"Bám càng" vào Nhà hát Lớn HN tối qua mục tiêu ban đầu chỉ nhắm xem/nghe ké mấy màn trình diễn ca múa nhạc, chứ trình độ mình nghe chuyện khoa học ngẩn ngơ như vịt thôi. Thế rồi ngẩn ngơ thật, nhưng là ngẩn ngơ trước vẻ đẹp mà lâu nay chưa từng biết đến - vẻ đẹp của khoa học và những người phụ nữ làm khoa học.
Câu chuyện về Katalin Kariko, con gái người bán thịt ở một thị trấn nhỏ của Hungary trở thành tiến sĩ sinh hoá tại Mỹ, người đã dành 30 năm để mở đường cho công nghệ mRNA, nền tảng cho thành công của hai loại vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất, đã lan truyền nhiều tháng qua với nhiều cảm xúc.
Một người anh hùng trong cuộc chiến với Covid đã sống, làm việc trong sự hy sinh lớn lao khi suốt một thời gian dài các nỗ lực nghiên cứu bị coi là viển vông, bị từ chối tài trợ, bản thân bị sa thải khỏi trường đại học và gần trọn cuộc đời chưa bao giờ có nổi thu nhập 60 ngàn USD/năm - còn thấp hơn thu nhập bình quân đầu người của nước Mỹ... Và tối qua, người anh hùng của thế giới ấy sao quá đỗi gần gũi.
Trong lời phát biểu của mình, Katalin nhắc tới Việt Nam trong bà là hình ảnh những sinh viên Việt Nam tại Hungary (có cả bạn bè mình đấy- tất nhiên là các thế hệ sau. Có không những người đã và đang dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học cô độc và đầy thử thách như Katalin?...).
Ảnh minh họa. |
Zhenan Bao bước lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thì giống như nữ đạo diễn Oscar Chléo Zhao vậy. Người phụ nữ chỉ hơn mình đúng 1 tuổi, sinh ra tại Nam Kinh, TQ, nhận bằng tiến sĩ sinh hoá ĐH Standfort, khiến mình phải kêu lên : Làm khoa học có cần duyên dáng vậy không chứ?! Thành tựu nghiên cứu được trao giải của Zhenan Bao cũng gây kinh ngạc không kém : Da điện tử (E-Skin) - công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người !
Hiểu rõ hơn tí thì : "Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học.
Những tính năng này rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai". Nghe cứ như sắp có phim Hoạ bì phần tiếp theo!
Và vẻ duyên dáng cùng trí tuệ Việt Nam toả sáng trên sân khấu Nhà hát Lớn tối qua với mình là GS Nguyễn Thục Quyên, một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 4 năm liên tiếp do Thomson Reuters bình chọn, là Chủ tịch hội đồng sơ khảo giải thưởng Vinfuture lần thứ nhất.
Có gì đó như Katalin, hành trình của GS Quyên khởi đầu từ một ngôi làng nhỏ tại Buôn Ma Thuột, cha đi cải tạo, anh chị em theo mẹ, một giáo viên dạy toán cấp 2, đi làm kinh tế mới để kiếm kế sinh nhai - cho tới cuộc sống của người di cư tại Mỹ theo diện HO không biết tiếng Anh và hoàn toàn xa lạ về văn hoá. Bà cũng đã trải qua những thời gian khó khăn khi là phụ nữ, dân nhập cư... cho tới khi các nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ được ghi nhận và ứng dụng.
Và đẹp nữa là khoảnh khắc không ai bảo ai, không bị MC nhắc nhở (!), cả nhà hát đứng lên, vỗ tay, reo hò khi các nhà khoa học bước lên sân khấu. Tối qua, ngôi sao của Nhà hát Lớn chính là các nhà khoa học.
Đẹp thế, cảm động thế, nên thôi, một số thứ chênh, phô, sẽ chỉ là râu ria.
Có ngân hàng còn ghi nhận khoản lỗ nặng lên đến hơn 200 tỷ đồng