Vì sao BVEC muốn xem xét lại quyết định dừng thu phí Quốc lộ 51?

Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư và các Ngân hàng đồng tài trợ, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định tạm dừng thu phí.

Ngày 11/1, BVEC đã có đơn gửi đến Bộ GTVT, đoàn đại biểu Quốc hội và UBND hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Cục Đường bộ Việt Nam về việc xem xét quyết định tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ km0+900 đến km73+600, thời gian từ 7h ngày 13/1.

Theo BVEC, Dự án Quốc lộ 51 trước đây được Bộ GTVT đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Trong thời gian khai thác, dự án không hiệu quả, bị thua lỗ, không trả được nợ vay cho Ngân hàng VDB. Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Bộ GTVT đã đề nghị các cổ đông sáng lập BVEC hỗ trợ Bộ GTVT huy động vốn để nhận lại quyền thu phí trạm T1, chuyển trả tiền cho Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tất toán khoản vay với VDB.

Tạm dừng thu phí Quốc lộ 51 dù còn nhiều vướng mắc, nhà đầu tư kiến nghị khắp nơi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau khi hỗ trợ Bộ GTVT mua lại quyền thu phí trạm T1 (400 tỷ đồng), BVEC đã làm việc với 6 tổ chức tín dụng (17 chi nhánh) để thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng dự án quốc lộ 51.

Các ngân hàng đồng tài trợ thẩm định cho vay, lập lịch thu nợ dựa trên cơ sở thông số đầu vào của dự án hợp đồng BOT, thời gian thu phí, phí bảo toàn vốn chủ sở hữu... Ngân hàng thực hiện giải ngân đúng mục đích đầu tư của dự án, BVEC không sử dụng nguồn thu phí để đầu tư ngoài lĩnh vực dự án, thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn thu, tiết kiệm chi, không tham ô, tham nhũng, không chia cổ tức và hoàn vốn cho cổ đông mà tập trung nguồn tiền để thanh toán chi phí đầu tư dự án, trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, theo TPO.

Theo BVEC, việc đơn phương tạm dừng thu phí của dự án là chưa thuyết phục nhà đầu tư và gây ra nhiều hậu quả. Cụ thể, việc kết thúc thu phí (giảm đi 7 năm) là không thực hiện theo đúng phụ lục Hợp đồng BOT đã ký kết. BVEC vẫn chưa trả được hết nợ vay ngân hàng, chưa được hoàn bất kỳ nguồn vốn nào cho cổ đông. Hiện vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc của dự án chưa được Cục ĐBVN giải quyết, nếu dự án dừng thu phí vào ngày 13/1 tới đây sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không chỉ thiệt hại tài chính cho nhà đầu tư, BVEC phải tuyên bố phá sản không còn nguồn thu để trả nợ.

Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư và các Ngân hàng đồng tài trợ, BVEC mong Bộ GTVT, Cục ĐBVN xem xét không tạm dừng thu phí từ 7h phút ngày 13/1 để tiếp tục trao đổi, đàm phán, làm rõ các nội dung chưa thống nhất giữa Cục ĐBVN, BVEC và các Ngân hàng đồng tài trợ.

Tuy đã có kiến nghị xem xét, nhưng ông Đinh Hồng Hà - Tổng giám đốc BVEC - cho biết, BVEC sẽ nghiêm túc chấp hành yêu cầu của Cục ĐBVN tạm dừng thu phí từ lúc 7h ngày 13/1 và trả lại tiền vé tháng, vé quý cho khách hàng; đồng thời tiếp tục tham gia đàm phán để thống nhất phương án, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 đến Km73+600, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, được Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam ký với Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ngày 12/11/2009, theo VnEconomy.

Dự án BOT Quốc lộ 51 (đoạn từ Km0+900 đến Km73+600) có chiều dài 72,7 km, đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư được duyệt 3.970 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư năm 2009, tổng thời gian thu phí dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20 năm, trong đó, thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm, thu phí tạo lợi nhuận 4 năm, tổng cộng đến 28/3/2033.

Điều đáng nói, dự kiến năm 2018 có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành Quốc lộ 51, lưu lượng xe của dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, đến nay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai, dẫn đến lưu lượng xe thực tế trên Quốc lộ 51 cao hơn so với phương án tài chính ban đầu, thời gian thu phí của dự án kết thúc sớm hơn so với hợp đồng đã ký.

Như vậy, trong quá trình thực hiện dự án, một số nội dung dự kiến quy định tại hợp đồng dự án thay đổi như: chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu…, do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án.

Các bên cũng phải đàm phán các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án.

"Đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết một số nội dung: lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu (8,7%/năm) trong thời gian xây dựng và khai thác; tính lãi như vốn vay trong giai đoạn xây dựng đối với doanh thu thu phí giai đoạn 2009 – 2015 (375 tỷ đồng); phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác; thời gian thu phí tạo lợi nhuận", Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ.

Trong quá trình đàm phán, Cục Đường bộ Việt Nam (trước đây là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải nội dung đàm phán và kết quả đàm phán. Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ quyết định việc tạm dừng, dừng thu phí dự án theo thẩm quyền.

(Tổng hợp)

AN LY