TP.HCM tiếp tục nhận 270.000 liều vaccine AstraZeneca

Theo phân bổ từ Bộ Y tế, TP.HCM sẽ nhận 270.000 liều vaccine AstraZeneca, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh tiếp nhận 73.000 liều.

Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ gần 3 triệu liều vaccine AstraZeneca cho 63 tỉnh thành, 23 đơn vị trực thuộc và lực lượng công an, quân đội. Nguồn vaccine này do cơ chế COVAX viện trợ và VNVC nhập khẩu.

28 tỉnh miền Bắc tiếp nhận gần 1,1 triệu liều, bằng số lượng phân bổ cho 20 tỉnh phía Nam.

Hà Nội và TP.HCM cùng nhận 270.000 liều. Ở miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa được phân bổ 56.000 liều, Hải Phòng 44.000 liều. Đối với khu vực phía Nam, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh nhận 73.000 liều. Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và An Giang nhận hơn 50.000 liều. Các địa phương còn lại tiếp nhận từ 18.000 đến 47.400 liều.

kham-sang-loc.jpeg
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine COVID-19 tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HCDC

Nhóm 11 tỉnh miền Trung nhận hơn 340.000 liều, 4 tỉnh Tây Nguyên được phân bổ hơn 92.000 liều.

Theo quyết định này, 23 đơn vị gồm các bệnh viện, viện thuộc Bộ Y tế được phân bổ 245.000 liều. Trong đó, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương được phân bổ 22.000 liều; Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 20.000 liều và Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ 18.000 liều.

Tính đến sáng 30/7, gần 9,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, VNVC nhập khẩu và viện trợ từ chính phủ các nước (chiếm 62% nguồn cung vaccine Covid-19 trên cả nước). Việt Nam đã tiêm hơn 5,5 triệu liều, chủ yếu là AstraZeneca.

Để chuẩn bị cho đợt tiêm thứ 5 (bắt đầu từ 21/7), TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca.

Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 đối tượng là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).

Thành phố đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu của người tiêm vaccine, hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký. Tuy nhiên, trong số này, thành phố ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao như người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng...

AN DI