Nữ Phó Giáo sư đam mê chống dịch bệnh truyền nhiễm

PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng là một trong những nhà khoa học nữ xuất sắc tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Những công trình nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc khống chế các dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, Nữ Phó Giáo sư là một trong những người đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và hướng tới một tương lai bình đẳng trong thế giới hậu COVID.

PGS. TS. Khánh Hằng chia sẻ: Từ khi còn là sinh viên, chị đã bị cuốn hút bởi thế giới virus và ngạc nhiên vì những sinh vật nhỏ bé như vậy có thể trở thành mối nguy hại lớn cho con người. Ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật học, Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1998, chị được nhận vào Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (đứng) trong phòng thí nghiệm.
PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (đứng) trong phòng thí nghiệm.

Bước ngoặt cuộc đời chị đến vào cuối năm 2003, khi chị cùng đồng nghiệp phát hiện ra một trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1. Kể từ thời điểm đó, bà bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu về các loại virus cúm A lây từ gia cầm sang người. Năm 2005, PGS. TS. Khánh Hằng và đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tokyo, Nhật Bản phát hiện ra trường hợp bệnh nhân cúm A/H5N1 kháng thuốc Oseltamivir. Phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 10 cùng năm. Năm 2017, chị công bố công trình Epidemiology of Influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003 đăng trên tập san Journal of Infection. Cùng năm đó, chị xuất bản đề tài khoa học Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003–2010 dựa trên 7 năm nghiên cứu về sự tiến hóa, phả hệ và phân tử của virus cúm A/H5N1 và những đột biến của loại virus này ở người. Nghiên cứu được công bố trên tập san khoa học The Journal of Infectious Diseases của Mỹ. Năm 2018, chị được trao tặng danh hiệu Phó Giáo sư.

Năm 2019, PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu về những đóng góp trong lĩnh vực y sinh. Chị là nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt giải thưởng này và cũng là một trong 9 nhà khoa học nữ thuộc Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được trao bằng khen của Bộ Y tế và Giải thưởng Kovalevskaia vì thành tích phân lập thành công virus SARS-CoV 2.

Trong suốt hai thập kỷ qua, chị là thành viên của nhóm chuyên gia chính tại Việt Nam chuyên nghiên cứu những chủng loại virus dễ lây nhiễm. Chị nhận thấy rằng sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực virus học, dịch tễ học đã tăng lên kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Với SARS thời điểm đó và COVID-19 hiện nay, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của các mầm bệnh có thể lây lan nhanh chóng do những tiến bộ chưa từng có trong đi lại của loài người. Lĩnh vực của chị trở nên quan trọng hơn vì đã cung cấp bằng chứng khoa học quan trọng để định hướng các nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa về bệnh tật tại các quốc gia.

Trong đại dịch COVID-19, khối lượng công việc của chị và đồng nghiệp tăng đáng kể, nhưng chị hiểu rằng công việc của mình đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Kể từ khi trường hợp COVID-19 chính thức đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020, nữ nhà khoa học đã chạy đua với thời gian để tìm hiểu về một chủng “virus bí ẩn”. Đến tháng 02/2020, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phân lập thành công virus corona chủng mới. Nắm được cơ chế hoạt động của virus và các mối đe dọa tiềm ẩn là cơ sở vững chắc cho việc phát triển và đánh giá các bộ xét nghiệm chẩn đoán và vắc xin sau này.

Từ đó đến nay, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã cùng các đồng nghiệp tập trung nghiên cứu chuyên sâu về virus cúm và các virus nổi trội, là căn nguyên của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS-CoV, MERS-CoV, Ebola và các virus gây bệnh đường hô hấp khác (RSV, Adeno, hMPV…). PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã công bố 38 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và 31 bài báo trên các tạp chí quốc gia. Một số bài báo được đăng trên các tạp chí ISI uy tín như Nature (IF 31,43), Emerging Infectious Disease Journal (IF 6,75). Theranostics (IF 8,712 –SCI), The Journal of Infectious Diseases (IF 6,273), PlosONE…

PGS. TS. Khánh Hằng tâm niệm: Để thành công, bạn cần có mục đích rõ ràng và niềm đam mê mạnh mẽ thúc đẩy bạn tiến về phía trước, đặc biệt nếu bạn chọn xây dựng sự nghiệp trong những lĩnh vực ít được biết đến. Cho dù trong môi trường phòng thí nghiệm hay cuộc sống, chúng ta phải trải qua vô số thử nghiệm để đạt được kết quả mong muốn, chỉ cần bạn không bỏ cuộc. Chính vì vậy, chị hy vọng sẽ thấy nhiều tiến bộ hơn trong lĩnh vực Y tế dự phòng ở Việt Nam và mong muốn có nhiều nghiên cứu khoa học được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu đồng thời thực hiện các nghiên cứu quy mô khu vực và quốc tế. Chia sẻ kiến thức và hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để khống chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong một thế giới kết nối cao.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương

Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương

GS. TS Lê Toàn Thủy thực hiện 3 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân chủ động phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.