Được vinh danh là tác phẩm khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại, “Xứ Cát” đã quay trở lại sau mười một năm vắng bóng ở Việt Nam với một diện mạo hoàn toàn mới.
Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày kiệt tác khoa học viễn tưởng “Xứ Cát” ra đời, tầm vóc của tác phẩm không những không hề suy chuyển mà còn ngày một vĩ đại. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên năm 1965, đã giành được giải thưởng văn học danh giá Nebula (1965) và Hugo (1966), có mặt trong danh sách Big Read do độc giả BBC bầu chọn lẫn danh sách The Modern Library 100 Best Novels của độc giả Mỹ bầu chọn.
“Xứ Cát” được coi trọng đến mức khi nhắc đến kiệt tác này, người ta lại nhắc đến tên “Chúa tể của những chiếc nhẫn” và “Chiến tranh giữa các vì sao”. Cũng như những bộ tiểu thuyết giả tưởng vĩ đại nhất, “Xứ Cát” mang trong mình một vũ trụ rất phức tạp, trong đó từng khái niệm đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đây là một thiên sử thi vĩ đại và hùng tráng về những mưu mô chính trị hòng tranh giành quyền lực vũ trụ, về mối quan hệ giữa con người và sinh thái và sự ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo tới tín ngưỡng của nhân loại.
Lấy bối cảnh tương lai nhân loại sau hai mươi nghìn năm nữa, nơi loài người đã rải ra sinh sống trên nhiều hành tinh khác nhau, chia làm nhiều gia tộc và có nhà nước cũng như thể chế của riêng mình, cuốn sách tập trung vào cuộc chiến giành quyền lực của Gia tộc Arrakis, giữa những mưu mô hiểm ác của gia tộc Harkonnen và Hoàng đế Padishah.
Chi phối cuộc chiến quyền lực này chính là “Hương dược” - một loại chất gây nghiện có khả năng kéo dài tuổi thọ và mang đến cho người dùng những khả năng vượt xa giới hạn của một người bình thường (như khả năng thấu thị, viễn kiến,…). Thế lực nào nắm được quyền kiểm soát và khai thác thứ biệt dược này chính là thế lực mà kể cả Hoàng đế cũng phải dè chừng. Một vũ trụ được Frank Herbert cất công xây dựng thật quy mô và phức tạp, cũng thật xa xôi và lạ lùng; để rồi qua từng lần lật giở giữa những trang sách, độc giả sẽ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Cuối cùng người ta không khỏi thốt lên cảm thán trước tính thời sự của vũ trụ “Xứ Cát”. Đó là những biến động nóng hổi hiện nay như hiện tượng ấm lên toàn cầu, tình trạng khan hiếm nước ở nhiều vùng lãnh thổ hay biến động chính trị liên miên ở các vùng Trung Đông giàu có về dầu mỏ, tất cả dường như đều có gì đó quen thuộc với Arrakis khô cằn đầy những sa mạc cát chảy.
Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết tranh quyền đoạt vị đơn thuần, “Xứ Cát” bước lên một tầm cao mới bằng việc trở thành một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên đề cập đến yếu tố tôn giáo.
Frank Herbert có một tầm nhìn khác biệt về tương lai của nhân loại. Không có trí tuệ nhân tạo, không máy móc hiện đại, không công nghệ tân tiến - đó là tương lai sau hai mươi nghìn năm nữa. Trong tương lai, con người tiếp tục sử dụng trí tuệ nhân tạo, rồi dần phụ thuộc vào chúng, để rồi tới một ngày robot muốn lật đổ sự kiểm soát của loài người, xảy ra một sự kiện mà vũ trụ Xứ Cát gọi là “Cuộc Nổi dậy Lớn”. Sau sự kiện này, loài người loại bỏ và cấm sản xuất trí tuệ nhân tạo và tập trung phát triển trí tuệ của con người.
Từ đó, yếu tố tôn giáo xuất hiện với đại diện là những người rèn luyện để đạt đến những khả năng cao siêu của trí tuệ loài người - Bene Gesserit. Đây cũng là những người có thế lực, thường xuyên lợi dụng tôn giáo để bảo vệ các thành viên của họ và chi phối các hoạt động của các phe phái, họ lợi dụng niềm tin tôn giáo để truyền bá những truyền thuyết và lời tiên tri đến các thế giới, giành được sự tôn trọng của cư dân bản địa.
Yếu tố sinh thái trong “Xứ Cát” cũng được Frank Herbert đầu tư và xây dựng rất công phu. Ý tưởng đầu tiên cho bộ tiểu thuyết này xuất phát từ một bài báo ông viết nói về những cồn cát ở Oregon Dunes gần Florence, bang Oregon.
Đọc “Xứ Cát” độc giả có thể dễ dàng mường tượng ra khung cảnh hùng vĩ của Arrakis khô cằn, nơi con người phải chế tạo ra những bộ sa phục, tái chế hơi ẩm từ chính cơ thể mình để một ngày không mất quá một ngụm nước nhỏ. Nước cũng là thứ quý giá hơn vàng ở Xứ Cát, mở ra một viễn cảnh khắc nghiệt nơi con người chịu đựng và sống chung với cảnh thiếu thốn thứ vốn chiếm tới 60% trọng lượng cơ thể của mình.
Tuy nhiên, không dừng lại ở việc đề cập, “Xứ Cát” mang một tham vọng lớn hơn: can thiệp nhân tạo lên hệ sinh thái Xứ Cát hòng biến nơi sa mạc cằn cỗi trở thành một nền sinh thái xanh. Frank Herbert dành cả một phụ lục để nói về hệ sinh thái Xứ Cát, đặt ra câu hỏi có nên hay chăng, con người can thiệp lên một hệ sinh thái hòng biến đổi nó theo ý muốn của mình. Giống như “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của Tolkien, “Xứ Cát” giới thiệu cho độc giả một thế giới khép kín, hoàn chỉnh với các chủng tộc, tôn giáo và chính trị, địa lý riêng. Thêm vào đó, tác giả còn bổ sung cho câu chuyện những nhân vật và tình tiết hấp dẫn, phức tạp và sống động cùng thông điệp về sinh thái tiềm ẩn. “Xứ Cát” có thể được coi là một câu chuyện ngụ ngôn về thế giới hiện đại của chúng ta, không những mang tính ẩn dụ mà còn có giá trị dự báo.
Patrick Herbert là nhà văn khoa học giả tưởng lừng danh người Mỹ, vừa được giới phê bình ca ngợi vừa rất thành công về mặt doanh thu. Ông bắt đầu làm báo từ năm 19 tuổi và theo đổi công việc này gần trọn cuộc đời. Ngoài làm báo, chụp ảnh, phát thanh viên, Herbert còn làm cả những nghề như thợ lặn bắt hàu, chuyên viên hướng dẫn kỹ năng sống sót trong rừng rậm, những nghề không mấy liên quan đến văn chương.
Ông bắt đầu nghiên cứu để viết “Xứ Cát” năm 1959 và dành mười năm sau đó để nghiên cứu và hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Mặc dù giành được hai giải thưởng khoa học viễn tưởng danh giá nhất là Nebula và Hugo, “Xứ Cát” không phải một sớm một chiều mà có được thành công về thương mại. “Xứ Cát” sau đó bị gần hai mươi nhà xuất bản từ chối trước khi cuối cùng có một nhà xuất bản nhỏ “liều” chấp nhận.
Frank Herbert dùng tiểu thuyết khoa học giả tưởng để khai phá những ý tưởng phức tạp của mình xoay quanh triết học, tôn giáo, tâm lý học, chính trị và sinh thái học. Nỗi thôi thúc sâu xa trong tác phẩm của Herbert chính là mối quan tâm đối với vấn đề sự sống còn và tiến hoá của con người.
Hai tác phẩm của người Việt trẻ xa xứ
Nếu như Bốn mùa hoang vu xứ kiwi của Trần Băng Khuê vẽ lên cảnh sắc thì 3,1 kg hạnh phúc của Mai Thanh Nga lại diễn tiến câu chuyện.