Vì thế gian vẫn còn màu sắc

Màu sắc là thứ vẫn luôn tồn tại ngoài kia, ánh lên bất kể hoàn cảnh nào. Đó là sự thật chúng ta thấy được mỗi ngày, là trần gian đúng nghĩa.

Một năm qua, một năm mới tới, giữa lúc giao mùa như thế, người ta thường nghĩ suy những gì? Hỏi câu ấy, thực ra là đánh đố nhau. Bố khỉ, ai mà biết người khác đang nghĩ gì. Mà giả dụ có đoán trúng được đi chăng nữa thì gặp đúng kẻ cắc cớ, nó dối rằng nó đang nghĩ cái khác thì cũng chịu. Suy nghĩ là cái thứ vô hình, và nói thẳng là vô tình, đoán được may ra chỉ có thánh. Bởi thế, cái anh Đen vâu xứ mình mới từng ỡm ờ cưa gái bằng cái câu hát “Đố em biết anh đang nghĩ gì?” mà mỗi khi câu ấy vang lên, anh Bèn phải lẩm bẩm “Đếch ai biết ông đang nghĩ gì”. Hehehe

Nhưng rõ ràng, cứ cái độ này, cả làng đều nhìn thấy cả, gần như ai cũng lên facebook tổng kết năm cũ và kỳ vọng về một năm mới. Mà cái facebook ấy, vốn dĩ anh cu “Mark xoăn” (Bèn cứ dùng biệt danh mà người Việt gọi anh cho nó gần gũi) vẫn cứ để cái dòng “What’s on your mind?”. Nó cũng na ná như câu hỏi “Mày nghĩ cái gì vậy?”. Thế nên, anh Bèn quả quyết luôn, dân mình ruột ngựa phổi bò, nghĩ gì quăng face tuốt.

Nhưng thường ở cái lúc giao mùa này, hình như có tuổi rồi nên giở chứng thì phải, anh Bèn mấy năm nay rồi không có thói quen “tốc tồng tộc” những gì “xốn xang” trong lòng trên cõi mạng. Thường thì nằm dài đó, mở vu vơ một cái gì đó trên TV miễn chỉ cần thứ hình ảnh chuyển động, và ngắm nhìn, ngẫm nghĩ sự đời. Nhiều khi, vợ đi ngang qua, lườm lườm nguýt nguýt đúng kiểu “Đếch ai biết ông đang nghĩ gì?”.

Mấy chục năm có mặt trên trần gian này, có lẽ chưa năm nào anh Bèn trải qua một cái năm kỳ dị như năm nay. Cũng như mọi người, cũng phải chịu những thiệt hại thực sự vì dịch bệnh. Công việc thất bát, lần đầu tiên nếm trải cái cảm giác bất lực của một thằng đàn ông không đủ sức mang lại sự no ấm cho vợ con, anh Bèn chỉ còn biết nêu cao tinh thần Chí Phèo bằng cách “Ờ thì mình đọc sách. Mình vẫn giữ cho cái mái nhà này nó còn tí chữ nghĩa. Chạy chợ là việc của vợ. Tam nguyên Yên Đổ với Tú Xương ngày xưa cũng đến thế là cùng”. Ôi, thật là một tinh thần gàn dở hủ nho bất diệt.

Nhưng đập vào mắt anh Bèn là một cái chậu cây bên phòng khách mà vợ vẫn tưới chăm nó suốt quanh năm. Dưới cái màu xù xì, mốc thếch của cái thân cây còm cõi kia, những cái nhu nhú xanh nó cứ chĩa vào mắt mình như một thách thức. Nó khiến anh Bèn tỉnh lại thực sự. Trong cái u ám kia, màu và tươi vẫn luôn còn.

Cuộc đời, xoay vần mãi, thì màu và tươi vẫn luôn còn.

Poster bộ phim Maudie (Ảnh: internet).
Poster bộ phim Maudie (Ảnh: internet).

Và rồi anh Bèn điểm danh lại tất cả những sự kiện, những biến động, những u buồn kéo dài quanh một năm con Chuột để hiểu ra rằng, hóa ra đời sống nó giống y như một cuốn phim mà mình thích vô cùng. Đó là Maudie, một cuốn phim tiểu sử về một nữ họa sĩ dân gian Canada có tên là Maud Kathleen Lewis, một trong những phim tiểu sử anh Bèn cho rằng hay bậc nhất. Nếu những phim tiểu sử khác chỉ khô khốc như lý lịch, hay là điểm trang lên cho nhân vật chính thật là lẫy lừng thì Maudie chỉ là một câu chuyện kể chân thành, có đủ mọi cung bậc xúc cảm của cuộc đời bất-kỳ-ai. Và cái năm Chuột vừa qua đi chẳng khác gì một phóng chiếu từ một Maudie-bất-kỳ-ai ấy, một phóng chiếu rợn người.

Phim bắt đầu từ lúc người em trai của Maud đến nhà dì ruột của mình, nơi Maud nương náu, để báo với người chị ruột tàn tật vì bệnh viêm khớp di chứng từ ấu thơ rằng: “Em đã bán nhà cha mẹ để lại và cái nhà ấy là cha mẹ để lại cho một mình em thôi”. Nó phũ phàng đến gớm ghiếc khi chỗ hy vọng cuối cùng của một con người yếu đuối, bị xem là “không thể tự lo cho bản thân mình”, cũng bị tước bỏ.

Và Maud, trong lúc muốn kiếm tìm một đời sống thật khác cho mình, đã lén lấy tờ giấy nhắn tuyển nữ giúp việc của một ngư phủ ở tiệm tạp hóa thị trấn và liều lĩnh đến xin việc, trọ lại luôn ở đó chỉ vì bà dì khẳng định: “Đã đi thì đừng quay lại”. Người nhận Maud làm thuê, với những nguyên tắc rõ ràng: “Nhà này, thứ nhất là tôi, thứ nhì là lũ gà, thứ ba là lũ chó rồi mới đến cô”, ban đầu đã cư xử với Maud như một nô lệ thì đúng hơn. Và Maud, trong quá trình khẳng định “Tôi không phải là một kẻ vô dụng”, đã phải gắng gượng từng chút một với những công việc khó nhọc hàng ngày. Maud chỉ còn đúng một thứ để nương tựa vào: những hộp sơn, những cây cọ và ngón tay run rẩy vẽ lên từng đường nét.

Rồi trong một cơ may, Sandra, người đàn bà từ New York trở về, trong một lần nhận cá của ông chủ của Maud, được Maud gửi kèm một bảng kê công nợ đôi bên mà mặt trước của nó, cô vẽ như một tấm bưu thiếp, đã đặt hàng Maud bán cho cô những bưu thiếp như thế với giá 5 đô la. Số tiền công mà ông chủ trả cho Maud hàng tuần chỉ là 25 xu trong khi một bưu thiếp như thế cô có thể thu về cho ông chủ mình tới 5 tháng lương. Nhưng không chỉ có thế, Sandra trong một lần ghé thăm đã đặt mua những bức khổ lớn hơn của Maud với câu nói: “Vẽ tất cả những gì cô muốn. Tôi muốn cô cho tôi thấy cô nhìn thế giới thế nào”.

Hình ảnh Maud Lewis trong tác phẩm
Hình ảnh Maud Lewis trong tác phẩm "Maudie" (Ảnh: internet).

Cuộc sống của Maud đổi thay từ đó. Tình cảm của ông chủ dành cho cô cũng khác. Họ cưới nhau. Cô đổi cái họ thời con gái từ Dowley sang Lewis, là họ của ông chủ. Trên các bức tranh cô cũng ký Lewis từ lâu rồi, từ khi chưa cưới, bởi cô coi đó là chủ nhân của đời mình nên những gì của cô cũng thuộc về người ấy. Song, họ đã không có con, vì không dám. Maud một lần kể cho chồng nghe rằng cô từng có đứa con gái nhưng nó chết ngay sau khi sinh và dị dạng. Cô chưa một lần được thấy đứa bé. Tất cả những gì cô biết là từ bà dì và em trai kể lại. Nhưng đến khi cặp vợ chồng Maud - Everett Lewis đã già, bà dì trước khi chết trối lại rằng con gái của Maud không hề chết. Nó cũng không hề dị dạng mà thật ra là rất xinh đẹp. Chẳng qua là bà dì và em trai Maud đã bán nó cho một gia đình không con bởi họ nghĩ Maud không thể là một người mẹ. Maud đã đổ sụp xuống trước sự thật ấy. Everett chỉ còn biết làm điều tốt đẹp cuối cùng cho vợ mình là kiếm tìm cô bé, rồi lặng lẽ đưa Maud tới. Bà đứng từ xa nhìn con gái mình và khóc.

Maud qua đời, để lại cho Everett thứ lớn lao duy nhất: đó là tình yêu. Everett yêu bà thực sự. Ông bị cảm hóa bởi sự thiện lành trong bà. Còn bà yêu ông với lòng biết ơn vô cùng khi ông là con người duy nhất chấp nhận bà ngày bà còn trẻ, dù rằng ban đầu là thô lỗ, cộc cằn và có cả cái tát. Bộ phim buồn và đẹp. Nhưng trong cái buồn của nó, màu sắc luôn ánh lên một cách tươi tắn. Nó là thứ màu sắc và hình khối của trẻ thơ cầm cọ chứ không phải của những họa sĩ lành nghề. Nó là cái nhìn của Maud qua ô cửa sổ mỗi ngày, từ mùa hè rực rỡ cho tới mùa đông trắng xóa tuyết. Nó cũng là cái cách Maud hồn nhiên trả lời cuộc đời, như bà từng nói khi nhận được điện tín thông báo tổng thống Mỹ Nixon muốn mua tranh của bà, rằng: “Em chả quan tâm ông ta là ai. Miễn là ông ấy trả tiền thôi”.

Cái năm Chuột này có phải đã từng có rất nhiều Maud không? Những con người cảm thấy mình vô dụng trước một cơn đại dịch, bị bỏ rơi lại phía sau cũng có khác gì một Maud của những ngày đầu đời, một kẻ thừa. Chúng ta nhìn thấy nhiều những sẻ chia lẫn nhau trong đại dịch Covid-19 thật đấy, nhưng chúng ta chẳng phải từng thấy những con tàu chở du khách không thể cập bến Nhật Bản cả một thời gian dài đó sao? Chúng ta cũng biết cả những con người vô tình mắc dịch bệnh, vô tình làm lây ra cộng đồng bị rủa xả bởi cả một đám đông. Chúng ta cũng biết cả những hoàn cảnh tự cách ly, tự điều trị ở nhà theo chỉ dẫn trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ngay giữa lòng những quốc gia văn minh nhất chỉ vì quá tải và sự lúng túng của chính quyền. Và chúng ta còn biết luôn cả quanh mình những con người bỗng dưng mất công ăn việc làm bởi trong sự “hy sinh” vì sống còn của doanh nghiệp, họ sẵn sàng lựa chọn gạt đi những người có tuổi bất chấp những người ấy có nhiều năm cống hiến cho cái gọi là “sự nghiệp chung” ấy. Hãy xem Maudie, và có khả năng ta thấy mình trong ấy. Đừng như anh Bèn, đừng lẳng lặng một tinh thần tự sướng gàn dở đồ nho kiên trung bất khuất.

Một trong những tác phẩm của Maud (Ảnh: internet).
Một trong những tác phẩm của Maud (Ảnh: internet).

“Hãy cho tôi thấy cô nhìn thế giới thế nào”, câu nói của Sandra, một người bạn rất tốt của Maud, cũng có thể lấy ra để liên tưởng với những gì ta tiếp tục sống năm qua. Facebook hay các mạng xã hội khác cũng muốn chúng ta cho họ thấy chúng ta nhìn thế giới thế nào, với cái giá còn rẻ mạt hơn 5 USD mà Sandra trả cho Maud. Chúng muốn chúng ta nhìn thế giới và bày tỏ, để rồi chúng sử dụng tất cả những dữ liệu ấy và kiếm tiền bằng các dẫn dụ phức tạp ở mọi lãnh địa, từ văn hóa cho tới chính trị. Chúng ta sẽ còn tiếp tục năm con Trâu như thế bởi thực sự, chúng ta phụ thuộc vào mạng xã hội quá nhiều rồi. Có mấy người đọc những dòng này mà không phải là người sáng nào ngủ dậy, việc đầu tiên phải là vớ lấy cái điện thoại và mở xem facebook có gì mới hay không? Và chúng ta bày tỏ mình ở đó. Những bày tỏ vô tình khiến facebook càng hiểu chúng ta hơn, trong khi chúng ta bớt hiểu đời hơn. Anh Bèn hình dung loài người cứ thế xếp hàng đi qua cánh cửa của facebook, ngoan ngoãn như những con cừu đi qua cánh cổng chuồng, và kẻ chăn cừu sẽ lại là kẻ quyết định con cừu nào để lấy lông, con cừu nào để xẻ thịt.

Thứ được nói nhiều hơn nữa trong cái năm Chuột vừa rồi, sau Covid-19, có lẽ chính là cuộc bầu cử Mỹ. Ủng hộ Biden hay ủng hộ Trump, chỉ nội việc ấy thôi không chỉ xẻ đôi nước Mỹ mà còn xẻ đôi cả thế giới này. Ở Việt Nam, cũng nhiều người chỉ vì cái ghế Tổng thống Mỹ xa vời mà trở mặt với nhau như kẻ thù. Suy cho cùng, là ai cũng vậy thôi, Tổng thống Mỹ sẽ chỉ hành động vì quyền lợi Mỹ, thứ quyền lợi cũng gắn chặt với uy tín, danh dự của những người cầm đầu.

Cuộc bầu cử Mỹ vừa qua đã tốn nhiều giấy mực của truyền thông quốc tế (Ảnh: internet).
Cuộc bầu cử Mỹ vừa qua đã tốn nhiều giấy mực của truyền thông quốc tế (Ảnh: internet).

Thể chế nào, chủ thuyết chính trị nào thì cũng chỉ cố gắng tìm kiếm một mô hình quản trị phục vụ cái lợi ích tối thượng ấy hiệu quả nhất. Chỉ có sự chia rẽ là vô tình, bất kể thân sơ. Nó y như cái quyết định của gia đình Maud vậy. Đó là quyết định của kẻ cầm quyền. Cậu em trai cho rằng chị mình chỉ là một thứ vô dụng, tôi muốn quyết thế nào thì quyết, nên cậu tận dụng vai trò cầm quyền để bán cái nhà mà lẽ ra nó có thể là chỗ tựa cho Maud khi khốn cùng nhất. Bà dì cũng vậy thôi, danh giá của một gia đình khiến bà sẵn sàng đưa ra một quyết định mặc kệ số phận cô cháu ruột tàn tật, miễn là uy tín của bà không bị tổn hại.

Không một ai quan tâm đến khát vọng và khả năng của Maud cả. Nhưng khi cần, họ có thể biện minh rằng: “Tôi làm điều ấy là vì nó” với đầy đủ các lý lẽ chặt chẽ. Nó không khác gì cái cách những hệ thống chính trị đang hành xử, và ngày một đậm đầy hơn màu sắc dân túy. Trump có dân túy không? Trump là trùm dân túy. Biden có dân túy không? Biden dân túy chẳng thua gì Trump cả. Chỉ có điều, họ khác nhau ở đám đông mà họ coi là mục tiêu chinh phục. Ve vuốt tốt đám đông của mình đã là thứ thời thượng của thời đại này. Bởi thế, không chỉ ở một quốc gia nào đó mà ngay trên thế gian vô hình là mạng xã hội thôi, cũng tồn tại những “lãnh tụ” ảo với chiêu bài “vị tha” nhưng thực ra, họ không tha bất kỳ món lợi riêng nào trước mắt mình.

Và trong cái chiến trường của nước Mỹ, câu chuyện màu da lại được nhắc lại như một vũ khí tối thượng. Năm 2020 đã bắt đầu từ chính cái phong trào “Black Lives Matter” ấy và nó kéo dài đến tận bây giờ, khi trên mọi sân bóng đá, cầu thủ đều làm cái thủ tục “Black Lives Matter” trước khi bóng lăn. Ở Maudie, không có sự kỳ thị màu da nào cả nhưng nó có sự kỳ thị thực sự giữa những người “bình thường” với một người “bất thường” là Maud. Sự kỳ thị ấy nằm ngay từ trong gia đình Maud, cho tới khi Maud gặp Everett.

Phong trào
Phong trào "Black Lives Matter" là một trong những sự kiện nổi bật thế giới năm 2020 (Ảnh: internet).

