Trái phiếu doanh nghiệp trong quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng và bất động sản

Ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỷ trọng 63% và 24%. Trái phiếu doanh nghiệp trong quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng và bất động sản...

Việc dòng tiền dễ dãi với chi phí thấp, trong thời kỳ thị trường TPDN của Việt Nam còn được xem là non trẻ đã khiến thị trường này bùng nổ khi nhận thức về rủi ro của các nhà đầu tư TPDN là chưa cao, quá trình thẩm định (Due Diligence) được cho là chưa chặt chẽ đã gây ra nhiều hệ lụy khi:

(1) Kỳ hạn đáo hạn của trái phiếu không phù hợp với chu kỳ kinh doanh và dòng tiền của các dự án được huy động vốn.

(2) Việc kiểm tra sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không gần như không có.

Gần đây là bắt đầu xuất hiện một số vụ việc riêng lẻ về trái phiếu đến hạn nhưng các bên phát hành không có khả năng chi trả đúng hạn và đang thương lượng trái chủ hoãn hoặc điều chỉnh các kỳ hạn trả, dù chỉ là một số trường hợp riêng lẻ nhưng đã bắt đầu cho thấy những "triệu chứng" ban đầu.

Trong báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 có 411 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 244.191 tỷ đồng (giảm 67,78% so với cùng kỳ). Ngoài ra, còn có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với giá trị 625 triệu USD.

Trong đó, ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỷ trọng 63% và 24%.

"Lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng phát hành 9 tháng tăng tỷ trọng đáng kể so với 2021 do các trái phiếu này vốn đã chịu quản lý của pháp luật chuyên ngành và ít bị ảnh hưởng hơn so với các trái phiếu thuộc các ngành khác trong bối cảnh thị trường trầm lắng", VCBS nêu.

Ở chiều ngược lại, 9 tháng vừa qua, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022. Đáng chú ý, trong top 20 doanh nghiệp có giá trị mua lại lớn đa phần là các ngân hàng. Điển hình như BID với 12.672 tỷ đồng, VIB với 8.800 tỷ đồng, LPB với 8.000 tỷ đồng.

VCBS ước tính khối lượng đáo hạn TPDN trong quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng (chiếm 53,4%). Đứng đầu danh sách là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với 15.400 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 8.000 tỷ đồng. Cùng có mức trái phiếu đáo hạn 8.000 tỷ đồng còn có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tiếp đó sau là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với 4.000 tỷ đồng.

Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

"Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt", VCBS nhấn mạnh.

Cuối cùng, VCBS cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản giảm dần. Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này.

Hiện nay, trước thực trạng có một số doanh nghiệp vướng lao lý do việc phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua đòi hỏi cơ quan quản lý phải có việc thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì khung pháp lý đã có. Thậm chí các dấu hiệu tiêu cực mới manh nha là đã phải phát cảnh báo. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khi doanh nghiệp đã vi phạm quá sâu mà mới “tuýt còi” thì như vậy rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mua, cổ đông thậm chí ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Chủ đầu tư phải công khai hóa và minh bạch hóa, người mua trái hiếu phải biết rõ số tiền đó được đầu tư vào đâu, như thế nào và tiến độ thanh toán ra sao. Nếu không làm được điều đó, khi xảy ra biến cố ví dụ như vụ Tân Hoàng Minh, thì người mua trái phiếu sẽ thua thiệt, có thể sẽ không bán lại được trái phiếu này. Ngoài ra, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện về khung pháp lý vì trên thực tế luôn có những thay đổi cần thích nghi, từ đó sớm đưa ra những cảnh báo phù hợp tình hình thực tế.

Tổng Hợp