Trưởng thành từ cái nôi của “gia đình Thủy văn”, khi cha là một trong những nhà thủy văn đầu tiên của Việt Nam, GS. TS Huỳnh Thị Lan Hương rất đỗi tự hào khi lựa chọn nghề khí tượng thủy văn làm sự nghiệp.
Bởi chị biết, nếu so với những ngành nghề khác, công tác nghiên cứu khí tượng, thủy văn không phải là một ngành nghề mang lại cho mình nhiều của cải vật chất nhưng lại mang đến cho cuộc sống, cho xã hội những giá trị tốt đẹp, đó là bảo vệ tính mạng, tài sản con người trước sự khắc nghiệt của thiên tai.
GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương. |
Hiểu rõ ý nghĩ cao quý ấy, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, chị vững tin tiếp bước truyền thống gia đình, vào làm nghiên cứu viên tại Viện Khí tượng Thủy văn thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn (hiện là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường). Sau năm 2010, chị được điều chuyển đến công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Viện KTTVBĐKH, từ đó chị đã mở rộng thêm các hướng nghiên cứu, bao gồm: Thủy văn, tài nguyên nước, rủi ro thiên tai và Biến đổi khí hậu.
Ngay từ khi bắt đầu những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về khí tượng và khí hậu, chị đã luôn mơ ước mình có đủ kiến thức, tầm hiểu biết để có một công trình nghiên cứu có thể dự báo sớm, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra cho đồng bào, nhất là khu vực miền Trung Trung Bộ, dải đất thân thương hướng biển luôn hứng chịu nhiều loại thiên tai và vô cùng khắc nghiệt như gió lớn, bão lũ, nước biển dâng. Và cơ hội đến khi chị đề xuất và được nghiên cứu một công trình khoa học cấp Nhà nước mang tên “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ”
Đề tài được đánh giá là khá khó khăn bởi trước đó Việt Nam chưa có phương pháp quy chuẩn đánh giá rủi ro thiên tai để từ đó đưa ra công cụ hỗ trợ quyết định ứng phó. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, học hỏi các quy chuẩn mô hình trên thế giới kết hợp thực tiễn tại Việt Nam, đề tài đã được hoàn thiện, thành công và được Hội đồng khoa học Nhà nước đánh giá cao. Đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học về rủi ro thiên tai và rủi ro đa thiên tai; xác định được phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai (ví dụ: bão chồng bão kèm sóng lớn, nước biển dâng) trong trường hợp các hiểm họa xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp. Hơn nữa, đề tài còn đóng góp một cơ sở khoa học quan trọng trong phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo rủi ro đa thiên tai; Cung cấp cho các nhà quản lý thiên tai ở Trung ương và địa phương công cụ hỗ trợ trong công tác ứng phó với rủi ro đa thiên tai, góp phần vào việc quản lý rủi ro thiên tai, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đề tài đang được áp dụng khá hiệu quả cho việc cảnh báo sớm và đưa ra phương án ứng phó tại khu vực Trung Trung Bộ.
GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương trong Lễ trao quyết định công nhận Giáo sư. |
Những năm tháng mở rộng hướng nghiên cứu về biến đổi khí hậu, giải pháp và thích ứng, chị đã tìm ra “nguyên lý” của sự thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả. Đó là thực hiện đồng bộ các chính sách, chủ trương, chiến lược, giải pháp của Đảng, nhà nước, chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Đồng thời, những giải pháp, chính sách, chiến lược này phải được xây dựng từ cơ sở, từ nhân dân, từ những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, có như vậy, công cuộc chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu của chúng ta mới có hiệu quả rõ nét.
GS. TS Huỳnh Thị Lan Hương luôn tâm niệm, với nghề “đếm gió đo mây” thì việc “giữ lửa” và “truyền lửa” là rất quan trọng, giúp các thế hệ tương lai yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với công việc, phục vụ phát triển đất nước. Vì vậy khi là Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH, chị đã tham gia vào quá trình giảng dạy, xây dựng các đề tài nghiên cứu hướng dẫn, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đưa các nghiên cứu chuyên sâu về thủy văn, thủy lực, tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu trong các bài giảng, chuyên đề cho sinh viên, học viên cao học và các nghiên cứu sinh.
Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương
GS. TS Lê Toàn Thủy thực hiện 3 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân chủ động phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.