Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tung trái phiếu quốc tế?

Tập đoàn Vingroup chuẩn bị chào bán và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế với đồn đoán là để phục vụ cho mảng sản xuất xe hơi.

Vừa qua, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thay mặt HĐQT ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc chào bán và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế. Thời gian dự kiến để lấy ý kiến cổ đông diễn ra trong một tháng từ 8/8 đến 8/9.

Nhiều người đồn đoán việc phát hành trái phiếi sắp tới là để tích tiền cho “con cưng” VinFast.

Trước đó, hồi đầu năm nay, trang Asian Nikkei Review dẫn nguồn tin riêng cho biết, Tập đoàn Vingroup đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu bằng đồng baht ở Thái Lan để huy động vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô. Bộ Tài chính Thái Lan xác nhận họ đã phê chuẩn kế hoạch phát hành trái phiếu đến cuối tháng 9 năm nay của Vingroup.

“Con cưng” VinFast hiện nhập khẩu phụ tùng xe hơi từ Thái Lan để phục vụ dây chuyền sản xuất. Việc phát hành trái phiếu ở xứ chùa vàng sẽ giúp đơn vị này có thêm lượng vốn mới để trang trải chi phí nhập khẩu.

Giới kinh doanh cho rằng đợt bán trái phiếu quốc tế này là để lo cho VinFast. Ảnh: Vingroup
Giới kinh doanh cho rằng đợt bán trái phiếu quốc tế này là để lo cho VinFast. Ảnh: Vingroup

Asian Nikkei Review cũng tiết lộ, Vingroup đã nghiên cứu về khả năng phát hành trái phiếu bằng các ngoại tệ khác ở thị trường khác trong các tháng qua. Trước đó, hồi háng 8/2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đội ngũ cũng đã thông qua kế hoạch huy động 750 triệu USD bằng phát hành trái phiếu ở Singapore.

Trong nửa đầu năm nay, ba công ty con Vinhomes, CTCP Phát triển Thành phố Xanh và Vincom Retail cũng rất tích cực phát thành trái phiếu. Tổng cộng huy động được hơn 15.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 1, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cũng hoàn tất phát hành 12 đợt trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị theo mệnh giá của 12 đợt phát hành là 1.330 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2019, VinFast cũng hoàn tất huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc không chia cổ tức cho năm 2019, dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để đầu tư kinh doanh. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Vingroup giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức.

Ông Vượng cho biết VinFast đang nghiên cứu các thị trường để xuất khẩu, tuy nhiên, chiến lược của tập đoàn là chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Mỹ, sau khi thành công mới phát triển các thị trường khác.

Mỹ là thị trường khó nhất nên nếu có thể thâm nhập, các thị trường khác sẽ rất dễ dàng. Đây là phép thử cho cả tập đoàn để có sản phẩm cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả. Năm ngoái, Chủ tịch Vingroup cũng tự “móc tiền túi” 2 tỷ USD cho kế hoạch mang VinFast Mỹ tiến.

Tập đoàn Vingroup khẳng định sẽ đầu tư lớn, quyết liệt cho mảng xe hơi nhưng chấp nhận bù lỗ 3-5 năm mới có thể hòa EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần). Mục tiêu ông Phạm Nhật Vượng hướng đến là thị phần. Tập đoàn này tự tin sắp tới VinFast chắc chắn chiếm thị phần rất tốt ở Việt Nam và bắt đầu có tên tuổi nhất định ở thị trường Mỹ.

Ông Phạm Nhật Vượng có nhiều động thái tích góp nguồn lực cho việc Mỹ tiến của VinFast. Ảnh: Bloomberg
Ông Phạm Nhật Vượng có nhiều động thái tích góp nguồn lực cho việc Mỹ tiến của VinFast. Ảnh: Bloomberg

Hãng sản xuất xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa công bố doanh số bán hàng trong tháng 6/2020. Theo đó, tổng số xe bán ra là 2.170 xe, gồm 1.364 xe Fadil, 467 xe Lux A2.0 và 339 xe Lux SA2.0.

Trang bán hàng Chợ Tốt vừa công bố báo cáo thị trường mua xe đô thị cỡ nhỏ sau dịch COVID-19. Đơn vị này cho biết, VinFast Fadil bất ngờ “vượt mặt” Hyundai Grand i10 và Kia Morning, hai đối thủ sừng sỏ lâu năm trên thị trường, để trở thành mẫu xe bán chạy nhất phân khúc xe ô tô hạng A tháng 5/2020 ở thị trường xe mới. Đồng thời ở thị trường xe cũ, cái tên VinFast Fadil cũng gây ấn tượng với số lượng khách liên hệ hỏi mua/tin đăng bán xe vượt mặt hai “đàn anh”.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương