Những câu chuyện kinh doanh, kinh nghiệm thương trường từng trải qua là điều mà bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food góp nhặt, mong muốn truyền tất cả cho người trẻ.
"Bỏ" thủy sản đi làm thực phẩm tiện dụng cho bà nội trợ Việt
Trước khi về đầu quân cho Sài Gòn Food vào năm 2003, nữ doanh nhân đã có kinh nghiệm qua 21 năm làm việc tại hai công ty thủy sản nhà nước. Tấm bằng kỹ sư thủy sản và từng ấy năm kinh nghiệm làm việc đúng chuyên ngành giúp nữ doanh nhân tích lũy được nhiều kiến thức. Nhưng việc chuyển hướng kinh doanh đối với bà là một bước ngoặt.
Khi nhận lời mời kinh doanh thủy sản nội địa cùng thành lập ra Sài Gòn Food, bà Lâm cho biết lúc đó rơi vào thời điểm các hệ thống siêu thị bắt đầu phát triển. Bà nói việc hợp tác này là cơ hội để bản thân thay đổi ở môi trường mới, đồng thời giúp bà hiện thực hóa ước mơ tạo ra nhiều dòng thực phẩm tiện dụng mới cho thị trường trong nước.
Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food. Ảnh: Hội doanh nghiệp VN. |
Hiểu rõ chế biến thủy sản Việt Nam phát triển khá nhanh, nhưng thị trường vẫn tập trung nhiều cho xuất khẩu. Trong nước vẫn chỉ là sản phẩm nguyên liệu sơ chế, bà Lâm luôn muốn mang đến cho người dùng những sản phẩm chế biến công phu, tiện dụng.
"Mình nghĩ thương cho chị em phụ nữ Việt Nam, mỗi khi vào bếp phải làm từ A-Z, mất nhiều thời gian và công sức. Trong khi phụ nữ các nước lại khá thư thả bằng những sản phẩm mang tính tiện dụng cao do người Việt tạo ra”. Bà Lâm chia sẻ và quyết tâm tập trung đầu tư, cho ra đời những sản phẩm chế biến sẵn chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước. Đặc biệt là “giúp người phụ nữ xứ mình vào bếp được nhàn nhã hơn”.
Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food chia sẻ bà có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu, nhưng nay chuyển sang làm hàng nội địa lại phải nghiên cứu từ đầu, chế biến từng món chi li, sản xuất công nghiệp mà cứ như làm món 'đám giỗ'. "Dù vậy, tôi đã chọn và tôi đã làm được”, bà Lâm khẳng định.
Và bà đã mang đến cho người tiêu dùng trong nước niềm tin “Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất sản phẩm chất lượng cao với công nghệ hiện đại”. Một trong những thành công của Saài Gòn Food mà bà tự hào khi áp dụng sản xuất bằng công nghệ mới, cho ra sản phẩm chất lượng là dòng sản phẩm cháo tươi, các loại rau củ, hải sản, thực phẩm đóng gói dùng trong những bữa ăn hằng ngày.
“Ở Sài Gòn Food, tôi đã lấy uy tín cá nhân cộng với đó là việc chứng minh chất lượng sản phẩm của mình để thuyết phục các hệ thống siêu thị nhận hàng”.
Trong cuốn sách vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, nữ doanh nhân này viết rằng: “Sự thành công bắt nguồn từ việc nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê và khát khao làm điều gì đó có ích cho xã hội”.
Từ nồi lẩu đến người bán xôi
Đó đều là cách gọi cho những dòng sản phẩm làm nên tên tuổi của bà Thanh Lâm và Sài Gòn Food trên thị trường tiêu dùng. Năm 2005, Sài Gòn Food được mệnh danh "Nồi lẩu lớn nhất Việt Nam" vì là người tiên phong mặt hàng lẩu đông lạnh. Sau thành công của Sài Gòn Food, thị trường hiện nay đã có hơn 15 thương hiệu lẩu đông lạnh khác, nhưng bà Lâm tự tin khẳng định: “Sản phẩm lẩu đông lạnh của Sài Gòn Food vẫn đứng vị trí số 1 về chất lượng và doanh số tại tất cả các hệ thống siêu thị trong cả nước”.
Bên cạnh sự thành công về mặt hàng lẩu đông lạnh, trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện có khoảng 65 loại sản phẩm đông lạnh khác của Sài Gòn Food. Trong số đó, hai mặt hàng đạt lượng tiêu thụ bình quân trên hàng trăm ngàn gói mỗi năm là lẩu Thái và lẩu mắm.
Quyển sách đầu tay “ Người thả diều ” kể về những câu chuyện kinh doanh và nuôi dưỡng ước mơ tuổi trẻ của bà Lê Thị Thanh Lâm, được trưng bày trong “ Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2020 ”. Ảnh: Xuyến Kim. |
Năm 2007, thị trường nổi lên phong trào kinh doanh cháo dinh dưỡng, bà Lâm bảo đó là thời điểm quyết định giúp bà đẩy nhanh dòng sản phẩm cháo tươi Sài Gòn Food mà mình đã "thai nghén" trước đó. Thực tế, sản phẩm cháo tươi này bà đã ấp ủ từ lâu, với mong muốn truyền tải được thông điệp yêu thương của phụ nữ dành cho con mình. Dù vậy, mãi đến cuối 2011, sản phẩm cháo tươi không chất bảo quản phục vụ cho trẻ em với hoàn thiện, đưa được ra thị trường.
