Tổng thống Iran đột ngột qua đời, tương lai Trung Đông sẽ đi về đâu?

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa qua đời sau khi chiếc trực thăng chở ông và một phái đoàn quan chức bị rơi xuống vùng núi phía bắc Iran, khiến tương lai của đất nước và khu vực càng trở nên bất định.

Bờ vực xung đột 

Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran xác nhận Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và một số quan chức hàng đầu khác cũng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trong chuyến đi ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran. 

Sương mù dày đặc đã cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu hộ suốt nhiều giờ trước khi địa điểm máy bay rơi được tìm thấy. Sương mù dày đặc đến mức Iran đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của các vệ tinh Liên minh châu Âu để giúp xác định vị trí chiếc trực thăng.

Cái chết của Raisi đã đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên ngắn ngủi nhưng đầy biến đổi trong nền chính trị Iran, khi nước này lựa chọn đường lối cứng rắn hơn và đe dọa đưa Trung Đông đến bờ vực chiến tranh khu vực.

Trong lúc các nhân viên cứu hộ tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi của Raisi, truyền thông nhà nước đã yêu cầu người dân Iran cầu nguyện cho tổng thống. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo chính thức về vụ tai nạn, một số người Iran đã đốt pháo hoa ăn mừng sự ra đi của nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn.

Tổng thống Iran đột ngột qua đời, tương lai Trung Đông sẽ đi về đâu?- Ảnh 1.

Hiện trường chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị rơi trên một ngọn núi ở khu vực Varzaghan. Ảnh: Reuters

"Vụ tai nạn ngày hôm nay và nhiều khả năng là cái chết của tổng thống Raisi cùng ngoại trưởng của ông ấy sẽ làm rung chuyển nền chính trị Iran," Afshon Ostovar, giáo sư tại Trường Đại học Hải quân Mỹ và là chuyên gia lâu năm về Iran, viết trong một bài đăng trên X trước khi cái chết của tổng thống được xác nhận. 

"Bất kể nguyên nhân là gì, giả thuyết về một vụ chơi xấu sẽ lan nhanh trong chế độ. Các phần tử tham vọng có thể gây áp lực để giành được lợi thế, dẫn đến những phản ứng từ các phe phái khác trong chế độ. Hãy chuẩn bị tinh thần", trích một đoạn trong bài đăng.

Ai sẽ lên làm Tổng thống Iran tiếp theo?

Tại Iran, chức vụ phó tổng thống thứ nhất là một vị trí được bổ nhiệm chứ không phải do dân bầu. Phó tổng thống đảm nhận một số quyền hạn của thủ tướng sau khi chức thủ tướng bị bãi bỏ vào năm 1989.

Iran có một số phó tổng thống được bổ nhiệm đồng thời và các phó tổng thống chủ yếu làm thành viên nội các. Người có vai trò quan trọng nhất trong số các phó tổng thống Iran là ông Mohammad Mokhber.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Raisi đã bổ nhiệm ông Mokhber làm phó tổng thống thứ nhất vào tháng 8/2021. Ông Mokhber là người thứ 7 đảm nhiệm vai trò đó kể từ khi Iran sửa đổi hiến pháp.

Trước khi được bổ nhiệm làm phó tổng thống, ông Mokhber đã có 14 năm làm giám đốc Setad - một tập đoàn kinh tế hùng mạnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực từ thiện.

Theo Reuters, Setad nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà lãnh tụ tối cao Iran, có trị giá ước tính hàng chục tỷ USD. Dưới sự lãnh đạo của ông Mokhber, Setad đã phát triển vaccine COVID-19 của Iran có tên Coviran Barekat vào giai đoạn đỉnh điểm đại dịch.

Tổng thống Iran đột ngột qua đời, tương lai Trung Đông sẽ đi về đâu?- Ảnh 2.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) trên trực thăng trước khi rơi ở vùng núi tỉnh Đông Azerbaijan, phía Tây Bắc Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan hệ Mỹ - Iran sẽ thế nào?

Về lâu dài, vấn đề quan trọng nhất giữa hai bên được cho là những xung đột tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran.

Phần lớn chương trình hạt nhân Iran đã bị hạn chế sau khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Donald J. Trump, Washington đã từ bỏ thỏa thuận. Iran sau đó tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân - làm giàu đến mức gần có thể sản xuất bom.

 Chương trình hạt nhân nằm dưới sự kiểm soát của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở Iran. Ông Raisi đã đóng vai trò gì trong việc ra quyết định ở Tehran về chiến lược hạt nhân vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Song các quan chức Mỹ cho rằng sau khi gần đạt được thỏa thuận với Iran thông qua trung gian là châu Âu hai năm trước, những nỗ lực đàm phán gần như đã sụp đổ.

Những diễn biến này đặt ra câu hỏi liệu Iran sẽ đi xa đến giai đoạn sản xuất vũ khí hạt nhân, hay tận dụng vị thế của mình như một cường quốc có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân nhanh chóng.

Câu hỏi cũng đè nặng lên các cuộc đối đầu khác trong khu vực. Khi Iran bắn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào Israel hồi tháng trước, Mỹ đã phối hợp với Israel và các lực lượng khác bắn hạ những vũ khí này. Nhưng toàn bộ cuộc va chạm lắng xuống sau phản ứng tương đối khiêm tốn của các bên.

Theo các nhà bình luận trên New York Times, điều này dường như là tín hiệu cho thấy Iran đã mở rộng mạnh mẽ chương trình tên lửa và tầm bắn dưới thời ông Raisi – và đang chuyển sang các kỹ thuật nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel.

TÚC (tổng hợp)