia trong cùng khu vực. Trong 94 ngày kể từ ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng (hôm 8/3), Việt Nam đang tiêm vaccine với tốc độ trung bình khoảng 15.000 liều/ngày.

Với tốc độ hiện tại, trong trường hợp khả quan nhất đạt công suất 90.000 liều/ngày, vẫn sẽ mất khoảng 2.000 ngày, hay 6 năm, để đạt được miễn dịch cộng đồng tiêm đủ 2 liều cho 80% dân số.

Ông Ngô Hoàng Anh, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu y khoa Woolcook, Viện Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Waikato, New Zealand, cho biết: "Xem xét các số liệu của các quốc gia đã phát triển, cho thấy sau 2-3 tháng thăm dò đầu tiên, các quốc gia này sẽ tiêm chủng với tốc độ trung bình đạt khoảng 0,5-1% dân số/ngày. Như vậy, Việt Nam với 11.000 trạm y tế cơ sở, 8 tiếng làm việc/ngày, công suất tiêm một giờ 5-6 người và một đợt tiêm nhắc lại, nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng, Việt Nam có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày. Với công suất này, để có được miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ phải mất tròn một năm, tức là đến quý 3 hoặc quý 4/2022".

Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam chậm hơn so với các quốc gia trong cùng khu vực

Theo tiến sĩ Thu Anh, để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần tận dụng triệt để lợi thế của mạng lưới y tế cơ sở các cấp. Tổ chức tập huấn nhuần nhuyễn quy trình tiêm chủng vaccine Covid-19, khám sàng lọc, các biện pháp xử lý phản ứng phụ trong lúc chờ vaccine, kết hợp với sự hỗ trợ của xe cấp cứu di động từ tuyến trên.

Thực hiện số hóa quá trình đăng ký và khai báo nguy cơ tiêm chủng để phân loại, lập kế hoạch. Như truy cập vào website đăng ký tiêm chủng. Những người khỏe mạnh, ít nguy cơ có thể được phân loại vào nhóm an toàn và được yêu cầu đăng ký tiêm vaccine tại trạm y tế xã phường, nơi họ đang cư trú. Những người có nguy cơ bị tác dụng phụ của vaccine như có tiền sử sốc phản vệ, tiền sử bệnh rối loạn đông máu... sẽ được phân luồng vào nhóm cần theo dõi cẩn thận, và đăng ký tiêm vaccine theo danh sách các bệnh viện tuyến trên có đủ trang thiết bị sẽ đảm nhận những ca này. Sau đó được cấp giấy chứng nhận đầy đủ thông tin. 

Để chiến dịch tiêm chủng mang lại hiệu quả, chỉ sử dụng những loại vaccine hiệu quả cao như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Novavax, Johnson & Johnson.

Theo Viện nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, dữ liệu nghiên cứu và thực tế cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả cao, bảo vệ khỏi lây nhiễm, bị bệnh nặng và tử vong. Vaccine công nghệ mRNA khác, Moderna, cũng cho thấy ưu thế khi đạt hiệu quả cao với biến chủng D614G. Riêng đối với biến chủng B.1.617 (Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh mắc triệu chứng đạt 33% sau 3 tuần tiêm mũi 1 và tăng lên 88% sau 2 tuần tiêm mũi 2.

Đối với vaccine AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm đạt 52% đối với biến chủng D614G; hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng đạt 74% với cả biến chủng D614G và B.1.1.7 và 58% với biến chủng P1 (Brazil). Tuy nhiên với biến chủng B.1.351, vaccine có hiệu quả rất thấp (10%). Đối với biến chủng B.1.617 (Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh mắc triệu chứng đạt 33% sau 3 tuần tiêm mũi 1 và tăng lên 60% sau 2 tuần tiêm mũi 2.

Đối với vaccine Johnson & Johnson và Novavax, theo nghiên cứu tại Mỹ, Brazil, hiệu quả bảo vệ của vaccine này tương tự như vaccine AstraZeneca, tuy nhiên hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng đối với biến chủng B.1.351 cao hơn – 64% (J&J) và 51% (Novavax).

Còn với vaccine Sputnik V, hiện mới có thông tin về hiệu quả của vaccine với biến chủng D614G. Khi tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng khi nhiễm D614G đạt 91,6% và bảo vệ khỏi bệnh nặng đạt 100%. 

Đợt dịch bùng phát hiện tại đặt một thử thách không nhỏ lên hệ thống y tế, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để thực hiện thử nghiệm lâm sàng vaccine nghiên cứu trong nước với những vùng có nguy cơ cao, dịch bùng phát mạnh.

Thanh Mai

Trung Quốc tăng mua nhưng giá cao su vẫn giảm trên sàn châu Á

Trung Quốc tăng mua nhưng giá cao su vẫn giảm trên sàn châu Á

Giá cao su hôm nay 8/6 niêm yết trên sàn châu Á lại quay đầu giảm trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thiếu hụt.