Khoảnh khắc giao thừa là thời điểm rất thiêng liêng, tiễn biệt một năm cũ đã qua để chào đón năm mới sắp tới. Đây cũng là thời khắc người ta muốn ở cạnh những người thân yêu nhất, cùng nhau chào đón năm mới an lành. Khi đôi tình nhân ở cạnh nhau, vào đúng thời điểm giao thừa tới, họ sẽ trao nhau nụ hôn ấm áp. Ý nghĩa thực sự của hành động ngọt ngào này còn liên quan tới truyền thống có từ thời xa xưa.
Bắt đầu từ thời La Mã cổ đại, xuất phát từ lễ hội người La Mã tôn vinh vị thần nông nghiệp Satun. Đó là ngày hội có tên Saturnalia với những bữa tiệc kéo dài cả tuần cùng nhiều hoạt động vui chơi, và không thể thiếu việc các cặp đôi hôn nhau dưới cây tầm gửi. Truyền thống này kéo dài tới cả khoảnh khắc bước sang năm mới.
Nụ hôn ngọt ngào trên quảng trường Thời Đại, Mỹ, vào khoảnh khắc giao thừa. |
Nhiều truyền thống Giáng sinh và năm mới ngày nay có thể bắt nguồn từ lễ hội này, trong đó mọi người sẽ trang trí nhà cửa bằng vòng hoa, tặng quà, ngừng làm việc hay mua bán, ăn uống linh đình trong các bữa tiệc. Ở đó, người ta thường hôn và làm nhiều chuyện "vui vẻ" khác.
Người La Mã cổ đại không phải là nơi bắt nguồn của nụ hôn đầu năm. Trong văn hóa dân gian Anh và Đức cũng đã tồn tại truyền thống này. Cụ thể, các cặp đôi sẽ trao nhau nụ hôn vào nửa đêm khi bước sang năm mới để nuôi dưỡng mối tình lãng mạn, đồng thời giúp họ thêm gắn kết hơn. Họ cũng tin rằng, nếu bạn gặp ai vào đúng thời khắc đầu năm sẽ xác định 12 tháng tiếp theo diễn ra thế nào. Ngược lại, nếu không hôn ai đó vào năm mới sẽ dẫn tới cuộc sống tình cảm thiếu tình yêu, thậm chí cô đơn.
Trong cuốn Religions of Rome (Tôn giáo của Rome), các nhà sử học Mary Beard, John North và Simon Price viết về việc Saturnalia và các lễ hội khác "đôi khi đã tạo điều kiện để phá vỡ (tạm thời) các quy tắc và hệ thống thứ bậc xã hội lâu đời" như thế nào, nghĩa là ngay cả nô lệ cũng tham gia tiệc tùng với chủ nhân của họ.
Nụ hôn đêm giao thừa đã trở thành phong tục ở nhiều quốc gia. |
Thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu giai đoạn từ thế kỷ 15 đến 17, vào thời điểm cuối năm, người ta sẽ tổ chức các lễ hội hóa trang. Khi bước sang khoảnh khắc giao thừa, những người tham gia bữa tiệc sẽ tháo bỏ mặt nạ rồi hôn lên người đầu tiên mà họ nhìn thấy. Phong tục này được cho rằng sẽ giúp mọi người xóa bỏ mọi chuyện không may trong năm cũ, chào đón nhiều niềm vui của năm mới.
Tất nhiên, các đạo diễn nổi tiếng cũng không quên mang theo những nụ hôn đầy đam mê vào thời khắc giao thừa trong những thước phim điện ảnh. Đó là nụ hôn của nàng Bridget Jones và Mark Darcy vào đêm giao thừa khi họ quay lại với nhau trong "Nhật ký tiểu thư Jones"; hay nụ hôn vào cuối phim trong "When Harry Meet Sally" đều là hình ảnh thu nhỏ của sự lãng mạn.
Kể từ năm 1907 khi chính quyền thành phố New York, Mỹ, chào đón năm mới bằng nghi thức thả quả cầu thủy tinh xuống phía dưới, mọi người cùng nhau đếm ngược rồi các cặp tình nhân trao nhau nụ hôn say đắm. Những hình ảnh này được phát đi trên toàn thế giới khiến nụ hôn đêm giao thừa càng trở thành phong tục phổ biến hơn bao giờ hết.