Năm 2023 tiếp tục là một năm khẳng định vị trí của các nhà khoa học nữ trong môi trường nghiên cứu khoa học. Vượt lên khó khăn và cả những “chông gai” ở những lĩnh vực có nhiều rào cản ngay cả với nam giới, các nhà khoa học nữ đã chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của mình trong cuộc dấn thân cho khoa học.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Phụ nữ Mới đã gặp gỡ, trao đổi với một số nhà khoa học nữ liên quan đến công việc và những dự định hứa hẹn của họ trong năm 2024.
GS.TS Nguyễn Thị Lang: “Năm 2024, rồi năm nữa… tôi vẫn chỉ gắn bó với cây lúa…”
GS.TS Nguyễn Thị Lang, một nhà khoa học đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về nguồn gene và tạo giống cho cây lúa. Chị vinh dự là nhà khoa học nữ đầu tiên được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa vào năm 2019. Tự nhận mình là một người nông dân, rất yêu và trăn trở về cây lúa, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng GS.TS Bùi Chí Bửu đi tìm cây lúa “ma”- tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay.
Cho đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 90 giống lúa, trong đó có hơn 30 giống lúa đã được chuyển giao cho nước ngoài trồng.
GS.TS Nguyễn Thị Lang |
Ở tuổi 66, GS.TS Nguyễn Thị Lang vẫn say mê với công việc lai tạo giống lúa. Di chuyển liên tục qua các địa phương, làm việc ngoài thực địa không quản nắng, mưa, GS.TS Nguyễn Thị Lang trăn trở khi năm 2023 nhiều dự án chị dự định triển khai bị ngừng trệ do điều kiện khó khăn chung của kinh tế thế giới. Các đối tác nước ngoài (Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc) thay vì vào Việt Nam tìm hiểu, trao đổi trực tiếp về giống lúa họ chỉ làm việc online nên việc triển khai các dự án với nước ngoài không có bước đột phá.
Đối với các dự án trong nước, GS.TS Nguyễn Thị Lang cùng các đồng nghiệp đã triển khai cho một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trồng các giống lúa ứng dụng công nghệ cao; phục tráng một số giống lúa gạo ngon truyền thống như giống lúa Tài Nguyên Chợ Đào nổi tiếng tại vùng đất Chợ Đào thuộc Long An. Hiện tại Long An đang trồng 20 héc ta lúa Tài Nguyên Chợ Đào phục tráng.
GS.TS Nguyễn Thị Lang chia sẻ về những dự án chị thực hiện trong năm qua và những kế hoạch của năm 2024: “Ngoài việc phục tráng giống lúa Tài Nguyên Chợ Đào cho Long An xuất khẩu sang châu Âu, chúng tôi đang giúp Bình Định phục tráng giống lúa nếp ngự có mùi thơm đặc biệt và giúp Kon Tum trồng giống cam ngọt không hạt. Trong năm 2024, tôi có một dự án làm với các nhà nghiên cứu Mỹ về phân kali trong đất liên quan đến sinh trưởng của cây trồng. Đồng thời tiếp tục triển khai hai dự án lúa gạo tại An Giang. Sẽ có 100 héc ta lúa đạt thương hiệu Bảy Núi An Giang được trồng để xuất sang Nhật và châu Âu”.
Khá bận rộn nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lang rất hào hứng khi nhắc đến tết Nguyên đán. Chị kể, năm nào 29 Tết gia đình chị cũng về bên nội ở Tây Ninh. Cả nhà tập trung gói bánh tét. Đêm 30, mâm cúng giao thừa ngoài bánh tét, còn có thịt kho trứng, dừa; cháo gà và canh khổ qua nhồi thịt. “Món gì có thể thiếu nhưng canh khổ qua thì nhất định phải có. Người miền Nam chúng tôi quan niệm, ăn canh khổ qua đêm giao thừa là mọi nỗi buồn, khổ, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để đón một năm mới an khang, thịnh vượng”- GS.TS Nguyễn Thị Lang vui vẻ tâm sự.