Thậm chí, khi tình yêu đã nảy mầm, đôi lần cãi vã giữa họ cũng còn dấu vết từ kỳ thị ấy khi mà Maud đã nổi tiếng khắp thế giới và chồng bà đứng trước dằn vặt của câu hỏi: “Tại sao ông lại cưới một phụ nữ bất tương xứng như thế?”. Kỳ thị là thứ hành trang của loài người mà chúng ta không thể nào chối bỏ. Như anh Bèn cũng gặp thôi, khi chứng kiến hai đồng nghiệp của mình mắng nhau, có một câu mà anh Bèn phải lên tiếng can thiệp. Ấy là khi một người mỉa người kia “không biết nói tiếng Kinh”. Nó chỉ là một thứ vô tình bật ra. Nhưng cái vô tình bật ra ấy thực sự là thứ được nuôi dưỡng trong tiềm thức bởi phép so sánh luôn là kết quả ban đầu của quan sát. Mà ở thời này, người ta soi nhau kỹ lắm. Soi càng kỹ so sánh càng nhiều.

Sự dối trá là điều sau cùng anh Bèn phải nhắc tới như đặc điểm nổi bật của năm con Chuột này. “Gớm, năm nào mà chả có dối trá”, ắt có người sẽ bảo anh Bèn như thế. Nhưng năm nay, sự dối trá phải là từ khóa. Ở cuộc bầu cử Mỹ thôi, chúng ta tin được cáo buộc của bên nào? Tin bên Dân chủ thì chắc chắn sẽ nói bên Cộng hòa dối trá và ngược lại. Rồi dịch Covid-19 nữa. Nó khởi nguồn từ đâu? Vaccine của nó thực sự hiệu dụng thế nào? Hàng ngàn câu chuyện được đưa ra đủ để chúng ta, loài người bắt đầu lai cừu này, cảm thấy bơ vơ và hoang mang khi không biết tin vào đâu bởi nương chốn nào cũng có nguy cơ là dối trá cả.

Cuối cùng, chỉ có một thứ từ Maudie mà anh Bèn cảm thấy thế gian này còn tin tưởng được, còn an lòng được. Đó chính là màu sắc. Màu sắc là thứ vẫn luôn tồn tại bên ngoài kia, ánh lên tươi rói bất kể mùa nào, hoàn cảnh nào. Đó chính là sự thật mà chúng ta quan sát được mỗi ngày, là trần gian đúng nghĩa mà ta đang sống. Những ngón tay run rẩy của Maud lướt từng vệt màu khiến anh Bèn nghĩ đến sự nâng niu màu sắc một cách hồn nhiên và thơ trẻ. Chúng ta ra đời hồn nhiên, thơ trẻ như thế. Chỉ có cuộc đời nhào nặn ta méo mó đi. Chúng ta lành lặn còn Maud thì méo mó về ngoại hình. Nhưng qua thời gian sống kéo dài, Maud vẹn nguyên tâm hồn, còn tâm hồn chúng ta lại méo mó đi, dị dạng nhiều. Vì chúng ta rời xa màu sắc cuộc đời nhiều quá.

Đừng nghĩ rằng cứ phải theo nghiệp vẽ thì mới quan tâm đến màu sắc. Cứ yêu chút xanh, chút đỏ. Cứ bày tỏ với ít cam, ít vàng. Một năm “oẳn tà rà vằn” đã hành hạ ta nhiều rồi, hà cớ gì ta chẳng bắt đầu một năm mới phải khác đi. Cố gắng nuôi lại mình trẻ thơ một chút. Bước ra ngoài không gian ta sống thật nhiều hơn một chút thay vì đắm chìm vào các âm mưu, các giả thuyết, càng luồng thông tin dẫn dụ, các gồng lên minh chứng mình, có khi lòng mình an bình hơn. Có cái an bình ấy, sợ gì, ngại gì những biến cố khác của đời, những biến cố mà chẳng ai biết rằng khi nào sẽ đến và đến theo cách nào.

Anh Bèn vẫn vậy thôi. Nghèo. Vất vả. Âu lo một mớ chất chứa trong lòng, nhất là khi ngồi ngắm con mình. Nhưng nếu mình không tươi được lên một chút, năng lượng ở đâu mà chiến đấu để nuôi dưỡng con mình. Mà muốn tươi ư, ít nhất anh Bèn hiểu rằng, vì thế gian vẫn còn màu sắc, thứ cứu rỗi những cằn cỗi tâm hồn.

Anh Bèn

Trăm năm trong một ngày

Trăm năm trong một ngày

Giữa thời hiện đại này, chúng ta vẫn không thể vui khác nỗi vui của trăm năm trước, không thể buồn khác niềm buồn của trăm năm trước.