Thời điểm đó, mỗi gói cháo của công ty có giá khá cao, rơi vào khoảng 18.000-25.000 đồng. Đây lại là rào cản khiến người tiêu dùng chần chừ với mặt hàng này. Đến năm 2017, khi các hệ thống siêu thị nước ngoài như Aeon, Lotte… nhập sản phẩm cháo tương tự với giá bán cao hơn nhiều lần, người tiêu dùng trong nước mới chấp nhận mở lòng với cháo tươi Sài Gòn Food.
“Nếu ví von sự ra đời của một sản phẩm như sự chào đời của một đứa con, thì chưa có sự chào đời nào trong những đứa con của Sài Gòn Food lại khó khăn như cháo tươi. Cháo tươi chính là niềm tự hào lớn của chúng tôi”, bà Lâm viết trong quyển sách chia sẻ câu chuyện kinh doanh của mình.
Nữ doanh nhân nói rằng chính tâm huyết và tình yêu của từng người lao động tại công ty đã làm nên sản phẩm cháo tươi có được sự tín nhiệm, tin dùng của nhiều bà mẹ Việt.
Dòng sản phẩm cháo tươi dành cho trẻ là lối đi riêng của Sài Gòn Food mà bà Lâm ví là "đứa con chào đời khó khăn nhất". Ảnh: Brand Việt Nam. |
Sau thành công của các sản phẩm lẩu, cháo tươi, Sài Gòn Food còn hợp tác thêm với các cửa hàng tiện lợi mở rộng sản phẩm trên các kệ hàng. Bước ngoặc là 7-Eleven đã bán xôi, gỏi, hột vịt lộn sốt me của Sài Gòn Food... Từ sau khi ông lớn bán lẻ này xuất hiện tại Việt Nam, nữ doanh nhân "bán lẩu, bán cháo" lại có thêm một nghề mới: “Bán xôi”.
“Hơn 10 năm theo đuổi đam mê tạo ra các dòng sản phẩm chế biến chất lượng và tiện dụng, người ngoài nhìn thấy có vẻ thuận lợi và dễ dàng như trên một đường thẳng. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một quá trình lâu dài đầy thử thách và chông gai”, bà Lâm viết.
Người truyền cảm hứng đọc và viết
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm và niềm đam mê được chia sẻ, gắn kết với các thế hệ, bà Thanh Lâm đã bén duyên trong vai trò là người truyền cảm hứng. Bà luôn dành thời gian tham gia các buổi tọa đàm, workshop về kỹ năng mềm, Dự án viết sách cũng bắt đầu từ mông muốn chia sẻ.
“Đời doanh nhân, từ khi lập nghiệp đến lúc thành công là cả một hành trình dài với nhiều bài học kinh nghiệm. Doanh nhân nào cũng có một kho tàng gồm những trải nghiệm và bài học để đời. Tôi ví von đó là những cuốn sách… sống mà mình phải viết ra, để truyền cảm hứng cho giới trẻ ”, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food nói.
"Đời người chính là sự tiếp nối những câu chuyện, vui - buồn, đau khổ - hạnh phúc, thành công - thất bại. Và mỗi chúng ta ai cũng sẽ có những nếm trải, đối diện, thậm chí là sinh tử. Theo lẽ đó, khi nằm xuống, chúng ta cũng không thể mang theo tài sản, trí tuệ và cả kinh nghiệm của mình. Hãy nên gửi lại những vốn sống và sự từng trải cho các thế hệ gìn giữ, tiếp tục phát huy", đó là những dòng chia sẻ trong cuốn sách Người kể chuyện của tác giả, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm.
Tác giả “Người kể chuyện” còn viết: “Bạn không thể giận dữ với bút mực và trang giấy. Vì thế, bằng cách nào đó, mỗi người nên tự rèn luyện thói quen đọc sách và viết để nuôi dưỡng tâm hồn bên trong của mình. Từ thực tế đó, tại Sài Gòn Food luôn tạo điều kiện để nhân viên truyền tay nhau những lá thư tự viết, tặng nhau những cuốn sách giúp mọi người nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc".
“Không phải là tất cả, nhưng nhiều trường hợp, tôi thấy bằng cách viết, chúng ta có thể thuyết phục người khác dễ dàng hơn khi nói chuyện. Nhưng muốn viết thì phải đọc. Viết và đọc là hai thói quen cần được nuôi dưỡng, và cũng là cách để doanh nhân như tôi truyền cảm hứng đến mọi người”.
Bà Lê Thị Thanh Lâm sinh 1959, xuất thân là một kỹ sư thủy sản, làm việc trong ngành thủy sản từ năm 1982. Bên cạnh Sài Gòn Food, nữ doanh nhân còn là Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Thành viên Hội đồng Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ – VBCWE. Bà Lâm đã xuất bản 2 tác phẩm. Đó là Người Thả Diều, chia sẻ những câu chuyện chắp cánh ước mơ tuổi trẻ và Người Dẫn Chuyện, bao gồm những bí quyết làm nên thương hiệu doanh nhân. |