PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh: “Các nghiên cứu của chúng tôi đều hướng đến lợi ích của người bệnh”

Dáng vẻ thanh thoát, giọng nói truyền cảm, chị truyền cảm hứng cho người nghe bằng sự nhiệt thành và những kiến thức trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe.

Tôi gặp PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh trong một hội thảo của các nhà khoa học nữ. Dáng vẻ thanh thoát, giọng nói truyền cảm, chị truyền cảm hứng cho người nghe bằng sự nhiệt thành và những kiến thức đúc kết từ thực tế liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe.

Mười phút tham luận quá ngắn so với khối lượng kiến thức chị muốn trình bày. Nên khi chị đề nghị “cho thêm 1 phút” để giới thiệu clip về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá, nhận định kết quả điện não đồ của người bệnh, mọi người lại muốn nghe nhiều hơn những điều chị muốn chia sẻ.

Sinh năm 1973, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Chương trình đào tạo và Tư vấn nhân lực y tế - Trường Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Trưởng Phòng NCKH-HTQT - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh có cả “núi đề tài” để thử thách năng lực và sự bền bỉ của mình.

Nhắc lại chuyện năn nỉ xin 1 phút để giới thiệu clip, chị cười hiền lành: “Hôm đó, tôi có 3 đặc sản muốn khoe với mọi người nhưng lại chỉ giới thiệu được 1 clip ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá, nhận định kết quả điện não đồ. Cái chưa giới thiệu được với mọi người là clip ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, nhận định kết quả mật độ xương và tự động hóa trong nhận định kết quả siêu âm Doppler xuyên sọ”.

PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh: “Các nghiên cứu của chúng tôi đều hướng đến lợi ích của người bệnh”
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh và nhóm nghiên cứu đạt Giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ về
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh và nhóm nghiên cứu đạt Giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ về "Ứng dụng CNTT trong việc nhận định tự động kết quả siêu âm Doppler xuyên sọ".

Theo PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh, siêu âm Doppler xuyên sọ là kỹ thuật không xâm lấn nhằm đánh giá lưu lượng máu và tốc độ dòng chảy các động mạnh não. Kỹ thuật này được sử dụng trong chẩn đoán một số rối loạn mạch máu não. Năm 2018 hệ thống trả lời tự động được nghiên cứu triển khai và được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền là một trong chuỗi các “giải pháp hữu ích” của Khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Sau khi nhập số liệu từ bản báo cáo của các máy đo chuyên dụng, hệ thống đã tự động xử lý và lập tức cho nhận xét kết luận về các kết quả ghi được có bình thường hay rối loạn bất thường. Toàn bộ quá trình nhập dữ liệu, sao lưu và tự động hiển thị vào bệnh án điện tử diễn ra tức thì và chỉ chưa đầy 1 phút thay vì trước đây nhập thủ công cần ít nhất 10 phút, đạt độ chính xác 100%. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động nhận định kết quả nhằm mục đích số hóa, quản lý dữ liệu, kết hợp với các kết quả cận lâm sàng khác tạo nên kho dữ liệu nghiên cứu để đáp ứng nhiệm vụ “chuyển đổi số”.

Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đọc kết quả mật độ xương, ngoài việc giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đây là công cụ tiềm năng loại trừ một cách tương đối các đối tượng không thật sự cần thiết đo mật độ xương. Với mô hình này, người bệnh không cần phải đến bênh viện, chỉ cần nhập hai yếu tố: tuổi, giới, chiều cao, cân nặng và ngay lập tức sẽ nhận được xác suất loãng xương có độ  chính xác lên đến gần 100%, kết quả nghiên cứu này cũng được chính thức đăng tải trên tạp chí Frontier in Public Health -một tạp chí ISI có uy tín và điều này đồng nghĩa với việc chính thức một công trình AI thực sự made in Vietnam đã được sánh vai với các công trình tương tự trên thế giới trong cuộc cách mạng 4.0 và nếu được chính thức đưa vào áp dụng sẽ là công cụ nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, hỗ trợ ra quyết định có hay không cần đo mật độ xương, giảm tải cho các bệnh viện, góp phần khắc phục những hạn chế các phương pháp đo mật độ xương truyền thống.

Những kết quả nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cho công tác khám chữa bệnh như thế nhưng nhóm nghiên cứu phải “len lén” làm. Lý do là các nghiên cứu này đem lại lợi ích cho người bệnh nhưng vô hình chung lại khiến các bệnh viện mất đi nguồn thu; hoặc những người thích lao động “chân-tay” mất cơ hội việc làm. Vì thế, nhiều người không thích, đặc biệt là với những ai muốn bệnh viện luôn đông đúc như một siêu thị để đạt mục đích kinh doanh. Nên nếu không “len lén” nghiên cứu sẽ bị cản trở ngay ở những khâu thủ tục hành chính. 

PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện.
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Trước đây, mỗi ngày Khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đón khoảng 150- 300 bệnh nhân, từ khi áp dụng việc nhận xét kết quả tự động, mỗi ngày có 300-600 kết quả được trả mà không cần tăng biên chế hay ảnh hưởng gì đến người bệnh. Quan trọng là tất cả những dữ liệu người bệnh đều đã được lưu trữ, chuẩn hóa để có thể sử dụng, phân tích và tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng cho người bệnh một cách bền vững, khoa học.

Để được chủ động nghiên cứu và có nguồn kinh phí thực hiện, PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh đã gắn các nghiên cứu này vào đề tài cấp quốc gia của mình. Đề tài “Nghiên cứu yếu tố nguy cơ, gánh nặng biến chứng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân phẫu thuật” do chị và nhóm nghiên cứu thực hiện sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng hiệu quả tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc trên cả ba lĩnh vực thực hành-nghiên cứu-đào tạo.

Các kết quả nghiên cứu cũng được sử dụng làm bằng chứng khoa học, thực tiễn đưa vào đổi mới nội dung, chương trình đào tạo hình thành năng lực “phát triển bản thân và tính chuyên nghiệp”- đây là điểm tự hào nhất bởi tính “unique” của 9 chương trình đào tạo đại học chính quy của Trường Đại học Y Hà Nội. Các sinh viên hệ bác sĩ y khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, khúc xạ nhãn khoa, dinh dưỡng, y tế công cộng năm cuối đều đã được trải nghiệm mà hiện tại nếu muốn phải đóng một số tiền ít nhất 10.000 USD mới được sang Harvard đào tạo như vậy. Số liệu, phương pháp và sự công nhận các kết quả nghiên cứu của đề tài ở cấp độ quốc tế, đa quốc gia cho thấy đây là một công trình đã đi đúng hướng và có sức lan tỏa, tác động lớn.

Điều đáng nói, các sản phẩm của đề tài mà PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh và nhóm nghiên cứu “len lén” làm cũng được đánh giá cao và giành các giải thưởng. Đó là Giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XVIII về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận định tự động kết quả siêu âm Doppler xuyên sọ”; Giải khuyến khích Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XIX về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận định tự động kết quả đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA”.

PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh.
PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh.

“Hiện tại, cứ 10.000 người dân mới có 7 bác sĩ. Nhưng thử hỏi, trong số 7 bác sĩ đó có được bao nhiêu người giỏi, tận tâm với người bệnh? Nếu không chịu áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hỗ trợ nhận xét, đánh giá kết quả xét nghiệm mà cứ muốn “đông đúc” để kinh doanh, coi ứng dụng khoa học là nguyên nhân “giảm nguồn thu của bệnh viện” thì đó là cách nghĩ vô cùng thiển cận. Tôi tự hào về những gì mình đã làm. Nhờ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học mà hiện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có kho dữ liệu lớn nhất cả nước. Các ứng dụng này cũng tiết kiệm hàng trăm ngàn giờ công, thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đó cũng là nguồn tài nguyên vô giá để tôi sử dụng giảng dạy cho sinh viên”- PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh tâm sự.

Tâm huyết, nhiệt thành và cởi mở không chút e ngại, nhà khoa học nữ chia sẻ câu chuyện đến khó tin. Đó là việc chị trả lại 5,6 tỷ khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu yếu tố nguy cơ, gánh nặng biến chứng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân phẫu thuật”. Đề tài này được Nhà nước đầu tư 7,9 tỷ nhưng chị chỉ dùng 2,3 tỷ. Trả lại 2/3 số tiền nhưng khối lượng và chất lượng đề tài thì vượt mức 200%. Nếu không phải chính PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh chia sẻ, có lẽ tôi cũng không tin đây là sự thật. Bởi, người ta vẫn nói, tiền nào của nấy. Trong nghiên cứu khoa học thì chỉ có việc xin thêm tiền chứ trả lại mà đạt chất lượng vượt định mức 200% thì rất hiếm.

Làm khoa học là hành trình vất vả, với các nhà khoa học nữ thì sự vất vả còn gấp nhiều lần nam giới vì họ còn phải chu toàn cả công việc gia đình của một người mẹ, người vợ. Nhưng dù vất vả thế nào, khó khăn ra sao vẫn không ngăn được nhiệt huyết của các nhà khoa học nữ đến với nghiên cứu khi họ đẫm mình trong thực tế, nhìn thấy những đòi hỏi của thực tế, tự tin mình có thể thay đổi thực tế đó. PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh và các đồng nghiệp của chị đã và đang khiến mọi người có cái nhìn khác, cái nhìn tin tưởng và ngưỡng mộ dành cho những nhà khoa học nữ hiện nay.

Chu Thu Hằng

PGS Vương Thị Ngọc Lan và hành trình hoàn thành ước mơ của bệnh nhân hiếm muộn

PGS Vương Thị Ngọc Lan và hành trình hoàn thành ước mơ của bệnh nhân hiếm muộn

PGS.TS. BS Vương Thị Ngọc Lan đã mang lại niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ cho hàng chục ngàn bệnh nhân hiếm muộn.