Vì sao phương án "miễn dịch cộng đồng" của Anh gặp phản đối quyết liệt?

"Miễn dịch cộng đồng" là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những ngày vừa qua, gây tranh cãi trong giới khoa học lẫn lo ngại ở nhiều các quốc gia.

Sự việc bắt nguồn từ truyền thông Anh dẫn lời ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, nói về việc sẽ cần 60% (tức khoảng 40 triệu) người Anh bị nhiễm virus corona để có miễn dịch cộng đồng. Điều này vấp phải phản đối quyết liệt từ các nhà khoa học và dấy lên sự lo ngại ở các quốc gia .

Những lo ngại này bao gồm: Liệu Chính phủ Anh có đang "chủ động cho virus corona lây lan diện rộng nhằm giúp đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng" hay không? Nếu đúng vậy, phải chăng Chính phủ Anh đang muốn người dân nước này nhiễm virus?

Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance - Ảnh: AFP
Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance - Ảnh: AFP

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch cộng đồng trong tiếng Anh là "herd immunity", chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn cộng đồng ấy đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" cho những người chưa bị nhiễm.

Lấy ví dụ nếu tỉ lệ dân số nhiễm bệnh của một cộng đồng là 10%, thì số 10% này sẽ tiếp xúc với 90% còn lại và lây bệnh.

Nhưng nếu có tới 80% đến 90% cộng đồng ấy đã mắc bệnh và qua khỏi, cơ thể họ sẽ có kháng thể chống virus. Sử dụng giả thiết rằng người mắc bệnh rồi sẽ không mắc bệnh lần hai, 90% số người này sẽ là lá chắn sống xung quanh những người chưa bị nhiễm, vì 90% này là những người sẽ tiếp xúc với 10% người chưa bị nhiễm còn lại.

Các chuyên gia cho rằng việc tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ có ý nghĩa lớn đối với người già, trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, vốn là những đối tượng dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh do sức đề kháng, hệ miễn dịch hoặc sức khỏe yếu.

Nói cách khác, 10% người chưa nhiễm đó nếu là người già và trẻ em, trẻ sơ sinh, họ sẽ được 90% người nhiễm và khỏi bệnh che chắn.

Sơ đồ giải thích hiệu quả của miễn dịch cộng đồng. Những người đã miễn dịch và khỏe mạnh (màu vàng) chiếm đa số trong cộng đồng sẽ giúp
Sơ đồ giải thích hiệu quả của miễn dịch cộng đồng. Những người đã miễn dịch và khỏe mạnh (màu vàng) chiếm đa số trong cộng đồng sẽ giúp "ngăn cách" những người không miễn dịch và khỏe mạnh (màu xanh) và những người không miễn dịch và bị bệnh (màu đỏ). Vì những người màu vàng đã miễn dịch, họ sẽ không lây nhau, không lây cho các thành phần còn lại, đồng thời cũng là một "lá chắn sống" ngăn virus - Ảnh chụp màn hình

Cố vấn Anh Patrick Vallance đã nói gì?

Trong thực tế, phát biểu chính thức của ông Vallance không trực tiếp nói Chính phủ Anh đang chủ động thúc đẩy dịch lây lan.

CNN tường thuật ông Vallance trả lời Reuters chính xác như sau: "Chúng tôi cho rằng virus này nhiều khả năng sẽ quay lại hằng năm và trở thành virus mùa, và cộng đồng sẽ trở nên miễn dịch với nó, và đó cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát nó trong dài hạn. 60% (người bị nhiễm - PV) là con số bạn cần để có miễn dịch cộng đồng".

Guardian ngày 14/3 (giờ Việt Nam) cũng đăng bản tin ông Vallance bảo vệ cách tiếp cận của Chính phủ Anh như sau:

"Cái chúng tôi không muốn ở đây là mọi người bị nhiễm trong một giai đoạn ngắn, từ đó tràn ngập và gây áp lực cho dịch vụ của NHS (Cơ quan Y tế quốc gia Anh). Đây là cách kiềm hãm đỉnh dịch.

Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng và hạ thấp đỉnh dịch, kéo giãn đỉnh dịch, chứ không ngăn nó hoàn toàn; thêm nữa, vì đa phần mọi người có bệnh nhẹ, việc xây dựng miễn dịch cộng đồng sẽ giúp càng nhiều người miễn dịch hơn với dịch này, và chúng tôi giảm được sự lây nhiễm, đồng thời chúng tôi bảo vệ những người dễ tổn thương vì dịch bệnh…", ông Vallance nói. 

