Xem xét xử phạt ông Trịnh Văn Quyết do bán cổ phiếu 'chui'

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang xem xét xử lý vi phạm về việc bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Phiên sáng nay, "họ" FLC giảm kịch biên độ trên các sàn giao dịch.

Sáng nay (11/1), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, 17h45 ngày 10/1, Ủy ban mới nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/1/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC, niêm yết tại HoSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96 ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

"UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định", phía Ủy ban cho hay.

z3099830655229_f58a014af3652417b115a5a38e38cc6c.jpg
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh Internet

Trong văn bản giải trình của ông Trịnh Văn Quyết, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, văn bản đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC đã được ông ký sẵn, giao cho bộ phận phụ trách Công bố thông tin của FLC trước khi đi công tác vào ngày 4/1. Tuy nhiên, bộ phận Thư ký sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi công bố thông tin Thông báo đăng ký giao dịch đúng thời hạn quy định, theo Dân trí.

"Để xảy ra sự việc này, tôi rất lấy làm tiếc và mong nhận được sự thông cảm, tạo điều kiện của quý cơ quan. Tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ cẩn trọng hơn để không xảy ra những sự việc tương tự", ông Quyết nhấn mạnh trong đơn giải trình gửi UBCKNN và HoSE.

Cụ thể, về diễn biến cổ phiếu, cho đến 9h30, hầu hết cổ phiếu "họ" FLC đều đang bị bán tháo.

Lệnh chất sàn dồn dập dù tại nhiều mã xuất hiện lực cầu bắt đáy. Tuy vậy, các lệnh mua giá sàn vẫn chưa thể "giải cứu" được các mã này khi mà dư bán sàn vẫn còn rất "khủng".

FLC, ROS, AMD, HAI, KLF đang bị "khóa sàn" trong khoảng 30 phút đầu tiên phiên giao dịch sáng nay.

Theo đó, những nhà đầu tư đang sở hữu các cổ phiếu này muốn bán ra với giá sàn cũng khó "thoát hàng" do dư cung quá lớn.

Với ROS, dư bán sàn còn trên 40 triệu cổ phiếu trong khi khớp lệnh đạt gần 5 triệu đơn vị. Với FLC, khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu nhưng dư bán sàn còn gần 33 triệu đơn vị.

z3099834726602_5392808e79095d6f6c232f5ed68c8877.jpg
Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang khốn đốn với cổ phiếu "họ FLC". Ảnh minh họa

AMD cũng dư bán sàn hơn 6,6 triệu cổ phiếu trong khi khối lượng khớp xấp xỉ 3,2 triệu đơn vị. HAI khớp gần 1,8 triệu cổ phiếu nhưng còn dư bán trên 7 triệu đơn vị; KLF khớp lệnh khoảng 4,1 triệu cổ phiếu và vẫn còn dư bán sàn 5,5 triệu cổ phiếu.

Với diễn biến giảm sàn, ROS có giá 13.900 đồng/cổ phiếu; FLC có giá 19.700 đồng/cổ phiếu; AMD là 9.580 đồng/cổ phiếu; HAI là 9.210 đồng/cổ phiếu và KLF là 9.500 đồng/cổ phiếu. Giới quan sát vẫn đang theo dõi hoạt động "giải cứu" tại các mã cổ phiếu này.

Cổ phiếu ART vẫn chưa chạm sàn nhưng đầu phiên cũng có lúc về 15.300 đồng/cổ phiếu, sát ngưỡng giá sàn là 15.200 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm sau 9h30, hoạt động "giải cứu" tại cổ phiếu "họ FLC" vẫn rất gay cấn. Một số mã đã hấp thụ hết lệnh dư bán sàn tuy nhiên mức giá vẫn đang phập phù. FLC có lúc hồi phục lên được 20.500 đồng nhưng sau đó lại quay đầu về mức sàn và giằng có quyết liệt ở vùng giá này. Tương tự, KLF cũng thoát sàn trong giây lát. AMD tạm thời hồi phục, thu hẹp được biên độ giảm còn khoảng 6,3%.

Một thông tin đáng chú ý là trong văn bản đăng ký giao dịch mới cập nhật, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu nhưng thời gian từ ngày 14/1 đến 11/2. 

Luật chứng khoán Việt Nam quy định người nội bộ của doanh nghiệp và người có liên quan đến người nội bộ phải công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày dự kiến giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc.

Giả sử nếu lãnh đạo một doanh nghiệp muốn bán cổ phiếu trong khoảng thời gian 10-17/1/2022 thì người này bắt buộc phải gửi văn bản đến các cơ quan quản lý và thực hiện công bố thông tin giao dịch chậm nhất vào ngày 5/1 (do các ngày 8-9/1 là cuối tuần, không phải ngày làm việc).

z3099848265910_2a108939aa50ced97fbfe2b948e78f6e.jpg
Trụ sở Tập đoàn FLC ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc

Việc mua bán không có báo cáo (mua bán chui) có thể do người nội bộ doanh nghiệp chưa nắm rõ về các quy định giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường cũng không loại trừ khả năng có động cơ trục lợi để có thể bán được mức giá cao nhất hoặc mua được mức giá thấp nhất nếu được, nhất là với các cá nhân đã từng bị xử phạt bán chui.

Về xử phạt mua bán chui cổ phiếu, những người không công bố thông tin về dự kiến giao dịch chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Nghị định số 128/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 mới đây: "Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ).

Giả định, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp bán chui 74,8 triệu cổ phiếu với mức giá thị trường 21.150 đồng/cổ phiếu thì số tiền đã thu về là gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên mức xử phạt sẽ tính theo mệnh giá trong trường hợp này chỉ là 748 tỷ đồng. Giá trị xử phạt theo khung 3-5% sẽ nằm trong khoảng 22,4-37,4 tỷ đồng.

Cũng nói thêm là Nghị định 128 lại quy định mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Vì vậy, mức phạt bán chui của vị chủ tịch giả định nói trên nhiều nhất chỉ là 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc phạt vi phạm hành chính, UBCKNN còn có nhiều biện pháp phạt bổ sung khác nên giá trị tối đa 1,5 tỷ đồng cũng chỉ là con số tương tối. Một số hình phạt bổ sung như điều chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn đối với hành vi vi phạm, hủy bỏ và cải chính thông tin...

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương