Vietnam Airlines lại lỗ tiếp gần 5.000 tỷ đồng

Đây là khoản lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay của hãng hàng không quốc gia. Tình trạng kinh doanh của hãng lại xấu trong 3 tháng đầu năm nay, khi COVID-19 liên tục diễn biên phức tạp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 vừa công bố, cho thấy hãng tiếp tục lỗ lớn, với khoản lỗ sau thuế 4.975 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ theo quý lớn nhất của hãng từ trước đến nay.

Trong quý đầu năm 2021, dù là thời điểm nhu cầu đi lại cao do trùng dịp Tết nguyên đán, nhưng hãng ghi nhận doanh thu thuần giảm đến 65% so với quý I/2020, tức giảm đến hơn 9.558 tỷ đồng, chỉ đạt 7.460 tỷ đồng. Mức giảm chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ, mảng này giảm đến 63,7%, tương đương giảm 8.511 tỷ đồng so với quý cùng kỳ.

nd2.jpg
Quý đầu năm 2021,, Vietnam Airlines lỗ gần 5.000 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh: VNA

Nếu so với quý cuối năm 2020, mức giảm là 8,8%, trong khi giá vốn bán hàng lại tăng hơn 47%.

Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể giảm theo tương ứng, khiến hãng hàng không quốc gia lỗ lớn.

Giải trình về khoản lỗ lớn, Vietnam Airlines cho biết ngoài giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không như Vacs, Skypec, Viags... cùng giảm mạnh. Trong quý đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, tái bùng phát đúng dịp Tết, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không. Bên cạnh đó là sự khó khăn do cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hàng không nội địa.

Quý cuối năm 2020, đà thua lỗ của Vietnam Airlines có phần giảm bớt, khi lỗ sau thuế quý IV chỉ hơn 420 tỷ đồng.

Đến 31/3/2021, tổng tài sản của hãng hàng không quốc gia giảm 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 60.580 tỷ, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.030 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong khi nợ phải trả 59.549 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 14.218 tỷ đồng - lớn hơn số vốn điều lệ 14.187 tỷ đồng của hãng.

Tại phiên đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2020, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với quy mô 8.000 tỷ đồng, thực hiện dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay.

HĐQT cho biết sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay tại ngân hàng…

Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, sau khi cho Vietnam Airlines vay lãi 0%, bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Mới đây, vào ngày 15/4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo. Lý do là lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 40.826 tỷ đồng, giảm gần 59% so với năm 2019; lỗ sau thuế 11.097 tỷ đồng. Tổng tài sản đến hết 31/12/2020 gần 63.000 tỷ đồng, giảm gần 13.500 tỷ đồng so với đầu năm 2020.

Để hãng bay vực dậy sau đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thông qua phương án giải cứu bằng việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay.

Q.HUY