Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương

GS. TS Lê Toàn Thủy thực hiện 3 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân chủ động phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.

GS. TS Lê Toàn Thủy là một nhà khoa học Việt Nam tại Pháp, có khả năng theo dõi và quan sát bằng vệ tinh tình hình phát triển vùng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những dự án to lớn mà bà thực hiện đang giúp ích cho quê hương và khiến nhiều người ngưỡng mộ.

GS. TS Việt kiều Lê Toàn Thủy là chuyên gia nghiên cứu viễn thám radar cho các ứng dụng trên đất liền. Các dự án hiện tại của bà tập trung vào việc sử dụng dữ liệu quan sát Trái Đất bằng radar cho cây trồng nông nghiệp và đất rừng, vai trò của chúng trong việc giảm lượng carbon toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Là đồng Chủ tịch Nhóm Cố vấn Sứ mệnh BIOMASS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), bà cũng là đồng lãnh đạo Sáng kiến Lúa gạo châu Á và là thành viên của nhiều dự án nghiên cứu về quan sát Trái Đất như Sáng kiến Biến đổi khí hậu của ESA về sinh khối trên mặt đất; các dự án quan sát khí hậu từ không gian của CNES, JAXA Kyoto và Sáng kiến Carbon. GS. TS Lê Toàn Thủy là tác giả và đồng tác giả của nhiều ấn phẩm khoa học. Bà cũng tham gia công tác giảng dạy về viễn thám SAR tại các trường đại học và các viện nghiên cứu, đào tạo nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ ở một số trường tại Pháp, Mỹ, châu Âu và châu Á.

GS. TS Lê Toàn Thủy. Ảnh: TTXVN
GS. TS Lê Toàn Thủy. Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN tại Pháp, từ 5 năm nay, GS. TS Lê Toàn Thủy tiến hành cùng một lúc 3 dự án: dự án Georice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), dự án GEMMES Vietnam do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và dự án VietSCO được Trung tâm Vũ trụ Pháp (CNES) phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) triển khai. Cả 3 dự án này đều nhằm mục đích theo dõi và quan sát bằng vệ tinh tình trạng lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp các nhà quản lý và người nông dân chủ động trong dự báo và phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.

Dự án đầu tiên giúp triển khai bản đồ lúa với các dữ liệu thu thập hàng tuần từ vệ tinh để biết tình trạng tăng trưởng của cây lúa ở từng khu vực. Dự án thứ 2 là xem xét mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn hay hạn hán, lũ lụt đối với các vùng đất trồng và năng suất lúa. Dự án thứ 3 tham vọng hơn, đó là dựa trên cơ sở những dữ liệu hiện tại để xây dựng kịch bản mô phỏng tương lai về biến đổi khí hậu và tác động của con người, từ đó dự đoán những ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030, tầm nhìn 2050. Các dự án không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vì đây là vùng lúa trọng điểm của Việt Nam, hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của con người, khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về lý do bà lựa chọn và theo đuổi các dự án, GS. TS Lê Toàn Thủy cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trồng lúa trọng tâm của Việt Nam, nơi cần giám sát để có biện pháp phòng tránh thiệt hại mất mùa do tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đây là quê hương, nơi bà sinh ra và lớn lên. Mỗi lần nhìn thấy địa danh như Bạc Liêu hay Vĩnh Long trên bản đồ vệ tinh, với bà, đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt địa lý, mà còn gợi đến những câu chuyện ông bà kể lại. Bà sang Pháp du học khi còn rất trẻ, nhưng bà vẫn là người Việt Nam.

GS. TS Lê Toàn Thủy (giữa) và các học viên.
GS. TS Lê Toàn Thủy (giữa) và các học viên.

Để đi từ ý tưởng đến hiện thực, GS. TS Lê Toàn Thủy đã phải mất 10 năm. Năm 2013 bà cho ra đời dự án sơ khởi Planet Action với các mô phỏng chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Đến năm 2016, sau khi Pháp phóng vệ tinh radar theo dõi, dự án đầu tiên GeoRice được tiến hành trên thực địa và từ 2 năm trở lại đây, dự án tập trung vào nghiên cứu tình trạng lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ những nghiên cứu này, chất lượng vùng trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long được giám sát chặt chẽ, từ những biến đổi thổ nhưỡng do xâm nhập mặn, sụt lún đất đai, đến dự báo hạn hán, lũ lụt… Các thông tin thu thập được góp phần giúp người dân và các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách của các địa phương trong vùng có những giải pháp thích ứng phù hợp, bảo đảm việc canh tác lúa hiệu quả theo hướng bền vững. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án gặp không ít khó khăn, từ sự khác biệt về thủ tục hành chính giữa Pháp và Việt Nam, đến khoảng cách địa lý tạo nên những rào cản trong việc phối hợp giữa các bên tham gia công tác nghiên cứu. Dù vậy, do liên quan trực tiếp đến sinh kế của một khu vực rộng và có thể phát triển ở quy mô lớn hơn nên các dự án nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đối tác. 

Trong tương lai, GS Thủy hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự hợp tác với các nhà khoa học trong nước để giai đoạn tiếp theo của các dự án được thực hiện suôn sẻ, góp phần phát triển tốt các vùng trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Hiệu quả của các dự án có thể ứng dụng với các mô hình thâm canh khác như cà phê, ca cao, thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực ứng dụng quan trọng khác như giảm khí nhà kính, giám sát rừng, theo dõi xói mòn bờ biển, quản lý tình trạng khai thác cát ở các dòng sông… Bà cũng mong muốn thành quả mình làm được sẽ giúp ích cho quê hương Việt Nam, góp phần đào tạo thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam, tập hợp nhiều hơn các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam và Pháp trong khuôn khổ các hiệp định toàn cầu, phục vụ cộng đồng và vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ giáo sư người Việt chiến thắng giải thưởng liên ngành của Hiệp hội hoá học Hoàng gia Anh

Nữ giáo sư người Việt chiến thắng giải thưởng liên ngành của Hiệp hội hoá học Hoàng gia Anh

Giáo sư Thanh rất vui khi nghiên cứu của mình có thể mang lại những lợi ích trực tiếp trong kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân ung thư.