Giải thưởng từ vua Thái Lan vì “Hồi sinh những vùng đất chết”

TS Hường rơi nước mắt khi nói về lý do kiên định với công việc “hồi sinh những vùng đất chết” khiến khán giả xúc động.

Hình ảnh nhà khoa học nữ nhận Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023 rơi nước mắt trong chương trình “Cất cánh” của VTV cách đây không lâu khi nói về lý do kiên định với công việc “hồi sinh những vùng đất chết” khiến hàng triệu khán giả xúc động. Đó là TS Ngô Thị Thúy Hường (TS Hường), giảng viên, trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại Trường ĐH Phenikaa.

Thành công với cỏ Vetiver 

Công trình nhận giải thưởng của nhà vua Thái Lan của TS Hường và các cộng sự có tên gọi “Sử dụng công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam”. 

Là chuyên gia về độc học sinh thái và sức khỏe môi trường, TS Hường chủ trì nhiều dự án trong nước và quốc tế về môi trường nước, độc học sinh thái, quản lý môi trường, tài nguyên thiên nhiên, xử lý ô nhiễm bằng thực vật và ô nhiễm vi nhựa.

Các nghiên cứu của TS Hường gần đây mở rộng sang lĩnh vực về sự biệt hóa và sinh khả dụng của kim loại trong môi trường nước, cũng như ô nhiễm vi nhựa và ảnh hưởng của chúng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.

TS Ngô Thị Thúy Hường nhận Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023
TS Ngô Thị Thúy Hường nhận Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023

Ngay sau khi lên sóng chương trình “Cất cánh” của VTV, TS Hường lại “xách ba lô lên đường” đến với những vùng đất bị ô nhiễm. Hẹn gặp sau chuyến trở về từ một vùng biển nhưng rồi phải 2 tháng sau chúng tôi mới có thể kết nối lại với nhau.

TS Hường chia sẻ: “Sau hơn 20 năm làm nghiên cứu trong lĩnh vực Độc học sinh thái, tôi có thể nói: Làm khoa học không lúc nào dễ cả, nhưng với công việc tôi chọn và đang làm dường như có nhiều chông gai hơn, đặc biệt là với phụ nữ như tôi”.

Câu chuyện của TS Hường đưa chúng tôi trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy ngành nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư bài bản. Thay vì chọn “việc dễ”, Thúy Hường chọn “việc khó” với mong muốn tìm được phương pháp nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng cao. Trong những lần đi thực tế, Hường thấy người dân nuôi cá bằng nước thải. Trong đầu  cô nữ sinh bật lên câu hỏi: “Khi ăn những loại cá này, liệu điều đó có gây độc hại đối với cơ thể con người hay không?”. Câu hỏi này cứ bám riết Hường, nên trong quá trình học thạc sĩ ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH Tổng hợp Ghent (Bỉ), Hường còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực Độc học sinh thái. Trong đó, tập trung vào việc đánh giá những ảnh hưởng của kim loại nặng đối với sức khỏe của các loài thủy hải sản và nguy cơ của nó đối với con người. “Độc học sinh thái vẫn còn là một khái niệm rất mới ở Việt Nam và mọi người còn chưa có sự quan tâm đúng mức. Với tôi, nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích xác định hàm lượng các chất độc trong môi trường thì chưa nói lên được gì nhiều vì đó cũng chỉ là những con số. Nếu như mình không nghiên cứu được những cơ chế tác động của nó đối với sinh vật và qua chuỗi thức ăn ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì những con số ấy cũng vô nghĩa”- TS Hường nói.

Năm 2002, Hường tiếp tục đi sang Đức, làm nghiên cứu sinh về Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại Trường ĐH Tổng hợp Bayreuth. Đầu năm 2014, Hường là chủ nhiệm đề tài về xử lý ô nhiễm dioxin bằng công nghệ sử dụng thực vật - một dự án do Bộ Tài nguyên & Môi trường tài trợ. “Lý do thôi thúc tôi phải thực hiện dự án này là bởi những hình ảnh khi vào thăm các bảo tàng ở TP HCM. Tôi nhớ mình đã từng nhìn thấy hình ảnh một cậu bé có đôi mắt rất sáng, nhưng chân tay bị cụt vì nhiễm chất độc màu da cam. Tôi nghĩ, mình phải làm gì đó” - TS Hường xúc động. Khi kể câu chuyện này trong “Cất cánh”, chị cũng đã khóc. Việc sử dụng cỏ Vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin, di sản nặng nề do chiến tranh để lại của TS Hường và đồng sự ban đầu không nhận được sự đồng tình của Hội đồng khoa học, với lý do cây cỏ không thể hấp thụ được các chất cao phân tử như dioxin. Cả nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu, viện dẫn các cơ sở khoa học để chứng minh, bởi bản chất của dioxin và các chất độc hóa học khó phân hủy là có độ hòa tan trong nước rất thấp nhưng lại hòa tan dễ dàng trong chất béo và dầu. Cỏ Vetiver vốn có hàm lượng tinh dầu rất cao trong rễ, lên đến 5% trọng lượng khô. Hơn nữa, loại cỏ này có thể sống trong rất nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt, từ đất chua phèn đến những vùng đất mặn, nghèo dinh dưỡng và có độ kiềm cao. Hệ rễ của cây có thể ăn sâu tới 4 – 5 mét. Nhóm đặt ra giả thuyết, rất có thể hệ vi sinh vật sống trong khu hệ rễ ấy sẽ đóng vai trò chính trong cơ chế làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin”.

TS Ngô Thị Thúy Hường làm việc ngoài hiện trường.
TS Ngô Thị Thúy Hường làm việc ngoài hiện trường.

Từ năm 2014 – 2016, dự án đã đạt được kết quả khả quan và có nhiều triển vọng khi bước đầu chứng minh được cỏ Vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ mức độ ô nhiễm xuống khoảng 38% so với ban đầu, sau 12 tháng trồng ở sân bay Biên Hòa.

Cuối năm 2017, TS Ngô Thị Thúy Hường được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế của cỏ Vetiver trong xử lý ô nhiễm dioxin trong đất và chống lan tỏa ra môi trường xung quanh.

“Mỗi lần nhắc đến thảm họa của chiến tranh để lại trên dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất kiên cường nhưng có lịch sử vô cùng đau thương tôi lại không kìm được sự xúc động trong mình. Đó là sự cảm thương cho bao lớp người đã hy sinh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cho những hy sinh mất mát của các bậc cha ông, và cho những người còn mang trong mình những hậu quả  của chiến tranh đến tận bây giờ, đó là những người thương binh, những gia đình mất người thân và đặc biệt là hàng triệu nạn nhân của chất độc hóa học màu da cam, v.v.. Ấn tượng về những ánh mắt, những hình hài của những nạn nhân của chất độc da cam thực sự đã găm sâu vào ký ức và thôi thúc tôi thực hiện công việc này. Tôi thường xuyên tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa (sông, biển, các vùng đất nhiễm độc) để đưa ra được những minh chứng về các tác hại của các chất độc trong môi trường đến sức khỏe hệ sinh thái và con người. Từ đó, làm cơ sở cho các nghiên cứu tìm ra công nghệ thân thiện nhằm làm giảm nhẹ các mối nguy đó. Tuy nhiên nó lại là những trải nghiệm quý báu không dễ gì có được, khi được đến nhiều miền đất khác nhau, hiểu được những vấn đề ở đó, trò chuyện và giúp người dân để hiểu hơn về các mối nguy tiềm ẩn của một môi trường bị ô nhiễm và những điều cần làm để có môi trường sống tốt hơn, chất lượng hơn”- TS Hường tâm sự.

Kiên định với công việc “hồi sinh những vùng đất chết”

Bên cạnh công trình cải tạo đất nhiễm dioxin, TS Hường còn trực tiếp tham gia vào các dự án đánh giá tác động độc hại và mối nguy của ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường nước tại lưu vực sông Nhuệ Đáy, sự tích tụ các kim loại trong các sản phẩm thủy sản và lan truyền qua chuỗi thức ăn, gây rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, trước vấn đề nổi cộm của ô nhiễm nhựa và vi nhựa, chị cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã và đang phối hợp với các đồng nghiệp tại Trường Đại học Heriot-Watt của Anh tiến hành các nghiên cứu về tác động tiềm ẩn của các chất bám dính trên bề mặt vi nhựa đối với sức khỏe hệ sinh thái và lan truyền qua chuỗi thức ăn, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Từ đó, nhằm tìm ra các giải pháp cho vấn đề này.

Giải thưởng từ vua Thái Lan vì “Hồi sinh những vùng đất chết”

Nghiên cứu khoa học là một công việc không chỉ đòi hỏi tài năng, sự kiên nhẫn mà còn cả sự hy sinh rất nhiều thứ của những người làm khoa học, đặc biệt là nữ. Nói về điều này, TS Ngô Thị Thúy Hường khẳng định: “Sự hy sinh, đó là yếu tố mà những người nghiên cứu khoa học phải chấp nhận. Sự hy sinh tăng lên nhiều lần đối với những người làm việc, nghiên cứu với các chất độc như dioxin”.

Kể lại những khó khăn đã trải qua trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình, TS Hường cho biết: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi đó là chuyến thực địa tại sân bay Biên Hòa, tháng 5 - 2015. Khi mọi thứ đã sắp xếp xong hết, cả đoàn đã lên đường ra sân bay để vào Biên Hòa thì tôi bị sốt. Tôi vẫn phải lên đường vì chuyến công tác thực địa không thể thiếu tôi, là một chủ nhiệm Dự án. Lúc đó, giấy phép ra vào khu sân bay quân sự đã xin, lịch làm việc đã được sắp xếp với sân bay, vé máy bay đã mua, v.v.. Đặc biệt, khi làm việc với sân bay quân sự còn liên quan đến lịch bay, các công tác khác của trung đoàn nên tôi không thể dừng lại. Vào đến Biên Hòa, công việc vẫn phải tiến hành theo lịch trình, ban ngày đi liên hệ công tác, ra khu thí nghiệm chỉ đạo việc thu mẫu đảm bảo đúng quy trình, tối về tôi bị sốt li bì và nằm bẹp. Phải nói thêm là, làm trong khu thí nghiệm bị nhiễm dioxin nồng độ cao, lúc nào cũng phải mặc bảo hộ kín mít như đi chống dịch, giữa trời nắng như đổ lửa. Trong lúc đau ốm là lúc con người yếu đuối nhất. Tôi đã rất buồn, khóc vì tủi thân, mệt mỏi và tự hỏi mình làm vậy có đúng không? Có đáng không? Có nên tiếp tục con đường này nữa không? Cuối cùng, vẫn là lựa chọn bước tiếp và tôi thấy mình đã đúng khi không bỏ cuộc”.

Kiên định với công việc mình theo đuổi nhưng trong ánh mắt của TS Hường cũng ánh lên những nỗi niềm mà không chỉ riêng chị, rất nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ đều mong mỏi, đó là việc có một hành lang, một cơ chế đủ thông thoáng nhưng cũng đủ chặt chẽ trong quản lý khoa học công nghệ để những người làm khoa học có thể tự do sáng tạo, đủ điều kiện tốt nhất để nghiên cứu cho ra những kết quả tốt. Các kết quả của các nghiên cứu đó được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, ứng dụng nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, của xã hội.  Riêng các nhà khoa học nữ như TS Ngô Thị Thúy Hường, các chị mong có được sự công bằng trong công việc, cơ hội nghề nghiệp và đánh giá của xã hội.

Thu Hằng

Nhà khoa học Việt nhận giải thưởng của 'Nhà vua Thái Lan'

Nhà khoa học Việt nhận giải thưởng của "Nhà vua Thái Lan"

Nhóm nghiên cứu của TS Ngô Thị Thúy Hường đoạt giải nghiên cứu xuất sắc ở hạng mục ứng dụng phi nông nghiệp.