TS. Trịnh Kiều Thế Loan sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Thời điểm đó, một học sinh thuộc trường làng của tỉnh miền Tây gần như không thể đỗ đại học. Chính vì vậy, chị đặt hết tâm huyết của mình vào việc học để hoàn thành ước mơ làm sinh viên đại học. Và rồi chị trở thành người con đầu tiên của xã Phong Phú (huyện Cầu Kè) thi đỗ Đại học Cần Thơ với chuyên ngành Công nghệ sinh học - ngành đáng mơ ước của nhiều bạn cùng trang lứa, và cũng là khóa đầu tiên thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học.
TS. Trịnh Kiều Thế Loan. |
Chia sẻ về lý do chọn ngành Công nghệ Sinh học, TS. Thế Loan cho biết: Tình cờ biết đến công nghệ sinh học khi học THPT, chị đã thấy rất hứng thú. Khi vào đại học, chị lựa chọn một ngành khó là Công nghệ sinh học, để khám phá những thứ không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Tháng 8/2010, khi vẫn chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đại học, chị xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn khắt khe chinh phục suất học bổng toàn phần bậc học Thạc sĩ, tại khoa Công nghệ sinh học Nano, ĐH Kyungwon, Hàn Quốc (nay là trường ĐH Gachon).
Năm đầu học thạc sĩ, chưa quen với môi trường làm việc mới và vốn tiếng Anh không tốt, chị phải nỗ lực nhiều hơn gấp bội so với bạn bè, từ việc trau dồi ngoại ngữ, đọc các bài báo khoa học làm tăng vốn kiến thức chuyên ngành, xây dựng ý tưởng. Gần như chị dành hết quỹ thời gian của mình cho nghiên cứu và học tập, nhưng từng bước chị chinh phục được những mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, chị đã có các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới, chủ yếu ở danh mục Q1- các tạp chí đầu ngành theo từng lĩnh vực nghiên cứu. Các bài báo chủ yếu về chế tạo vi chip dựa trên phương pháp PCR ứng dụng phát hiện mẫu bệnh phẩm trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, y dược và y tế cộng đồng.
Năm 2012, năm đầu tiên học tiến sĩ, chị đã có bài báo công bố gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu y học đăng trên Tạp chí Analyst, với tựa đề “Flow-through PCR on a 3D qiandu-shaped polydimethylsiloxane (PDMS) microdevice employing a single heater: toward microscale multiplex PCR”. Bài báo nghiên cứu về chế tạo một vi chíp có cấu trúc 3D có khả năng làm biến thiên nhiệt độ phù hợp cho phản ứng PCR sử dụng một thiết bị nhiệt đơn để phát hiện nhiều mẫu bệnh phẩm trong cùng một phản ứng.
Công bố này được hầu hết các tạp chí uy tín trên thế giới trích dẫn, đồng thời được tóm tắt lại như một sáng tạo đột phá đăng trên “Chemistry World” và “Technology Review” bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và Đức.
TS. Trịnh Kiều Thế Loan (ở giữa) bên bố mẹ trong ngày nhận Quả cầu vàng về khoa học công nghệ năm 2018. |
Từ bước đệm vững chắc này, năm 2014, TS. Trịnh Kiều Thế Loan có bằng sáng chế đầu tiên về sử dụng thiết bị nhiệt đơn điều khiển phản ứng PCR với vi chíp cấu trúc 2D trong ứng dụng phát hiện mẫu bệnh phẩm. Đây là bằng sáng chế độc quyền trên thế giới. TS. Thế Loan dẫn chứng về tính ưu việt vượt trội của thiết bị vi chíp phát hiện mẫu bệnh phẩm.
Theo đó, nếu muốn phát hiện một con virut cúm, chỉ cần một người bình thường lấy mẫu bệnh phẩm đó bơm vào chip. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ vi chip sẽ phân tích cho ra kết quả có vi rút cúm hay không. Trong khi đó, hiện tại, để phát hiện một mẫu bệnh phẩm cần người có trình độ chuyên môn cao lấy mẫu làm các thí nghiệm phức tạp rồi hội đồng khoa học thẩm định hội chẩn mất rất nhiều thời gian mới cho ra được kết quả cuối cùng.
Năm 2016, TS. Thế Loan tiếp tục có bằng sáng chế thứ 2, phát triển từ bằng sáng chế thứ nhất theo công nghệ chế tạo vi chip cấu trúc 3D đơn giản.
Hiện tại, TS. Trịnh Kiều Thế Loan đang được giữ lại Đại học Gachon làm nghiên cứu trong nhóm của một Giáo sư cùng với 12 sinh viên. Với chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, TS. Thế Loan tin có rất nhiều cách đóng góp để nâng tầm công nghệ sinh học thông qua các hoạt động trao đổi, giao lưu hợp tác, nghiên cứu giữa các trường đại học tại Hàn Quốc với các viện nghiên cứu, đại học tại Việt Nam. Đặc biệt, chị cũng sẽ cung cấp nhiều kênh thông tin học bổng để tạo cơ hội nhiều hơn cho các thế hệ sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận và nhận được học bổng, cũng như tìm kiếm các nguồn quỹ cho đề tài hợp tác song phương.
Nói về mục tiêu trên con đường nghiên cứu khoa học, TS. Trịnh Kiều Thế Loan cho biết, tâm huyết của chị là tạo ra được những nghiên cứu mang lại sự tiện lợi, giá trị và phục vụ chất lượng cuộc sống con người. Từ những nghiên cứu mang tính lý thuyết, TS. Thế Loan vẫn đang cố gắng hoàn thiện để xin những bằng sáng chế, sau đó kết hợp các công ty để tạo ra những sản phẩm thực. Những sản phẩm này có thể sử dụng dạng phổ thông để đưa đến cho con người những chẩn đoán nhanh về bệnh ngay tại nhà. Đây chính là hoài bão chung của những người đang làm nghiên cứu ở lĩnh vực này.
Nữ tiến sĩ đam mê y học tái tạo
Năm 2019, chị được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á