TP.HCM đề xuất 7.000 - 8.000 liều vaccine phòng COVID-19

Ngày 26/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu, đã kiểm tra công tác cách ly, quản lý người nhập cảnh và tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng vừa phát hiện hai ca nhập cảnh trái phép mắc COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng bên cạnh triển khai mở rộng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thì cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tuần tra, kiểm soát, phát hiện người nhập cảnh trái phép. 

Theo đó, ngay khi xảy ra tình huống, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các địa phương phản ứng nhanh để khoanh vùng, khống chế dập dịch một cách thật nhanh, tránh để dịch lây lan diện rộng.

163646229_198553114992789_1274145496024902780_n_uyae.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Báo SGGP

Theo TTXVN, đánh giá về nguy cơ lây mắc COVID-19 sau khi phát hiện hai ca bệnh mới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng là hiện hữu. Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, tình hình dịch thế giới vẫn còn phức tạp, đã xuất hiện những chủng mới. 

Tuy nhiên, Việt Nam đang là vùng trũng của dịch nên tiềm ẩn nguy cơ có đối tượng nhập cảnh trái phép để "trốn" dịch từ các nơi khác.

Hiện nay Việt Nam vẫn đang tiếp tục cho phép các chuyến bay đưa công dân từ vùng dịch về nước, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch nên phải đưa các chuyên gia, nhà quản lý, người lao động tay nghề cao ở nước ngoài vào làm việc, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng kêu gọi cộng đồng tiếp tục thực hiện nghiêm Thông điệp 5K (khử khuẩn-khẩu trang-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế) đã được Bộ Y tế ban hành; sẵn sàng tâm lý để tiêm chủng vaccine theo lộ trình Bộ Y tế đã và đang triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để từng bước khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.

163612989_243437330796490_8526207969422874036_n_xkpu.jpg
Trong sáng 26-3, Bệnh viện Hùng Vương tiêm cho 40 nhân viên y tế. Ảnh: Báo SGGP

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, theo kế hoạch, thành phố được cấp 8.000 liều vaccine ngừa COVID-19.

Khi vaccine được phân bổ, thành phố đã tổ chức tiêm mũi đầu tiên (ngày 8/3) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng tiến độ và an toàn.

Từ ngày 23/3, thành phố bắt đầu tiêm vaccine đợt đầu tiên ở diện rộng hơn, đến hết ngày 26/3 có 8 bệnh viện triển khai tiêm với tổng số 1.281 mũi. Dự kiến, việc tiêm vaccine kéo dài đến giữa tháng 4/2021.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định, những người làm việc trong sân bay, hải quan và các khu cách ly có thu phí ở khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ cao hơn các nhân viên y tế.

Thành phố đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc Phòng, chống dịch phân bổ thêm 7.000-8.000 liều vaccine để tiêm cho các đối tượng nói trên.

Mạnh tay với nhập cảnh trái phép

Liên quan đến 2 trường hợp nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng tàu cá qua đảo Phú Quốc, sau đó 1 một trường hợp đến TPHCM và được xác định mắc Covid-19 (bệnh nhân 2.580), Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, đây là trường hợp nhập cảnh trái phép. TPHCM giáp ranh với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là những địa phương có đường biên giới, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn hiện hữu.

Theo đó, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả trong tình hình mới, ngành y tế cần tập trung các nguyên tắc để huy động được sức mạnh của toàn dân, như: “chống dịch như chống giặc”; “nguyên tắc 4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc men phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ); nguyên tắc vừa chống dịch vừa phát triển y tế và đặc biệt là nguyên tắc “5K + vaccine”.

Song song đó, cần kiểm soát tốt nhập cảnh, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào TPHCM. Xử lý nghiêm cả cơ sở tổ chức cách ly cho người nhập cảnh trái phép. Nếu có ca bệnh cần khoanh vùng diện hẹp, kịp thời dập dịch.

“Những trường hợp nghi ngờ cần xét nghiệm diện rộng nhưng theo chỉ định và tăng cường giám sát phát hiện sớm ca nghi ngờ. Thậm chí, TP cần sẵn sàng các phương án cho bệnh viện dã chiến khi có các tình huống số ca bệnh tăng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

(Tổng hợp)

PV