Để chủ động kiểm soát hiệu quả bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, theo TTXVN.
Chikungunya là bệnh do virus được lây truyền sang người qua trung gian là muỗi vằn nhiễm bệnh. Ảnh minh họa |
Theo đó, ngành Y tế Long An theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết, Zika; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình trên địa bàn tỉnh và khả năng xâm nhập dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trên tuyến biên giới của tỉnh.
Ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, phòng tránh muỗi đốt, diệt trừ lăng quăng, bọ gậy để diệt trừ tác nhân lây truyền bệnh. Đồng thời, ngành tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có chỉ số muỗi tăng cao; phát động phong trào vệ sinh môi trường tới tận các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, các điểm dân cư tập trung và vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh lập kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp nặng, thông báo cho Trung tâm Y tế gần nhất để kịp thời kiểm tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương, tập trung nguồn lực, triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả; chủ động về vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác điều trị người bệnh và xử lý ổ dịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt, tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; hướng dẫn học sinh kết hợp các hoạt động của nhà trường với việc tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt…
Ảnh minh họa. |
Các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết, Zika trên các phương tiện thông tin đại chúng; lắp đặt các pano, áp phích tuyên truyền tại các tuyến giao thông chính, nơi tập trung đông dân cư, các cơ quan hành chính nhà nước... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chikungunya là bệnh do virus được lây truyền sang người qua trung gian là muỗi Aedes nhiễm bệnh. Triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban; các biểu hiện lâm sàng của bệnh này giống như bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Dịch bệnh Chikungunya đã lây lan nhanh sang 12 tỉnh, thành phố tại Campuchia và có khả năng tiếp tục lan rộng sang các địa phương khác (trong đó có 3 tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Tbong Khmum, Ta Keo, Kampot). Đặc điểm chung của bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika là đều có cùng tác nhân gây bệnh do muỗi Aedes gây ra.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Long An hiện đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2020 đến ngày 4/8, Long An ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gần 1.000 ca, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019 (2.911 ca).
Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Các ca bệnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An (chiếm 71% số ca mắc của toàn tỉnh), trong đó, riêng huyện Đức Hòa đã ghi nhận 313 ca, chiếm 29% tổng số ca mắc trên toàn tỉnh.
(Tổng hợp)