Tỷ lệ người đồng tính tự tử gia tăng: hồi chuông báo động!

Ngày càng nhiều các trường hợp bị trầm cảm, rối loạn tâm lý vì sự kỳ thị của cộng đồng xã hội và chính người thân trong gia đình.

Mặc dù việc các cặp đôi đồng tính kết hôn và chung sống đã không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam tuy nhiên điều đó không có nghĩa có một số người có thể từ bỏ định kiến với họ. Những lời dè bỉu, sự xa lánh và kỳ thị chính là nguyên nhân khiến họ cảm thấy mặc cảm tự ti vào bản thân, không dám hòa đồng với xã hội và đau đớn hơn là sẵn sàng rời bỏ cuộc sống này để được giải thoát.

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ cách đây không lâu, một cặp đôi đồng tính Trần A. và Tú Á. đã phải tự kết liễu cuộc đời mình vì áp lực từ gia đình, dư luận. Thay vì dũng cảm bước tiếp, họ lại chọn cách chết.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247, xã hội ngày càng phát triển, vấn đề của cộng đồng LGBT ngày càng được quan tâm. Bản thân anh từng tiếp nhận đến hàng trăm trường hợp cần tư vấn do áp lực tâm lý khi bị kỳ thị vì thuộc cộng đồng LGBT. 

Phải thừa nhận rằng, xã hội hiện đại đã có nhiều biện tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện về LGBT với mong muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, đại đa số vẫn mang tâm lý kỳ thị những người đồng tính, ngay cả những người là cha là mẹ của họ cũng không thể chấp nhận sự thật này.

"Trong quá trình hỗ trợ tâm lý, tôi có gặp một bạn trẻ 25 tuổi thuộc nhóm cộng đồng LGBT. Mặc dù bạn trẻ đã rất dũng cảm tìm đến trung tâm nhưng trong 4 tiếng hỗ trợ tư vấn, 1 tiếng đầu tiên bạn ấy gần như không dám chia sẻ gì. Sau khi bạn trẻ cảm nhận được sự an toàn từ phía chuyên gia không phán xét gì con người của mình thì mới bắt đầu bộc bạch những áp lực, khó khăn từ chính bố mẹ, anh chị em và xã hội đang đè lên mình.

Bố mẹ bắt mặc váy, đánh phấn, để tóc dài cho giống con gái… tất cả những sự yêu thương không đúng cách đó đều là áp lực con mình phải chịu đựng. Rồi khi bước ra ngoài, mọi người nhìn mình với ánh mắt phán xét, xì xào...", anh Lê Văn Thắng cho biết.

Những trường hợp đến tư vấn đều rất mặc cảm và lạc lõng, họ không tìm được tiếng nói chung với bất kỳ ai vì vậy lâu dần nảy sinh tâm lý muốn tự tử.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển, trước đây câu chuyện về giới tính thật của con người được giữ kín nhiều hơn. Sau khi các vụ tự tử nhiều hơn, cộng đồng LGBT cũng đang muốn được thể hiện bản thân mình, muốn lên tiếng để đòi quyền lợi cho bản thân. Tuy nhiên, gia đình đôi khi lại chính là rào cản ngăn họ làm vậy.

  PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển.

“Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận một cách "rộng mở" hơn. Bản thân những người thuộc cộng đồng LGBT đã phải chịu thiệt thòi khi sinh ra không được sống với con người thật, đó cũng có thể xem như một nỗi bất hạnh”, ông Đức nhấn mạnh.

Không nên để các định kiến vượt qua tình người bởi bất kỳ ai trong cộng đồng đều có quyền được hạnh phúc, được mỉm cười với lựa chọn của mình. Thay vì kỳ thị hãy bảo vệ họ!

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, yếu tố quyết định để có thể giải quyết vấn đề nhất chính là những người trong cuộc phải tự nhận thức giá trị của bản thân rằng mình là người bình thường có quyền được sống và làm việc theo pháp luật.

Các bậc phụ huynh khi phát hiện ra vấn đề của con cái mình phải liên lạc với chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm cách hiểu con mình hơn, ứng xử đúng mực hơn.

Bên cạnh đó, xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết, các cơ quan cũng cần đưa ra những quy định cụ thể để bảo vệ họ.

Thanh Mai

Hà Nội phát hành hơn 40.000 cuốn sổ tay về quy tắc ứng xử

Hà Nội phát hành hơn 40.000 cuốn sổ tay về quy tắc ứng xử

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội hiện đã có hơn 40.000 cuốn sổ tay Quy tắc ứng xử (QTƯX) được phát hành.