Trước khi quẹt thẻ tín dụng mà không biết hỏi câu này, dễ "mất tiền oan"!

Một câu hỏi rất đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng có thể "tiết kiệm" cho bạn khối tiền đấy.

Tạm bỏ qua những lưu ý quan trọng khi dùng thẻ tín dụng để không vô tình "sinh nợ" (vì bạn chỉ cần google search 1 phát là ra và thường thì ai cũng biết hết cả rồi), trong bài viết này, hãy chỉ tập trung phân tích một vấn đề ít người để ý khi dùng thẻ tín dụng: Phí suất tín dụng!

Phí suất tín dụng thường được dân tình gọi với cái tên có ít tính chuyên ngành hơn, là "phí credit" hay "phí cà thẻ".

Trước hết, bạn cần phân biệt rõ hai khái niệm: Phí suất tín dụngLãi suất tín dụng.

Phí suất tín dụng là mức phí bạn cần trả cho mỗi lần quẹt thẻ tín dụng; còn Lãi suất tín dụng là số tiền lãi bạn phải thanh toán cho ngân hàng nếu thanh toán dư nợ không đúng hạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phân biệt được 2 khái niệm cơ bản này rồi, dưới đây là câu hỏi mà bạn cần bật ra thành tiếng, trước khi quẹt thẻ tín dụng của mình ở bất cứ đâu.

"Thanh toán bằng thẻ tín dụng thì có bị tính phí credit không?"

Nếu đúng theo luật ở Việt Nam, bạn sẽ không phải trả bất cứ khoản phí nào khi quẹt thẻ tín dụng. Đối tượng phải thanh toán khoản phí này cho ngân hàng là đơn vị thuê thiết bị POS - thiết bị phục vụ việc quẹt thẻ tín dụng. Phí credit ở Việt Nam thường rơi vào khoảng 1 - 2.5% tổng số tiền trong 1 lần giao dịch (tùy từng ngân hàng).

Ví dụ thế này đi cho dễ hiểu: Bạn đi ăn một bữa hết 1.250.000đ và thay vì chuyển khoản hay dùng tiền mặt, bạn chọn quẹt thẻ tín dụng. Lúc này, mức phí credit cho hóa đơn trị giá 1.250.000đ này sẽ rơi vào khoảng 12.500đ (1% tổng số tiền giao dịch) - 31.250đ (2,5 tổng số tiền giao dịch).

Thành thật mà nói, rất ít người trong số chúng ta có thói quen hỏi về vấn đề ai là người phải chịu phí credit mỗi khi cà thẻ thanh toán hóa đơn, cứ thản nhiên và an tâm đưa thẻ cho nhân viên quẹt thôi, đúng không?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thu Ngọc (26 tuổi) hiện đang sinh sống ở TP.HCM từng rơi vào tình trạng "ú òa" khi số tiền bị trừ trong thẻ tín dụng lại chênh hẳn 420.000đ so với hợp đồng đã ký.

"Chuyện là mình đăng ký thẻ tập yoga thời hạn 1 năm ở một trung tâm nọ. Họ báo với mình mức giá 21.000.000đ và mình có thể thanh toán bằng 3 hình thức: Chuyển khoản, quẹt thẻ, tiền mặt. Mình đã chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng mà không mảy may nghĩ gì cho đến khi thấy tin nhắn báo thẻ vừa bị trừ 21.420.000đ mình mới ngã ngửa. Có hỏi có khiếu nại cũng quá muộn rồi vì mình đã thanh toán xong, họ mới nói mình là người chịu phí cho giao dịch này" - Thu Ngọc kể lại.

Đương nhiên, Thu Ngọc có phần đen đủi mới gặp phải một trung tâm làm việc thiếu chuyên nghiệp và có phần sai pháp luật như vậy. Nhưng chẳng ai có thể dám chắc bản thân không bao giờ rơi vào tình huống ấy nên tốt nhất, hãy cứ hỏi "mình thanh toán bằng thẻ tín dụng thì có bị tính phí không?". Một câu hỏi đơn giản thôi mà, cũng đâu tốn nhiều calo để phải chần chừ, lưỡng lự đúng không?

Cần cảnh giác với thói quen "shopping online xuyên lục địa" hoặc suy nghĩ "đi du lịch nước ngoài, chẳng cần đổi nhiều tiền mặt"

Có thể thanh toán "xuyên quốc gia", đa dạng nhiều loại tiền tệ là một trong những yếu tố khiến thẻ tín dụng trở thành loại thẻ có trong ví của rất nhiều bạn trẻ.

Ngồi ở Việt Nam mà vẫn "shopping" được ở bên Anh, bên Mỹ, đến khi thanh toán chỉ cần nhập vài con số là xong, tiện quá phải không?

Rồi đến khi đi du lịch nước ngoài, nếu chẳng có thời gian đi đổi ngoại tệ, chỉ cần nhét cái thẻ tín dụng vào ốp điện thoại là tự tin lên đường?

Nếu "Ừ, đúng rồi" là câu trả lời của bạn cho hai câu hỏi phía trên, chứng tỏ bạn vẫn còn "gà mờ" lắm!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi thanh toán quốc tế online hoặc trực tiếp tại máy POS bằng thẻ tín dụng (thường là thẻ Visa, Mastercard), ngoài giá trị của sản phẩm, bạn sẽ phải trả thêm khoản phí chuyển đổi ngoại tệ và phí giao dịch ngoại tệ.

Tùy vào từng ngân hàng mà mức phí chuyển đổi ngoại tệ và phí giao dịch ngoại tệ khi sử dụng thẻ tín dụng có thể sẽ khác nhau. Mức phí thấp nhất là 0.91% giá trị giao dịch và cao nhất là 3,3% giá trị giao dịch.

Ví dụ thế này cho dễ hiểu: Bạn đi du lịch Hàn Quốc, ăn một bữa hết 450.000 Won (840.886đ) và thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ngoài 840.886đ bạn giá trị bữa ăn, bạn còn phải thanh toán thêm một số tiền trong trong khoảng 7651đ (0.91% giá trị giao dịch) - 27.749đ (3.3% giá trị giao dịch).

Một bữa ăn đã bị "đội" giá ít nhất gần 10 nghìn đồng. Nếu thờ ơ với việc đổi ngoại tệ mỗi lần du lịch nước ngoài hoặc "mua sắm online xuyên lục địa", con số mà bạn phải chi cho việc quẹt thẻ tín dụng "nơi xứ người" có thể lên tới tiền triệu đấy.

Nếu không tin, hãy thử nhớ lại mỗi lần bản thân đi siêu thị mà xem: Chọn vài gói bim bim, thêm vài que kem, dăm gói mì tôm, 1-2 chai nước khoáng; toàn là những món đồ be bé rẻ tiền, nhưng lúc thanh toán vân cứ là 200.000đ - 300.000đ như thường, đúng không? Nhiều món đồ giá trị nhỏ gộp lại sẽ tạo ra khoản chi to to. Phí "cà thẻ" tín dụng cũng tương tự.

Thế nên, trước khi quẹt thẻ tín dụng ở bất cứ đâu, đừng bao giờ quên bật ra thành lời câu hỏi "Thanh toán bằng thẻ tín dụng thì có bị tính phí credit không?", nhớ nhé!

Ngọc Linh

Xóa sổ tín dụng đen cần có trần lãi suất cho vay tiêu dùng

Xóa sổ tín dụng đen cần có trần lãi suất cho vay tiêu dùng

Pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế, nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng chi trả của họ.