Du học được coi là giấc mơ vàng của nhiều bạn trẻ trong hành trình chinh phục tri thức, mở rộng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, không chờ đến khi con vào đại học, ngay từ cấp 3, nhiều phụ huynh đã tính đường cho con sang các nước có nền giáo dục phát triển để bắt đầu một hành trình tri thức mới.
Tuy nhiên, du học không phải màu hồng. Có những khác biệt về văn hóa, lối sống... khiến những đứa trẻ nếu không được chuẩn bị kĩ có thể lâm vào cảnh "đứt gánh giữa đường". Khi ấy, bao công sức, tiền bạc, kỳ vọng của cha mẹ cũng như mây khói tan tành trong phút chốc.
Một học sinh mới đây cũng lâm vào tình trạng đó. Được biết, em mới qua Mỹ được 3 ngày nhưng nhất quyết đòi về. Cha mẹ thì tôn trọng quyết định của con. Em cho biết mình đang rất chênh vênh, không biết làm thủ tục ra sao để về lại Việt Nam học lớp 12.
Câu chuyện của em thu hút sự chú ý.
Ảnh minh họa |
Du học không phải là một chuyến du lịch hay một cuộc dạo chơi giải trí
Phía dưới bài viết, nhiều người động viên em học sinh, cho rằng nếu đã tốn quá nhiều công sức để qua được một đất nước khác thì thay vì bỏ cuộc dễ dàng sau 3 ngày, tốt nhất nên cho mình thời gian để cân nhắc. Hãy bình tĩnh suy nghĩ về mục đích du học ban đầu là gì, bởi du học là một hành trình dài đơn giản chứ không phải là chuyến dạo chơi hay du lịch giải trí. Mới sang sẽ cảm giác nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt. Nhưng khi bắt đầu vào học quen nhiều bạn bè sẽ vui hơn. Đừng vì cảm xúc nhất thời mà phá hủy tương lai.
Nhiều người dẫn chứng câu chuyện của chính mình, hoặc của người thân, bạn bè mình. Ban đầu khi qua một nước mới, họ cũng từng bị sốc vì nghe giảng không hiểu, ở dorm không quen ai. Nhưng khi được gia đình và thầy cô động viên, chỉ sau 2 tháng, họ đã hòa nhập và mọi chuyện nhẹ nhàng hơn nhiều.
"Con thử cố gắng hết sức để học và hòa nhập trong nửa năm, đừng ở lì trong phòng sẽ dễ trầm cảm. Lúc đó, nếu không chịu được thì hãy quyết định về cũng chưa muộn. Hãy thử một lần vì cha mẹ đã hết lòng cho cho tương lai của con", một phụ huynh khuyên nhủ.
Người khác nhận định: Thực hiện được giấc mơ du học không phải dễ dàng như một bức tranh màu hồng. Các vị phụ huynh hãy đồng hành cùng con và giúp cho con hiểu được những gì con sẽ phải trải qua khi con muốn đi du học để con xác định tư tưởng trước xem liệu có vượt qua được những cú sốc văn hoá, có tự lập tốt và có chịu được nỗi nhớ nhà, cô đơn một mình ở một đất nước xa lạ; khí hậu khắc nghiệt đặc biệt là mùa đông băng tuyết phủ trắng xoá không có bố mẹ ở bên an ủi, chăm sóc vỗ về hay không?
Hãy dạy cho các con biết giá trị của đồng tiền, biết cha mẹ phải cực khổ thế nào mới kiếm ra được tiền để chu cấp cho các con ăn học để con biết tiếc tiền, biết thương cha mẹ, biết trân trọng những gì cha mẹ dành cho mình. "Thật là buồn thương cho bố mẹ cháu bé này khi cháu mới sang Mỹ được 3 ngày nhập trường đã đòi về Việt Nam", người này nói.
Nhiều vấn đề nảy sinh khi đưa một "cây non ra đón bão"
Bàn về câu chuyện du học, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan) cũng từng cho rằng: Việc đẩy con ra nước ngoài ở độ tuổi quá nhỏ không phải là con đường rải toàn hoa hồng như bố mẹ nghĩ.
Đi qua những háo hức mới mẻ ban đầu, có rất nhiều vấn đề nảy sinh khi đưa một "cây non ra đón bão". Áp lực và lạc lõng, những khác biệt về lối sống, văn hoá, chưa kể đến những trục trặc trong cuộc sống thường ngày mà nếu chưa đủ sự chín chắn, chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, con sẽ rất dễ cảm thấy lúng túng.
Theo TS Yến Khanh, thông thường, 18 tuổi sẽ là mốc thời điểm phù hợp để cho con bắt đầu một cuộc sống mới xa gia đình. Tuy nhiên, con số này cũng không mang tính tuyệt đối, bởi không phải đứa trẻ nào khi được 18 tuổi cũng hội tụ đủ những yếu tố để trở thành du học sinh. Quan trọng hơn độ tuổi, theo chị, bạn trẻ đó cần phải được chuẩn bị, rèn luyện để có được tâm sinh lý vững vàng, sự độc lập, chủ động được trong cuộc sống, có thể tự lo được cho bản thân từ những sinh hoạt đời thường cho tới chủ động trong việc kết nối, giao lưu với bạn bè, thầy cô…
Vì vậy, khi quyết định cho con đi du học, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo con có những kỹ năng quan trọng, trong đó có 3 kỹ năng sau:
Thứ nhất, kỹ năng tự lập: Tự lập là biết chăm lo cho bản thân mình, xử lý những vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, tìm được nhà để thuê; mua sắm nội thất (nếu nhà trống); mua dụng cụ đồ dùng cá nhân; xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân; các thể loại vé, thẻ, giấy tờ... Đây đều là những vấn đề khó khăn nếu bản thân đứa trẻ không có khả năng tự xử lý.
Thứ hai, kỹ năng học tập: Nhiều phụ huynh cũng chú trọng xây hồ sơ để xin học bổng, hoạt động ngoại khóa để "làm màu", nhưng thứ quan trọng nhất để tồn tại ở môi trường học đường nước ngoài chính là kỹ năng học tập thì nhiều cha mẹ chưa nhận thức đủ để trang bị cho con.
Chị Khanh nói: "Tôi từng dạy ĐH ở Việt Nam và hiện tại thì dạy ở Hà Lan, tôi nhận thấy một điều, các bạn sinh viên Việt Nam rất thiếu kỹ năng học tập. Với một bài luận, các em không biết phải đọc, tổng hợp tài liệu như thế nào; trích dẫn, sử dụng nguồn nghiên cứu như thế nào. Kỹ năng viết, trình bày kiến thức, thông tin như thế nào cũng vô cùng hạn chế. Rồi kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng cuộc sống để phân chia vui chơi, học hành... cũng tương tự. Đấy là những thứ cha mẹ cần chú trọng hơn".
Thứ ba, kỹ năng hòa nhập: Đó chính là nhận biết cá nhân mình có những tính cách, giá trị sống gì. Và mình phải hiểu những nền văn hóa mà mình chuẩn bị bước chân vào. Họ có những đặc điểm gì, mình khác với họ ra sao; cần giữ những giá trị gì của mình, cần tôn trọng, tiếp nhận những giá trị mới nào để có thể hòa nhập được trong cuộc sống...
TS Khanh cho rằng, nếu chưa sẵn sàng cho con đi du học sớm nhưng vẫn muốn con làm quen với môi trường quốc tế, có cơ hội cọ xát để chuẩn bị cho việc du học sau này, cha mẹ có thể cho con đi trại hè đôi ba tuần, hoặc du học ngắn hạn vài tháng.
Câu chuyện hút hàng ngàn bình luận lúc này: Con đỗ Đại học Y Hà Nội, mẹ cấm nhập học, lý do khiến ai nấy khó xử
Lý do bà mẹ đưa ra gây phản ứng trái chiều.