WHO họp khẩn, kêu gọi ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu, nhằm ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp WHO, diễn ra ngày 15/1 theo hình thức trực tuyến.

Cuộc họp diễn ra sớm hơn kế hoạch hai tuần, nhằm thảo luận khẩn về các biến thể mới đang có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu đã vượt quá 2 triệu.

Ủy ban phản đối việc các nước yêu cầu trình chứng nhận tiêm phòng khi nhập cảnh, tuy nhiên, cho biết đã đến lúc điều chỉnh các khuyến cáo về đi lại, khi virus đang biến thể rất nhiều như hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới đang "ở giai đoạn quyết định trong đại dịch", đồng thời kêu gọi phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.

Hiện khoảng 46 quốc gia đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng đại trà, 38 nước trong số này là những nước có thu nhập cao.

Ông nhấn mạnh: "Tôi muốn trong 100 ngày tới, tất cả các nước sẽ tiêm phòng để các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất được bảo vệ trước tiên".

Nhắc tới một biến thể mới của virus đang hoành hành tại Brazil, WHO cảnh báo số ca nhiễm đang tăng mạnh hiện nay tại một số nước, có thể do sự lơ là trong phòng chống dịch, chứ không đơn giản chỉ vì các biến thể mới.

Theo WHO, các biến thể mới được phát hiện gần đây chỉ có thể được xác định bằng việc giải mã gene, điều không thể được tiến hành ở mọi nơi.

Ủy ban cũng kêu gọi WHO đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn nhằm đặt tên cho các biến thể mới, theo hướng không nhắc đến địa danh để tránh cảm giác bị bêu xấu.

Trong một bản thông tin di truyền học đầu tuần này, WHO cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi một biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi đã xuất hiện ở 20 nước khác.

Một biến thể thứ ba có nguồn gốc ở vùng Amazon của Brazil đang được phân tích và có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng.

Tình hình tại bang Amazonas của Brazil, đặc biệt tại thủ phủ Manaus, đang ngày một tồi tệ hơn, khi các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải.

Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho biết nếu tình hình tiếp tục xấu đi, "chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới lớn hơn làn sóng tồi tệ hồi tháng 4 -5 ở Amazonas".

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện "hiện không thể chỉ đổ lỗi cho biến thể", đồng thời cho biết người dân và các nhà chức trách cần chia sẻ trách nhiệm trong chính các hành động của mình, nhằm ngăn chặn lây nhiễm.

Về vấn đề đi lại, ủy ban của WHO khuyến cáo các nước không nên yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm phòng khi nhập cảnh, do vẫn chưa thể khẳng định tác động của vaccine trong việc giảm lây nhiễm, trong khi số lượng vaccine vẫn rất hạn chế.

Người đứng đầu ủy ban trên, ông Didier Houssin, cho biết do những khác biệt trong quan điểm của các nước về thị thực, biện pháp cách ly và cấm đi lại, đã đến lúc WHO cần đánh giá lại việc sửa đổi hướng dẫn về đi lại quốc tế bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới hãy cùng nhau đoàn kết hơn nữa, để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong thông điệp được phát trực tuyến, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh thế giới đã tiến tới một dấu mốc thật đau lòng, với số ca tử vong nhiều tới 2 triệu người. Và thật đáng buồn khi thế giới vẫn không có được sự nỗ lực phối hợp toàn cầu để giải quyết đại dịch.

Ông kêu gọi thế giới phải hành động ngay với tinh thần đoàn kết hơn, để tưởng nhớ 2 triệu người đã không may tử vong vì đại dịch.

(Nguồn: TTXVN)

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương