Từ 0h ngày 31/7, TP.HCM tạm thời đóng cửa quán bar, vũ trường

TP.HCM yêu cầu tạm ngừng dịch vụ quán bar, vũ trường, các hoạt động không cần thiết và hạn chế tụ tập đông người tại tiệc cưới, tang lễ.

Chiều tối 30/7, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn về việc tạm ngưng hoạt động một số cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: quán bar, vũ trường.

Khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).

Tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư; các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác...

  TP.HCM tạm đóng cửa quán bar, vũ trường, không tập trung quá 30 người.

TP.HCM tạm đóng cửa quán bar, vũ trường, không tập trung quá 30 người.

UBND TP.HCM đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

UBND TP.HCM khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết phải tổ chức trực tiếp (của cơ quan Đảng, chính quyền...) phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.

Tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị.

Đối với các cuộc họp, người dự họp phải đeo khẩu trang, hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự li gần; rửa tay trước và sau cuộc họp. Tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.

Đối với các hoạt động mang tính cấp thiết của ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải được tiếp tục và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

UBND TP.HCM đề nghị các ngành, cấp chính quyền không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Người đứng đầu chính quyền 24 quận, huyện tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn mình và rà soát phương án, kế hoạch phòng dịch trong tình hình mới.

Cũng trong chiều nay 30/7, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc COVID-19 ở Quảng Nam.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này Việt Nam có tổng cộng 464 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. 

Ca bệnh 460 (BN460): Bệnh nhân nữ, 49 tuổi, ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngày 18/6-20/7/2020, bệnh nhân chăm sóc chồng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 23/7/2020, bệnh nhân bị đau đầu, mệt, đau họng.

Ca bệnh 461 (BN461): Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở phường Sơn Phong, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngày 13-14/7/2020, bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng để chăm sóc mẹ bị ốm. Ngày 26/7/2020, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi.

Ca bệnh 462 (BN462): Bệnh nhân nam, 53 tuổi, ở phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngày 24/7/2020, bệnh nhân chăm sóc bố là BN428 tại khoa Nội - Tiết niệu Bệnh viện Đà Nẵng.

Ca bệnh 463 (BN463): Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở Cẩm Nam, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21/7/2020, bệnh nhân chăm sóc bố là BN428 tại khoa Nội - Tiết niệu Bệnh viện Đà Nẵng.

Ca bệnh 464 (BN464): Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, ở phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngày 18/07/2020, bệnh nhân đi thăm BN428.

Cả 5 trường hợp được lấy mẫu ngày 28/7/2020 lấy mẫu, kết quả ngày 30/7/2020 dương tính với SARS-CoV-2.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương