Trung Quốc công bố ca nhiễm cúm H10N3 đầu tiên trên người

Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh (NHC) cho biết một người đàn ông 41 tuổi ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đã được xác nhận là trường hợp đầu tiên nhiễm một chủng cúm gia cầm hiếm gặp có tên H10N3.

Nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau xuất hiện ở Trung Quốc và một số lây nhiễm không thường xuyên ở người, thường là những người làm việc với gia cầm. 

H10N3 là một chủng virus gây bệnh ở mức độ thấp, hoặc tương đối ít nghiêm trọng hơn ở gia cầm và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất thấp.

NHC cho biết ông được chẩn đoán là đã nhiễm virus cúm gia cầm H10N3 vào ngày 28/5 nhưng không cho biết chi tiết về việc người đàn ông đã bị nhiễm virus này như thế nào.

Tình trạng của ông ấy hiện đã ổn định và đã sẵn sàng để được xuất viện. Theo NHC, qua điều tra các mối quan hệ thân cận của ông không tìm thấy trường hợp nào khác.

NHC cho biết không có trường hợp nào khác nhiễm H10N3 ở người đã được báo cáo trên toàn cầu trước đó.

106890874-1622580444271-bird.jpg
Công nhân tiêm vaccine cúm gia cầm H9 cho gà con tại một trang trại ở huyện Trường Phong, tỉnh An Huy, ngày 14/4/2013. Ảnh: Reutes

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trả lời Reuters tại Geneva, cho biết: “Nguồn gốc phơi nhiễm vi rút H10N3 của bệnh nhân không được xác định tại thời điểm này, và không có trường hợp nào khác được phát hiện trong quá trình giám sát khẩn cấp trong cộng đồng dân cư địa phương. Tại thời điểm này, không có dấu hiệu lây truyền từ người sang người.

WHO cho biết thêm: “Chừng nào vi rút cúm gia cầm còn lưu hành ở gia cầm, thì việc lây nhiễm lẻ tẻ cúm gia cầm ở người là không có gì đáng ngạc nhiên, đó là một lời nhắc nhở rằng mối đe dọa của đại dịch cúm vẫn còn dai dẳng”.

Filip Claes, điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Trung tâm Khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới của Tổ chức Nông lương tại văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết chủng này “không phải là một loại virus rất phổ biến”.

Ông nói thêm, chỉ có khoảng 160 trường hợp phân lập vi rút được báo cáo trong vòng 40 năm đến 2018, chủ yếu ở các loài chim hoang dã hoặc thủy cầm ở châu Á và một số khu vực hạn chế ở Bắc Mỹ, và chưa có trường hợp nào được phát hiện ở gà cho đến nay.

Việc phân tích dữ liệu di truyền của virus sẽ là cần thiết để xác định xem nó có giống với những virus cũ hơn hay nó là sự pha trộn mới lạ của các loại virus khác nhau, Claes nói.

Trung Quốc không báo cáo số lượng người nhiễm cúm gia cầm đáng kể nào kể từ khi dịch cúm A/H7N9 bùng phát trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2017, khiến khoảng 300 người tử vong.

NGỌC CHÂU