Nhân viên y tế Anh phết dịch mũi họng của người dân để xét nghiệm - Ảnh: Sky News
Nhân viên y tế Anh phết dịch mũi họng của người dân để xét nghiệm - Ảnh: Sky News

Hàng trăm nhà khoa học đồng loạt phản đối

Hơn 245 nhà khoa học và nhà toán học đã lên án kế hoạch của chính phủ nhằm đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn bằng cách trì hoãn các biện pháp ngăn chặn virus lây lan.

Trong một lá thư ngỏ, nhóm 229 nhà khoa học từ các trường đại học của Anh nói rằng cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng” hiện nay sẽ khiến dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) bị gia tăng căng thẳng và “rủi ro nhiều sinh mạng hơn mức cần thiết”. 

Trong lá thư ngỏ, các nhà khoa học nói rằng việc thực hiện “miễn dịch cộng đồng” ở điểm này có vẻ như không phải là một lựa chọn chắc chắn”. Họ cũng đặt câu hỏi về quan điểm của chính phủ rằng người dân sẽ trở nên chán nản với sự hạn chế nếu các biện pháp này được áp đặt quá sớm.

Các nhà khoa học ký tên vào lá thư cũng chỉ trích bình luận của Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance, về “miễn dịch cộng đồng”. Tuy nhiên, Bộ Y tế Anh nói rằng bình luận của ông Patrick đã bị hiểu sai.

Lá thư được đăng tải cùng ngày Anh tuyên bố có thêm 10 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 21.

Shaun Lintern, cây bút y tế của báo Independent, thậm chí quả quyết hiện nay "không có cơ hội có miễn dịch cộng đồng với virus corona".

Ông nói: "Là một virus hoàn toàn mới, hiện không ai có miễn dịch với nó cả, nên mỗi người đều dễ tổn thương do virus. Miễn dịch cộng đồng chỉ có hiệu quả một khi đa số người dân nhiễm bệnh và sống sót, vì khi đó cơ thể họ tạo kháng thể với virus".

Tại Việt Nam, nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong

Cụm từ "miễn dịch cộng đồng" cũng đã làm dấy lên cuộc tranh luận cả ở Việt Nam. 

GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội.
GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội.

Chia sẻ với VietTimes, GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội đặt câu hỏi: "Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong: Ai chấp nhận là 1 trong số đó?".

GS.TS. Lê Thị Hương cho biết, thực tế quan điểm miễn dịch cộng đồng dựa trên một nhận định sai lầm là số tử vong phía ngoài Trung Quốc chỉ ở mức 0,2%, hay bệnh COVID-19 chỉ là một bệnh nhẹ như cúm, nên thay vì phòng chống, có thể  sống chung với bệnh được và từ đó có miễn dịch cộng đồng.

Lập luận này sai lầm bởi vì thời điểm đầu, các quốc gia ngoài Trung Quốc chỉ có các trường hợp xâm nhập, hệ thống y tế hoàn toàn có thể điều trị tốt một vài trường hợp lẻ tẻ và rất hiếm tử vong nhưng một bệnh có khả năng lây nhiễm mạnh như COVID-19, khi tấn công vào một quốc gia không áp đặt những giải pháp cách ly phù hợp sẽ kết quả là quá tải hệ thống y tế trong thời gian ngắn và tỉ lệ tử vong sẽ tăng nhanh chỉ sau 15-17 ngày bệnh xâm nhập như những gì xảy ra tại Ý.

"Những gì Việt Nam lựa chọn và kiên trì tính đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị và thực tế là các quốc gia khác đang học hỏi chúng ta trong xử lý dịch.

Điều kiện về hiểu biết chung xã hội và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta không thể so với các quốc gia phát triển, việc khống chế dịch theo cách của các nước là không thể sử dụng, Việt Nam phải dùng cách của Việt Nam, và cách đó đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Hiện tại, cách xử lý của Việt Nam vẫn chứng minh hiệu quả, có điều là, giải pháp này sẽ thành công với hai điều kiện: sự quyết liệt của chính sách và sự tuân thủ của người dân".

AN LY (t/h)

Đèn cực tím có thể tiêu diệt virus corona

Đèn cực tím có thể tiêu diệt virus corona

Đèn cực tím đang trở thành công nghệ mới được sử dụng như một "vũ khí" tiêu diệt mầm mống virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục.