Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục nhận thù lao 0 đồng
Tập đoàn Masan vừa công bố kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2021, để trình đại hội cổ đông thường niên tới đây phê duyệt.
Masan kỳ vọng doanh thu thuần năm 2021 đạt 92.000-102.000 tỷ đồng, cao hơn 20%-30% so với kết quả 2020. Nếu hoàn thành kế hoạch, năm nay sẽ là lần đầu tiên Masan vượt mốc 100.000 tỷ doanh thu.
Song song đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng được HĐQT đề ra tối thiểu 2.500 tỷ, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong kịch bản khả quan nhất, chỉ tiêu lợi nhuận 2021 của Masan được kỳ vọng cán mốc 4.000 tỷ.
Một nội dung khác trình đại hội cổ đông là Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và các thành viên trong HĐQT Masan tiếp tục nhận thù lao 0 đồng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp kể từ 2013 HĐQT Masan duy trì truyền thống không nhận thù lao.
Tập đoàn cũng dự kiến bố trí không quá 5 tỷ ngân sách cho chi phí hoạt động của HĐQT, bao gồm các ủy ban trực thuộc trong năm nay.
Masan đồng thời trình phương án không chia cổ tức năm 2020 bằng tiền. Còn việc tạm ứng cổ tức 2021 sẽ được giao cho HĐQT quyết định tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền công ty.
Một trong những thông tin đáng chú ý khác được thảo luận tại đại hội sắp tới là việc Masan muốn chào bán cổ phần mới riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến phát hành mới tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành.
CEO hãng thương mại điện tử - Coupang trở thành người giàu thứ tư Hàn Quốc
Cổ phiếu của Coupang Inc. tăng 41% trong phiên giao dịch đầu tiên tại New York (Mỹ), đưa định giá công ty lên gần 90 tỷ USD. CEO Bom Kim trở thành người giàu thứ tư Hàn Quốc.
Theo CNN Money, giá cổ phiếu của Coupang Inc. - công ty thương mại điện tử được SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son hậu thuẫn - kết thúc phiên giao dịch 11/3 ở mức 49,25 USD, cao hơn 41% so với giá IPO (35 USD).
Đợt IPO giúp công ty có biệt danh “Amazon của Hàn Quốc” huy động được 4,6 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của Coupang cũng vọt lên tới 84,5 tỷ USD. Thống kê của Dealogic cho thấy đây là một trong những đợt IPO lớn nhất của một công ty châu Á tại Phố Wall.
Như vậy, Bom Kim - nhà sáng lập kiêm CEO Coupang - trở thành người giàu thứ tư tại Hàn Quốc với khối tài sản 8,6 tỷ USD. Từng học tại Đại học Havard, ông Kim thành lập Coupang vào năm 2010.
Ông Kim sở hữu 10% cổ phần Coupang. Dịch Covid-19 thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc, giúp doanh số Coupang tăng 300% so với năm 2018 và 90% so với năm 2019, lên 12 tỷ USD.
"Chúng tôi mới chỉ bắt đầu", CEO Kim khẳng định khi trả lời phỏng vấn Bloomberg Television. "Chúng tôi muốn tạo ra một thế giới mà ở đó, người tiêu dùng không thể sống thiếu Coupang. Cả một thị trường khổng lồ đang chờ đợi chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Đợt IPO của Coupang cũng là một chiến thắng lớn dành cho SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son. SoftBank sở hữu khoảng 33% cổ phần Coupang, hiện trị giá 28 tỷ USD (cao cấp 9 lần mức đầu tư ban đầu).
Tỷ phú Warren Buffett trở thành thành viên thứ 6 của câu lạc bộ 100 tỷ USD
Tài sản của chủ tịch Berkshire Hathaway Inc. đã tăng vọt hôm 10/3 lên 100,4 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Điều đó đưa ông trở thành thành viên thứ 6 của câu lạc bộ 100 tỷ USD. Nhóm này gồm các tỷ phú như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates…
Theo Bloomberg, tổng tài sản của ông đã tăng lên nhanh chóng, được thúc đẩy bởi sự kích thích của chính phủ, chính sách của ngân hàng trung ương và thị trường cổ phiếu đang tăng mạnh.
Quỹ Berkshire Hathaway của ông Buffett là nguồn mang lại gần như toàn bộ tài sản cho ông. Quỹ này đã có khởi đầu năm 2021 tốt đẹp.
Cổ phiếu hạng A của quỹ tăng 15% giá trị năm nay, vượt xa mức tăng 3,8% của chỉ số S&P 500.
Đó là nhờ ông Buffett gần đây bỏ số tiền kỷ lục 24,7 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính Berkshire Hathaway.
Đây là một bước thay đổi đáng lưu ý đối với một nhà đầu tư từng thích dùng tiền để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác.
Elon Musk bị cổ đông kiện vì tweet 'Giá cổ phiếu Tesla quá cao'
Theo một đơn kiện được công bố ngày 11/3 tại bang Delaware (Mỹ), nguyên đơn là ông Chase Gharrity - một cổ đông của Tesla - cáo buộc CEO Elon Musk đã vi phạm quy tắc thị trường khi đăng tải các dòng tweet “bất bình thường” về giá cổ phiếu công ty.
Ngoài ra, ông Gharrity cũng khởi kiện ban quản trị của Tesla vì đã không kiểm soát Musk, khiến cho các cổ đông bị thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo Reuters, đơn kiện chỉ ra một số bài đăng của Elon Musk trên Twitter, trong đó có bài tweet gây chấn động vào tháng 5 năm ngoái có nội dung “Giá cổ phiếu Tesla đang quá cao". Sau bài tweet, vốn hóa Tesla bốc hơi 13 tỷ USD.
Vụ kiện đã được đệ trình bất chấp giá cổ phiếu Tesla vọt lên 5 lần so với thời điểm Elon Musk đăng tweet hồi năm ngoái. Hiện tại, vốn hóa của hãng xe điện này vào khoảng 666 tỷ USD. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng chưa công khai cáo buộc Elon Musk phạm luật.