Chiều 6/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19.
Theo báo cáo, tính đến 18h ngày 5/12, TP.HCM ghi nhận 478.922 ca mắc Covid-19, trong đó, 572 trường hợp nhập cảnh. Hiện, TP đang điều trị 13.681 bệnh nhân, trong đó, 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5/12, TP có 958 bệnh nhân nhập viện, 927 bệnh nhân xuất viện, 94 trường hợp tử vong trong ngày.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm nào từ biến chủng Omicron. Lãnh đạo HCDC cho biết ngành y tế tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức như Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hàng hải… Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine vào thành phố sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày.
“Trường hợp người nhập cảnh dương tính, HCDC sẽ phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP giải trình tự gen để phân tích. Đến nay, TP chưa ghi nhận ca dương tính nào từ biến chủng mới”, ông Tâm cho hay.
Ngành y tế đã phối hợp lực lượng công an để rà soát, kiểm soát, ngăn chặn các nguồn nhập cảnh không chính thức, là người không nhập cảnh tại TP.HCM mà có thể từ các đường bộ ở Tây Ninh, Long An.
Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong nội địa, sẵn sàng ứng phó cấp độ dịch phù hợp với diễn biến, tăng cường tiêm bổ sung sau 28 ngày, kể từ mũi tiêm gần nhất đối với người suy giảm miễn dịch và tiêm nhắc lại đối với các trường hợp đủ thời gian sau 6 tháng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ tư lệnh TP và Công an TP xây dựng, tham mưu thế trận y tế. Các đơn vị được giao sẽ nhận diện từ xa, khi biến chủng vào TP, các đơn vị trên sẽ có kế hoạch tác chiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm nhanh chóng dập dịch. Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, các trường hợp nhiễm Covid-19 từ biến chủng Omicron sẽ được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 12.
Bà Mai cũng thông tin, các bệnh viện có khoa khám sàng lọc và khu vực cách ly tạm thời thì khu vực này sẽ được hướng dẫn để trở thành nơi điều trị Covid-19, tránh chuyển tới, chuyển lui bệnh nhân. Các bệnh viện có chuyên khoa nhi hay sản cũng sẽ thành lập đơn vị hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi toàn bộ công năng điều trị Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình hay Củ Chi thì tiếp tục thực hiện sứ mệnh. Các bệnh viện tách đôi sẽ tiếp tục tách đôi.
Đến nay, TP.HCM đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến. Còn 13 bệnh viện dã chiến còn lại sẽ không giải thể theo lộ trình từng đặt ra. Sở Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này để đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống. Sở cũng hướng dẫn các bệnh viện sẵn sàng hậu cần, phân bổ nguồn lực để đáp ứng mọi tình huống theo kịch bản.
TP.HCM hiện có 310 trạm y tế cố định và tăng cường 382 trạm y tế lưu động. Trong đó, quân y phụ trách 168 trạm. TP lập 214 trạm nhằm hỗ trợ kịp thời trạm y tế cố định cũng như địa phương trong tiếp nhận, thu dung và chăm sóc F0 đang được điều trị, cách ly y tế tại nhà.
Về các túi thuốc, đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định qua rà soát lại, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn còn gói thuốc C. Sở đang điều chuyển thuốc từ đơn vị không sử dụng đến nơi có nhu cầu cao hơn.
Giá tiêu giảm một số địa phương, thấp nhất 83.500 đồng/kg
Giá tiêu ghi nhận xu hướng giảm tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thị trường tiêu dao động 83.500 - 85.500 đồng/kg.