Có lẽ cho tới lúc này, đúng hơn là ít ra cho tới lúc này thì những ngành nghề được liệt vào dạng “đói nghèo thường xuyên” vẫn là nghề văn, nghề giáo và hình như cả nghề làm báo…Những thứ nghề được coi là nghiệp ấy, vẫn luôn được xã hội tôn trọng bởi sự thanh cao, khó bị cái gì khuất phục, không bị gian khó hay giàu sang cám dỗ. Ấy là các cụ từ xưa nói vậy.
Ảnh minh họa. |
Còn nhớ trong câu chuyện về một ông nhà văn nghèo đến thăm gia đình bạn văn ở xứ Thanh trong một tác phẩm của cụ Nguyễn những năm 30 thế kỷ trước. Chuyện về hai vợ chồng một ông nhà văn nghèo tìm mọi cách để giúp bạn mình có chút lộ phí và vài đồng bạc đặng về quê ăn tết nhưng phải làm sao để bạn khỏi tủi lòng thực sự là một câu chuyện nhân văn đầy cay đắng về nghiệp cầm bút.
Cả hai bên, dù đều nghèo khó song cũng đầy tự trọng, yêu thương chăm chút lẫn nhau. Có lỗi đi chăng nữa, chỉ là lỗi do thời thế. Do cái đói cái nghèo ở khắp nơi, chứ chẳng phải do bất kỳ ai trong chế độ thời Pháp thuộc.
Câu chuyện về những thầy cô giáo trèo đèo lội suối để đón học sinh đi học ở vùng cao đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả hạnh phúc cá nhân mình để làm sao cho những mầm non tương lai có cơ hội sách đèn. Muốn đẩy đuổi cái đói, cái nghèo đương nhiên cần những người có đức hy sinh như thế. Thực tế cho thấy, những thầy cô giáo ấy sau khi đã cống hiến hết mình cho xã hội thì cái được còn lại là tình cảm trân quý của các thế hệ học sinh, cùng với đó cơ bản là những hệ lụy từ thời gian dài cắm biên, cắm bản…Mỗi thứ “trợ cấp” cho các thầy cô giáo, gần như không giúp họ vượt qua những khó khăn cụ thể trước mắt. Bởi ở vùng sâu, có lúc chưa hẳn đã cần tiền.
Nói thế để thấy rằng, khi đã chọn lấy nghiệp bút nghiên, hay nghề “gõ đầu trẻ”, đa phần văn giới hay là những người công tác trong ngành giáo dục đã xác định những khó khăn về vật chất và cả tinh thần mà mình phải đối đầu, gánh chịu trong suốt quãng đời làm nghề và cả những thời gian sau đó. Và chính những cố gắng hy sinh ấy, đương nhiên sẽ được cả xã hội thấu cảm, tôn vinh. Mỗi cá nhân hết mình trân trọng nghề, cũng là hết mình bảo vệ, gìn giữ những hình ảnh tốt đẹp đã có và cố công xây dựng trong lòng mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội. vất vả thế, cay đắng thế, đương nhiên cái nghề nghiệp ấy xứng đáng được trân trọng, tôn vinh.
Giữ gìn được lòng tự trọng và gắn bó với nghề, đó là việc của mỗi người đang giữ nghiệp văn, nghiệp giáo. Còn việc làm sao để thể hiện tấm lòng với mỗi nghề nghiệp cao quý ấy, là trách nhiệm của từng người, từng tập thể và cũng là của cả xã hội.
Cảnh ngẩng mặt là thấy cao ốc ở nơi ngột ngạt nhất Hà Nội
Tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang là nơi có mật độ cao ốc lớn nhất Thủ đô, nơi luôn trong trạng thái quá tải giờ cao điểm.