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh: “Tôi hy vọng những nỗ lực trong công việc sẽ được động viên, được ghi nhận, công nhận một cách công bằng”
Là người của công việc, khối lượng công việc mà PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh làm trong một năm bằng khối lượng công việc của hàng chục người khác. Là Giám đốc Trung tâm Phát triển Chương trình đào tạo và Tư vấn nhân lực y tế - Trường Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Trưởng Phòng NCKH-HTQT - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi được hỏi mong muốn gì ở năm tới, người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt thanh tú toát lên khí chất “không chịu khuất phục trước khó khăn” khẳng định: “Tôi mong muốn những nỗ lực của mình trong công việc được động viên, được ghi nhận, công nhận và tạo nguồn lực một cách công bằng, chứ không phải cào bằng như hiện nay”.
PGS.TS Bùi Mỹ Hạnh |
Đánh giá kết quả làm việc năm 2023, PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh chia sẻ: “Năm 2023 tôi đã xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi số cho đối tượng sau đại học bao gồm Ths, Ts, Nội trú, Chuyên khoa Cấp I, Chuyên khoa Cấp II đây là điều tâm đắc nhất của tôi bên cạnh những công việc thường xuyên nhưng cũng rất nhiều như giảng dạy học phần Phát triển bản thân và tính chuyên nghiệp với gần 1000 tiết giảng và cho gần 1000 sinh viên năm cuối của các mã ngành đào tạo đại học; Chưa kể đến công việc phục vụ người bệnh, quản lý và nghiên cứu khoa học. Với khối lượng công việc này nhiều lúc tôi bắt đầu xuất hiện mong ước “nhân bản” mình lên thành 30-40 người và thời gian mỗi một ngày tăng lên 100 giờ. Muốn làm nhiều nên mọi việc giờ đây không có cách nào khác là phải “chuyển đổi số”. Các chương trình tôi thiết kế cho học online hoàn toàn kiểm soát được các đối tượng tham gia trong lớp học. Có những lúc bị ghép lớp-tổ dạy online cho 400-500 sinh viên thậm chí dạy thực hành, tôi phải chia thành 20 lớp nhỏ trong một lớp lớn và các sinh viên trong mỗi lớp nhỏ này đều phải làm việc nhóm, giao tiếp-truyền tải các sản phẩm bài tập dưới dạng số như file excel, video, các link nhập-hiển thị ngay những kết quả phản hồi về bản thân mỗi người cũng như về định hướng phát triển nghề nghiệp tương lai gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Muốn sinh viên thực học-thực làm thì phải cá thể hóa đến từng sinh viên, nhóm sinh viên chứ không đơn giản chỉ diễn thuyết từ đầu giờ đến cuối giờ. Và điều vui mừng nhất là đến năm nay - sau 5 năm là nơi đầu tiên và duy nhất giảng dạy về Phát triển bản thân và tính chuyên nghiệp, các sinh viên và đồng nghiệp không riêng của Trường Y Hà Nội mà cả những trường khác đều yêu thích và bắt đầu muốn áp dụng như Trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, việc áp dụng này nếu chỉ là “copy-paste” tên bài và không có người am hiểu thực sự về nghề y thì sẽ không khác gì bài giảng lý thuyết thông thường. Sẽ không thể phát hiện - uốn nắn được những biểu hiện mang tính “không bao giờ được đánh giá: như không trung thực, liêm chính, tính qua loa-đại khái…”. Có lẽ chưa có môn học nào mà có sự cải thiện tích cực chỉ sau duy nhất 1 lần kiên quyết cho 105 sinh viên vi phạm học và kiểm tra lại. Bài học này đã trở thành câu chuyện được lan tỏa tích cực để không còn sinh viên vi phạm nữa”.
Đôi mắt ánh lên sự trăn trở, PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh cho biết điều luôn đau đáu trong chị là chưa được bổ sung đủ nguồn lực để thực hiện được tốt hơn và nhanh hơn những sáng kiến của mình cho cả đào tạo, nghiên cứu và phục vụ người bệnh. Vì theo chị chia sẻ, tất cả những việc chị làm chỉ duy nhất hướng đến một mục tiêu kết quả cuối cùng là bác sĩ tốt hơn, người bệnh an toàn hơn, chi phí ít hơn.
