Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

Vừa qua, TP HCM đề nghị xem xét lại hồ sơ của một số diễn viên gạo cội “trượt” danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như Thoại Mỹ, Lê Thiện...

Ngày 4/8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã ký công văn gửi đến Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng xét danh hiệu chuyên ngành cấp nhà nước. Sáu nghệ sĩ gồm ba gương mặt ở lĩnh vực cải lương - Thanh Nguyệt, Lê Thiện, Thoại Mỹ và ba tên tuổi ở mảng hát bội - Ngọc Khanh, Linh Hiền, Nguyễn Kim Dung.

Chính quyền thành phố đề nghị xét lại các hồ sơ để ghi nhận cống hiến, động viên nghệ sĩ trong bối cảnh sân khấu ngày càng khó khăn, đồng thời quảng bá nghệ thuật truyền thống với lớp trẻ.

Những tên tuổi kể trên đều là những nghệ sĩ (NS) có đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Những cống hiến của họ trong nhiều năm vừa qua đã được khán giả ghi nhận. 

NSƯT Thanh Nguyệt

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt tên thật là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, sinh năm 1947, quê ở xã Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Năm 1962, NS Thanh Nguyệt được giới thiệu vào đoàn hát Hoa Sen. Ông Bầu Bảy Cao sau khi nghe thử giọng ca đã nhận Thanh Nguyệt vào đoàn hát và giao Thanh Nguyệt cho nữ nghệ sĩ đàn tranh Tuyết Mai rèn luyện thêm theo lối ca hát trên sân khấu. 

Sau khi xin nghỉ ở đoàn Hoa Sen, NS Thanh Nguyệt đã gia nhập đoàn Kim Chưởng. Đây chính là bước ngoặt mới trong sự nghiệp nghệ thuật của NS Thanh Nguyệt. Bà đã hát qua những vở: Người gọi đò bên sông (vai Nhật Thường Dung), Mười đêm hương lửa (vai Cát Dung), Qủy Bảo (vai Thất Hồn Nhân)… Và NS Thanh Nguyệt nổi danh qua vai Tiểu Long Nữ trong tuồng Song long thần chưởng, chị được giới thiệu tham gia giải Thanh Tâm năm 1964.

  Nghệ sĩ Thanh Nguyệt từng là cô đào sáng giá thập niên 1960. Ảnh: Nguyễn Phương

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt từng là cô đào sáng giá thập niên 1960. Ảnh: Nguyễn Phương

Đến vòng chung kết, NS Thanh Nguyệt đứng hàng thứ ba, sau nghệ sĩ Lệ Thủy và Thanh Sang. Sau này bà tiếp tục nổi danh qua vai Gia Cát Anh, tuồng Thiên hạ đệ nhất kiếm và đúng như lời dự đoán của báo giới và công chúng năm 1965 bà đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm.

Năm 1966, hết hợp đồng với Kim Chưởng, Bầu Long Kim Chung mời Thanh Nguyệt về hát với 250.000 đồng, hát trong đoàn Kim Chung. NS Thanh Nguyệt đã hát ở đoàn Kim Chung 1 các tuồng: Đường Minh Hoàng – Dương Quí Phi, Lưới tình, Kiếm khách Cao Đại Sơn, Thoại Ba công chúa, Tóc gởi sân chùa…. Đến năm 1968, NS Thanh Nguyệt sang hát ở đoàn Kim Chung 5 qua các tuồng: Bão cát, 14 đêm tình, Thằng điên và nàng công chúa.

Năm 1971, Thanh Nguyệt cộng tác với đoàn Thái Dương của bà Bầu Tiêu Thị Mai và năm 1972, được mời đi biểu diễn cải lương ở Hội Chợ nước Lào. Năm 1974, hát ở đoàn Tiếng Hát Dân Tộc của bầu Năm Cư các tuồng: Tuổi hồng cho em, Chuyện tình An Lộc Sơn, Mạnh Lệ Quân, Mùa thu lá bay…. Sau năm 1975, NS Thanh Nguyệt về hát cho các đoàn hát Trung Hiếu, Thanh Minh, Saigon 1, Trần Hữu Trang, đoàn 2-84 và thu nhiều vở vidéo cải lương: Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Qua cầu đắng cay, Lan và Điệp, Nước biển mưa nguồn…”.

Với phong cách diễn xuất chân thật, giọng ca trầm ấm, lấy nước mắt khán giả, nên bà được các đạo diễn tin cậy, mời hóa thân vào các số phận bà mẹ hiền, gặp nhiều bi kịch. Giờ đây, sàn diễn cải lương ngày bị thu hẹp, NSƯT Thanh Nguyệt tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực phim truyền hình. 

NSƯT Lê Thiện

Lê Thiện đến với nghiệp diễn từ năm 13 tuổi. Bà sinh ra, lớn lên ở vùng quê Bình Định, gia đình làm nghề bán đậu phụ. Năm bà 11 tuổi, đoàn văn công Nam bộ đi diễn ở Hoài Nhơn, Bình Định. Những năm theo đoàn, nhờ thông minh, sáng dạ, bà được tuyển vào Đoàn Tổng cục Chính trị, học khóa đào tạo diễn viên chung với các nghệ sĩ Minh Châu, Thanh Vy, Hà Quang Văn, từ đó dấn thân vào nghề ca diễn.

Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

Khi Đoàn văn công Nam Bộ giải thể, một số nghệ sỹ như nhạc sỹ Ca Lê Thuần, nhạc sỹ Phan Nhân… chuyển ra Hà Nội. Bà cũng bước sang một trang mới: “Lúc đó, tôi được về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, đóng ở Lý Nam Đế (Hà Nội). Tại đây chúng tôi được nhiều chuyên gia giảng dạy, trong đó có cả chuyên gia Triều Tiên, Trung Quốc… Tôi được học múa ba lê, học thanh nhạc, học cả hát chèo… Biết đủ thứ”.

Năm 1957, Lê Thiện góp mặt trong vở kịch ngắn Lá cờ tự do của Đoàn Tổng cục Chính trị. Sau một năm học cải lương, Lê Thiện đã được chọn vào vai chính. Vở cải lương đầu tiên bà tham gia mang tên Hạc chiều. 

Bà là một trong 5 nghệ sỹ của Đoàn cải lương Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua Pháp kết hợp với Việt Kiều ở Pháp biểu diễn, trong khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam.

Đầu thập niên 1980, bà nổi tiếng với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng ngọc Côn Sơn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Nhiều năm nay, NS Lê Thiện dần chuyển sang đóng phim với vai người bà, người mẹ. Bà liên tiếp xuất hiện trong loạt phim từ điện ảnh, truyền hình đến web-drama. Trước khi nghỉ hưu, bà từng giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM).

Bà là một trong những nghệ sỹ vinh dự được trao Huy chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. 

NSƯT Thoại Mỹ

NSƯT Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh ngày 28 tháng 4, năm 1969 tại Sài Gòn). Cô bắt đầu đi hát cải lương vào năm 11 tuổi với sự dìu dắt của người chị gái là nghệ sĩ Thoại Miêu và Út Trong là người đã dạy Thoại Mỹ hát cải lương.

Cô đã từng có khoảng thời gian bán khoai nướng, bắp nướng, bưng bê hủ tiếu thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tình cờ một lần đi xem hát, Thoại Mỹ được mời đóng thế một vai diễn. Với chất giọng đặc biệt, cô đã chinh phục được các nghệ sĩ trong đoàn. Đây cũng là cột mốc đánh dấu vai diễn lần đầu tiên trong sự nghiệp đến với NSƯT Thoại Mỹ.

Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

Gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương, Thoại Mỹ được khán giả nhớ đến qua những vai ác, lẳng lơ. Thời hoàng kim, nghệ sĩ cải lương gạo cội từng kiếm được cả cây vàng mỗi đêm diễn.

Những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Thoại Mỹ như: nữ soái Hồng Phụng vở Ngọc Kỳ Lân, Võ Tắc Thiên vở Thái Bình công chúa, Phượng vở Rồng Phượng, Thu vở Duyên kiếp, Ngọc Hân vở Hồn thơ, Ngọc, Lan vở Lời thú tội muộn màng…

Những giải thưởng mà cô nhận được như Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, giải Mai Vàng, Huy chương Vàng Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005. Năm 2007, Thoại Mỹ nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

NSƯT Ngọc Khanh

NSƯT Ngọc Khanh là con gái của cố nghệ sĩ tài danh Ba Út, một trong những cô đào của nghệ thuật hát bội nổi tiếng miền Nam. Mẹ của bà là nghệ sĩ cùng thời với các nghệ sĩ tiền bối, như: Minh Tơ, Phùng Há, Năm Đồ… Nhờ vậy, từ năm lên 9, NSƯT Ngọc Khanh được làm quen với ánh đèn sân khấu.

NSƯT Ngọc Khanh là một trong những học trò xuất sắc của NSND Đinh Bằng Phi.  Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, NSƯT Ngọc Khanh cộng tác với các đoàn Hoa Xuân, Minh Tơ, Nghĩa Thành..., diễn hàng trăm vai, được công chúng yêu mến. Nổi bật, bà đóng các vai chính trong các vở: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chung Vô Diệm, Ngọc Kỳ Lân, Phàn Lê Huê, San Hậu, Tiết Đinh San, Trưng Nữ Vương…

Hiện tại, NSƯT Ngọc Khanh vừa làm “bà bầu” vừa kiêm luôn vai trò quản lý, tổ chức biểu diễn, chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng, đào tạo lớp trẻ… Có thể nói ở phía Nam, cùng với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM thì chỉ còn Đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh vẫn đang "giữ lửa" cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. 

Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

NSƯT Linh Hiền

NSƯT Linh Hiền là chắt nội của ông bầu gánh hát miền Tây Trịnh Văn Ký và là cháu nội của ông Trịnh Minh Tốt, bầu gánh hát ở Sài Gòn; còn ba ông là NSƯT Trịnh Văn Khanh, bầu gánh hát ở Sài Gòn, Tây Ninh... sau đó công tác tại Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh. Ở thế hệ thứ 4, gia đình có ông và người em gái là ca sĩ tự do Trịnh Kim Liên đang theo nghề hát bội. 

Năm 14 tuổi, ông được ba động viên theo học lớp hát bội do các nghệ sĩ có tên tuổi như Đinh Bằng Phi, Thành Tôn, Châu Kỷ, Năm Đồ... Từ đây, ông được rèn giũa thêm và tỏa sáng với những vai diễn lớn như Trịnh Ấn (Nữ tướng Đào Tam Xuân), Tiết Quỳ (Tiết giao đoạn ngọc), Lôi Lã Hổ (Ngũ biến báo phu cừu)...

Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

Do cuộc sống nên năm 1984, nghệ sĩ Linh Hiền chuyển sang hát cải lương. Năm 1995, nghệ sĩ Linh Hiền đoạt huy chương bạc tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (vở Chất ngọc không tan); huy chương bạc hội diễn sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999-2000 (vở Tiếng hát nàng Huyền Cơ); huy chương vàng hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 (vở Lửa thiêng).

Ông vinh dự được tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2007. Ông đạt giải A diễn viên xuất sắc năm 2012 (vở Đại La Thành), huy chương bạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 (vở Tử hình không án trạng); huy chương vàng liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 (vở Lê Công kỳ án); huy chương bạc liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2019 (vở Vụ án Lệ Chi Viên)...

NSƯT Ngọc Dung

NSƯT Ngọc Dung năm nay 66 tuổi, là học trò của NSND Đinh Bằng Phi. Bà tham gia lớp hát bội tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1971. 

Trong sự nghiệp nghệ thuật, NSƯT Ngọc Dung được thầy và các nghệ sĩ tiền bối truyền dạy kinh nghiệm nên diễn xuất đạt đến đỉnh cao qua những sáng tác của NSND Đinh Bằng Phi, như: "Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ", "Xử án Bàng Quý Phi", "Ngọc Kỳ Lân xuất thế", "Cánh tay Vương Tá", "Nguyễn Trãi nhập Đông Quan", "Trần Bình Trọng tuẫn tiết", "Bông hồng núi Nưa", "Dũng khí Đặng Đại Độ"…

Vì sao TPHCM đề nghị xem xét hồ sơ danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ gạo cội

NSƯT Ngọc Dung cũng là gương mặt quen thuộc tại các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề về nghệ thuật hát bội, hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường nghệ thuật gian nan và thử thách.

Thanh Mai

Giá nguyên liệu đầu vào của thép xây dựng giảm đến 50% trong quý II

Giá nguyên liệu đầu vào của thép xây dựng giảm đến 50% trong quý II

Thị trường thép trong nước ngày 8/8 tiếp tục ổn định sau đợt điều chỉnh lần thứ 11, trong khi thép cây thanh vằn trên thị trường Trung Quốc giao dịch quanh mức 4.061 CNY/tấn.