Trước thông tin áp niên hạn sở hữu chung cư, nhiều người đã “quay xe” lựa chọn mua nhà đất

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đưa ra 2 phương án liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trước thông tin áp niên hạn sở hữu chung cư, nhiều người đã “quay xe” lựa chọn mua nhà đất...

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, quy định thời hạn sở hữu chung cư không áp dụng đối với những trường hợp cấp phép trước thời điểm Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Do vậy, những người dân sở hữu chung cư hiện nay vẫn tiếp tục được áp dụng thời hạn sử dụng lâu dài.

“Những trường hợp cấp phép xây dựng hoặc được miễn phép nhưng có các thiết kế mà xác định phê duyệt sau ngày Luật này có hiệu lực thì sẽ áp dụng niên hạn sở hữu”, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói.

Bên cạnh đó, ông Khởi cho rằng, quy định này sẽ tác động đến giá nhà và cũng tạo cơ hội cho nhiều người, đặc biệt là những người có khả năng tài chính vừa phải có thể sở hữu được nhà chung cư với mức giá hợp lý.

“Để thúc đẩy người dân mua nhà chung cư, có thể các chủ đầu tư sẽ phải tính toán phương án thiết kế của mình với nhà chung cư có thời hạn khoảng 50 - 70 năm hoặc 80 năm, với thời hạn ngắn thì giá cả sẽ giảm xuống. Cho nên ở một góc độ nào đó, chúng tôi cho rằng quy định này có tác động 2 mặt, một là về giá, 2 là về cơ hội tiếp cận nhà ở chung cư của người dân”, ông Khởi nói.

Ông Khởi cho biết, nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua theo đúng chương trình thì sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, và những trường hợp cấp phép sau đó mới áp dụng quy định sở hữu căn hộ chung cư.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thời gian gần đây, thông tin chung cư có niên hạn khiến một số người tranh thủ đi mua. Theo đó, giá chung cư cũng tăng lên đáng kể.

“Trước thời điểm luật có hiệu lực thì những căn hộ nào đã có sổ hồng thì sẽ là vĩnh viễn. Theo đó, giá chung cư cũ cũng sẽ tăng lên rất nhiều so với những căn hộ có thời hạn 50 - 70 năm”, ông Điệp nói.

Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, nói: "Nên có niên hạn sử dụng nhà chung cư, nhưng quyền sở hữu (quyền sở hữu đất đai của lô đất, của chung cư đó) không đụng đến".

Ngoài ra, ông kiến nghị cần làm rõ cách xác định thời hạn sử dụng của từng chung cư vì điều này liên quan đến giá bán nhà. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần đánh giá tác động thị trường bởi với những chung cư không chịu chi phối của Luật Nhà ở sửa đổi, tức được sở hữu vô thời hạn, giá nhà có thể tăng đột biến.

TS Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, đánh giá việc quy định thời hạn sở hữu chung cư là can thiệp vào quyền tài sản của người dân.

"Miếng đất, căn hộ là tài sản. Nếu đi vào càng chi tiết sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống", ông nói.

Ông đề nghị khi sửa Luật, phải quan tâm đến gốc rễ là quyền tài sản cũng như quyền tự do giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đề nghị không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, giữ nguyên quy định cũ.

Bởi dự thảo đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế không phù hợp cả về mặt khoa học, pháp lý cũng như thực tiễn. Thêm nữa, bản chất việc chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư hiện nay là chứng nhận "kép": Vừa chứng nhận quyền sử dụng đất (Luật Đất đai), vừa chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Luật Nhà ở).

Tổng Hợp