“Năm 2024 tôi phải nghiệm thu 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ giải pháp cải tiến chất lượng khám chữa bệnh đều về trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin; Giảng dạy chuyển đổi số; Đánh giá và nghiệm thu các sáng kiến, giải pháp hữu ích áp dụng tại bệnh viện. Bên cạnh đó, tôi vẫn phải làm nhiều việc khác. Rất nhiều.
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện. |
Để không bị tụt hậu trong các lĩnh vực đào tạo, khám, chữa bệnh và nhiều chuyên ngành khác, CNTT phải được sử dụng có trách nhiệm và bền vững. Nếu chuyển đổi số chỉ được coi là một phong trào mà chúng ta không hiểu chuyển cái gì? Chuyển từ đâu đến đâu? Người dân được gì từ chuyển đổi số?... thì sẽ không hiệu quả và đất nước vẫn nghèo. Ví dụ ngay với một thày thuốc-thày giáo-thày bói nghiên cứu như hiện nay chỉ có số liệu thống kê về số giờ giảng dạy mỗi năm, số lượng bệnh nhân điều trị, số lượng bài báo quốc tế xuất bản và số lượng sáng kiến được phê duyệt nhưng không hề có số liệu thống kê về sự phát triển của người học xem có bao nhiêu đạt được những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (như tôi đã nêu trên). Nói là khó cân đong đo đếm nhưng chắc chắn một điều là chưa thấy có con số nào thể hiện sự “trung thực-dám thừa nhận những sai sót, sự cố do mình gây ra cùng với số tiền mà người bệnh cũng như bảo hiểm phải chi trả-đây là một trong 3 trụ cột bắt buộc của chuẩn đầu ra trong Khung trình độ giáo dục quốc gia đã ban hành”. Bên cạnh đó lợi ích đầu tư cho nghiên cứu là bao nhiêu? Dữ liệu để phân tích tổng hợp báo cáo áp dụng làm lợi cho người bệnh bao nhiêu tiền nếu nói là nghiên cứu đó hay, mới, có tính ứng dụng thực tiễn… Rồi nếu áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý công nghệ mới cũng như quản trị tri thức thì làm tăng năng suất - chất lượng- giảm chi phí khám chữa bệnh cụ thể như thế nào”- PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài: “Các nhà khoa học Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn… Nên, tôi muốn mọi người hãy bao dung với những người làm khoa học”
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là 1 trong 3 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” (For Women in Science) năm 2023. Chị cũng là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài |
Nói về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài kể: “Tôi được nghiên cứu khoa học khá sớm. Ngay từ khi học đại học năm thứ hai tôi đã bắt đầu nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi sinh và miễn dịch. Tốt nghiệp đại học, tôi sang Đức để tiếp tục nghiên cứu về vi khuẩn tụ cầu vàng và hệ protein gây miễn dịch của tụ cầu vàng. Sau đó sang vương quốc Bỉ để tiếp tục nghiên cứu về các cơ chế kháng thuốc trên vi khuẩn gram âm. Sau khi thực hiện các nghiên cứu tại vương quốc Bỉ, tôi quay trở về Việt Nam tiếp tục các con đường nghiên cứu khoa học của mình”.
Liên quan đến nghiên cứu giành giải thưởng L’Oréal – UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: “Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng vì nó tạo ra tác động to lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót, đồng thời làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tạo thêm gánh nặng xã hội. Đến năm 2050, kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp hiệu quả. Một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác tình trạng kháng kháng sinh nhằm trợ giúp việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời có biện pháp cách ly giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng”.
Nghiên cứu giành giải thưởng của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài là phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số.
Trực khuẩn mủ xanh P.aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mãn tính, trong một số báo cáo, nó là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là 1 trong 6 nhóm/ loài trong danh sách ESKAPE của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó.
Khả năng này đến từ nhiều gen khác nhau, trong đó một số gen có tính quyết định nổi trội tới khả năng kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị. Nghiên cứu này sẽ áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây. Đây là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác, độ lặp lại cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài trong phòng thí nghiệm |
Nghiên cứu của PGS.TS Thu Hoài sẽ hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hỏi PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài về những dự định trong năm mới, chị cười quả quyết: “Mục tiêu sống của tôi là sống tốt nhất với hiện tại. Có việc giao, có cơ hội, có ý tưởng, tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng. Tôi không muốn nhắc đến… dự định, hay kế hoạch, vì… nói trước bước không qua. Tôi chỉ mong mọi người bao dung với nhà khoa học. Khoa học công nghệ là lĩnh vực đổi mới sáng tạo và trong thế giới mở, thế giới phẳng, chúng ta không chỉ hợp tác, cạnh tranh với các stakeholders trong nước mà còn với cả nước ngoài. Tôi dùng từ stakeholders với ý bao gồm không chỉ các nhà khoa học mà còn với doanh nghiệp, nhà quản lý, chính sách trong nhiều lĩnh vực để cùng giải quyết những vấn đề chung. Đua công nghệ là cần tiền, cần rất nhiều tiền, để có lực đấu lại còn cần bản sắc để cạnh tranh thành công. Bởi vậy, nhà khoa học Việt Nam đang khó khăn nhiều lắm, không có cơ sở vật chất, không có tiền, không có cơ chế thông thoáng để sử dụng tiền, hơn nữa nhiều khi lại bị khủng hoảng tâm lý vì những lên án kiểu như nhà khoa học mà không đóng góp được gì cho sự phát triển của khoa học, kinh tế và cuộc sống, nói chung càng tâm huyết càng bị áp lực cao”.
Tiến Sĩ Ngô Thị Thúy Hường: “Tôi mong muốn sự công bằng trong nghiên cứu khoa học giữa nam và nữ”
Nhận giải thưởng của Nhà vua Thái Lan cho nghiên cứu xuất sắc nhất về ứng dụng cỏ Vetiver trong lĩnh vực nghiên cứu phi nông nghiệp (môi trường), TS Ngô Thị Thúy Hường đánh giá về kết quả làm việc năm cũ với một thái độ lạc quan: “Năm 2023 trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế trong và ngoài nước khi vừa đi qua đại dịch Covid-19, lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng không tránh khỏi những khó khăn về vốn cho nghiên cứu. Tuy nhiên, với riêng cá nhân tôi và nhóm nghiên cứu do nguồn vốn nghiên cứu có được chủ yếu từ các Quỹ tài trợ quốc tế như USAID (Hoa Kỳ), GCRF-UKRI/NERC (Anh), Hitachi (Nhật Bản), VLIROUS (Vương quốc Bỉ), v.v. nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, các khó khăn trong quá trình nghiên cứu luôn tồn tại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thời tiết, thủ tục hành chính, tài chính, v.v.. Mặc dù vậy, tôi và nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả. Cá nhân tôi đã kết thúc 1 dự án nghiên cứu và có những kết quả đáng mừng, được ghi nhận bởi cộng đồng quốc tế, thông qua giải thưởng của Nhà vua Thái Lan cho nghiên cứu xuất sắc nhất về ứng dụng cỏ Vetiver trong lĩnh vực nghiên cứu phi nông nghiệp (môi trường). Đây là một trong những sự công nhận cao nhất đối với tôi từ các đồng nghiệp và cộng đồng khoa học nghiên cứu về ứng dụng của cỏ Vetiver.
TS Ngô Thị Thúy Hường |
Chia sẻ về những dự định của năm 2024, TS Ngô Thị Thúy Hường khẳng định: “Năm 2024 tôi vẫn sẽ tiếp tục lên đường đến với những vùng đất, những dòng sông, vùng biển đang gặp những vấn đề về ô nhiễm môi trường đất và nước để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu các nguyên nhân, tác động và tìm giải pháp cho các vấn đề đó. Cụ thể là tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các tác động tiềm ẩn của vi nhựa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và đảo Cát Bà, đặc biệt là từ các chất ô nhiễm nguy hại như kim loại nặng, các chất hữu cơ khó phân hủy (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất thải từ công nghiệp, đốt rác, v.v..) liên kết với vi nhựa, đối với sức khỏe của sinh vật và nguy cơ đối với sức khỏe con người. Từ đó sẽ tìm hiểu các khả năng giảm thiểu mối nguy đến từ bản thân vi nhựa và các chất liên kết với vi nhựa. Bên cạnh đó, tôi cũng vẫn tiếp tục hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe môi trường, độc học sinh thái. Các nghiên cứu cụ thể sẽ được chia sẻ với cộng đồng trong thời gian tới”.
TS Ngô Thị Thúy Hường mong muốn trong nghiên cứu khoa học cần có sự công bằng giữa nam và nữ. Theo đó, có quy định, các điều luật bảo vệ các nhà khoa học nữ trước những nguy cơ bị quấy rối trong môi trường làm việc. Nghiên cứu khoa học là một việc rất quan trọng cho sự phát triển của mọi quốc gia nhưng điều kiện làm việc và đãi ngộ đối với các nhà khoa học thì đang còn nhiều hạn chế. Mong muốn có sự quan tâm đúng mức của chính phủ cho nghiên cứu khoa học và những người làm khoa học trong năm mới.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hà: “Tôi mong muốn có những thay đổi về chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ”
TS Nguyễn Thu Hà là Trưởng bộ môn Vi sinh vật thuộc Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa (SFRI), trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Chị đã phát minh ra các sản phẩm dựa trên các vi sinh vật có ích. Các sản phẩm này giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng và lợi ích của nông dân. Chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất của TS Nguyễn Thu Hà đã đạt giải bạc và giải đặc biệt tại Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc năm 2019 và một số giải thưởng trong nước.
TS Nguyễn Thu Hà |
Năm 2023, TS Nguyễn Thu Hà có chuyến công tác dài ngày tại Trung tâm Quốc tế về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học (ICGEB) Ý. Đây là lần đầu tiên chị đến Ý. Chia sẻ về những trải nghiệm của chuyến đi, TS Nguyễn Thu Hà cho biết: “Lab tôi đến làm việc có nhiều nghiên cứu sinh, cán bộ ở các nước khác tới học tập, nghiên cứu. Chúng tôi vẫn nói với nhau, đây đúng là Lab quốc tế. Ở đây, chúng tôi nhận được sự chu đáo, nhiệt tình của các bạn Ý, đồng thời có thêm những người bạn mới làm khoa học ở các nước. Làm việc tại Lab, tôi được học phương pháp mới về phân tích, đánh giá quần thể vi sinh vật vùng rễ cây trồng. Qua đó, tìm ra những chi/loài vi sinh vật chiếm ưu thế, giúp định hướng trong tuyển chọn các chủng vi sinh vật có ích để nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vi sinh vật chuyên dụng cho đối tượng cây trồng tại vùng đất nghiên cứu; giúp cây trồng sinh trưởng tốt, hạn chế bệnh vùng rễ cây trồng, tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Đây là hướng nghiên cứu mà chúng tôi đang và tiếp tục quan tâm nghiên cứu trong năm tới”.
Theo TS Nguyễn Thu Hà, năm 2023 là năm khó khăn không chỉ đối với chị mà còn đối với các nhà khoa học, nhiều việc chưa làm được. Hiện nay, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở nghiên cứu, lương và thu nhập của cán bộ thực hiện KH&CN còn hạn chế. Đây là rào cản, thách thức đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên cũng là cơ hội nếu nắm bắt được nó. Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang được Bộ NN&PTNT quan tâm và đầu tư. Theo đó, việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh vật/phân bón vi sinh vật đang là hướng đi cấp thiết.
“Năm 2024 vẫn là năm khó khăn với các nhà khoa học nói chung và với bản thân tôi nói riêng. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp luôn mong muốn và hy vọng vào những thay đổi về các chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất, triển khai; Đồng thời cũng lên các kế hoạch sẵn sàng cho năm tới”- TS Nguyễn Thu Hà kỳ vọng một sự thay đổi, một cú hích để khích lệ các nhà khoa học tiếp tục đam mê với nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình nghiên cứu giá trị và được thương mại hóa để phục vụ cộng đồng.
Giải thưởng từ vua Thái Lan vì “Hồi sinh những vùng đất chết”
TS Hường rơi nước mắt khi nói về lý do kiên định với công việc “hồi sinh những vùng đất chết” khiến khán giả xúc động.