Ra mắt tiểu thuyết "Hừng đông" của Nguyễn Thế Kỷ

Buổi giới thiệu sách có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, đại diện gia đình ông Phan Đăng Lưu.

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng ngày 30 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty Văn hóa & Truyền thông Liên Việt tổ chức buổi giới thiệu, ra mắt cuốn sách Hừng đông, tiểu thuyết của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ.

Hừng đông là cuốn tiểu thuyết tư liệu về Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 28/8/1941) - nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là xã Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về chữ Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học...

Cuốn sách “Hừng Đông“. Ảnh: Hải Minh
Cuốn sách “Hừng Đông“. Ảnh: Hải Minh

Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Bằng tiểu thuyết Hừng đông, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh nông của Pháp; quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia Hội Phục Việt, sau chuyển thành Hội Hưng Nam rồi Đảng Tân Việt và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này.

Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Công sản Đông Dương, được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1940). Đó là những năm tháng ông hoạt động tại Huế sau 7 năm bị đế quốc giam cầm trong nhà lao Vinh và nhà lao Buôn Mê Thuột.

Ông trở thành linh hồn, góp phần có tính quyết định cùng bộ chỉ huy cao nhất của Đảng ở Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở đây giành được nhiều thắng lợi vang dội, xuất sắc những năm 1936 - 1939. Ở Huế, Phan Đăng Lưu được Xứ ủy phân công lãnh đạo trực tiếp bộ phận chỉ đạo tổ chức đấu tranh công khai, hợp pháp của Đảng, nghĩa là ở mặt trận hàng đầu của phong trào đấu tranh cách mạng mới đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Với những ưu thế về vốn chữ Nho và chữ Pháp; kiến thức sâu sắc về văn hóa, văn nghệ, báo chí; tầm nhìn, kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động và tổ chức quần chúng.

Với đức tính giản dị, cần kiệm, hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng chí và đồng bào..., Phan Đăng Lưu đã góp phần chủ yếu cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, giành được những thắng lợi to lớn, làm rúng động Kinh thành Huế và cả thủ đô nước Pháp.

Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Mở đầu là thắng lợi to lớn của phong trào Đông Dương Đại hội (cuối năm 1936) được phát triển thành cao trào đấu tranh trong những ngày tổ chức đón tiếp Gô-đa (đầu năm 1937), đỉnh cao là phong trào đấu tranh, biến Viện Dân biểu Trung Kỳ thành diễn đàn đấu tranh công khai, hợp pháp của Đảng (cuối năm 1937). Trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, đây là lần đầu tiên, trên diễn đàn đấu tranh công khai, hàng vạn người thuộc đủ các tầng lớp xã hội đã sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành thắng lợi rực rỡ, buộc chính quyền thực dân và bè lũ phong kiến tay sai phải nhượng bộ, mở đầu cho những thắng lợi to lớn hơn sau đó.

Tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (3-1937), Phan Đăng Lưu đã được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Ở cương vị lãnh đạo mới, tài năng và đức độ của ông thêm nở rộ, góp phần lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh ở Trung Kỳ, trong đó có Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông và các đồng chí của mình đã sử dụng linh hoạt cuộc đấu tranh “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp tài tình diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và văn học nghệ thuật, sáng lập và điều hành (phía sau) các báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn... Nhờ đó, tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ trong Viện Dân biểu Trung Kỳ từ Viện trưởng, Phó Viện trưởng đến phần lớn các Ủy viên Ban Thường trực.

Đánh giá về thắng lợi này, văn kiện Đảng ta ghi rõ: "... 18 căng-đi-đa ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta". Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta dưới thời thống trị của thực dân Pháp.

Tháng 9-1937, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đảng, Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Trên cương vị mới, ông tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp nhịp nhàng với các cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi của quần chúng. Cuối năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và bọn tay sai tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân, đàn áp cách mạng nước ta. "Chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới".

Phan Đăng Lưu được Trung ương triệu tập vào Nam Kỳ hoạt động. Ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu, góp phần tích cực vào việc vạch đường lối, sách lược, chuyển hướng chỉ đạo cách mạng của Đảng. Ông được "Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ". Cùng Xứ ủy Nam Kỳ, ông đã góp phần to lớn và tích cực đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới, đánh dấu bước phát triển toàn diện về tài năng và sức sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Phan Đăng Lưu.

Có thời điểm, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hầu hết các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch bắt, tra tấn, tù đày (1940), chỉ còn duy nhất Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ. Lúc đó, khí thế cách mạng của quần chúng ở Nam Kỳ sục sôi cộng với quyết tâm khởi nghĩa của một số đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, bằng lý luận và thực tiễn đấu trang cách mạng dạn dày, kiên định, sáng suốt, Phan Đăng Lưu nhận thấy thời cơ, lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền chưa chín muồi.

Từ Nam Kỳ, ông ra Bắc để "xin sự chỉ đạo của Trung ương", nhưng kỳ thực là để triệu tập Hội nghị tái lập Ban chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy), để thảo luận và quyết định bốn vấn đề quan trọng và cấp thiết: (1) Tái lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trên cơ sở tổ chức và nhân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ; (2) Bầu đồng chí Quyền Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang bị địch giam cầm; (3) Xin ý kiến của Trung ương về việc tiến hành hay trì hoãn khởi nghĩa ở Nam Kỳ; (4) Bàn việc chuyển cơ quan đầu não bí mật của Đảng từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ.

Hội nghị phân tích tình hình trong nước và thế giới; xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc đó là chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, thực hiện dân sinh, dân chủ. Tại Hội nghị, có ý kiến đề cử Phan Đăng Lưu làm Tổng Bí thư của Đảng vì ông là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng duy nhất còn ở ngoài nhà tù. Bằng sự khiêm nhường, bản lĩnh, sáng suốt, ông phân tích tình hình, đề xuất đường hướng, giải pháp để đưa Đảng và phong trào cách mạng thoát ra khỏi khó khăn, thử thách.

Ông đã đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Ông nói rõ một điều sâu sắc mà xúc động: Ông phải vào ngay Nam Kỳ, đồng chí, đồng bào trong đó đang trông chờ từng ngày, từng phút sự chỉ đạo của Đảng, của ông vì ông nắm chắc tình hình, quen thuộc đồng chí, đồng bào trong đó; mặt khác, khi ông trở lại Nam Kỳ, rất có thể, kẻ thù sẽ bắt được ông, sẽ tử hình ông. Đừng để Trung ương lại phải một lần nữa bầu một Quyền Tổng Bí thư khác. Và thực tiễn cách mạng đã diễn ra như ông phân tích, dự báo. Ngay sau Hội nghị Trung ương 7, với trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu tức tốc trở lại miền Nam, khi ông vừa kịp về đến Sài Gòn-Chợ Lớn thì khởi nghĩa Nam Kỳ đã bùng nổ đêm 22 rạng ngày 23/11/1940.

Khí thế cách mạng ngút trời, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do; tuy nhiên, kẻ thù hung bạo đã dìm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trong biển máu. Như một tất yếu đớn đau, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng chí khác bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của đất nước. Phan Đăng Lưu - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thán vì nghĩa lớn; ông còn nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta.

Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông và các đồng chí, đồng bào yêu nước, cách mạng đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, hy sinh, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu và những người cộng sản kiên trung, bất khuất, dũng cảm, tài trí mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là một tác giả có hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ở nhiều loại hình. Liên tục từ năm 2013 đến nay, ông đã xuất bản hai tập sách lý luận về văn hóa, văn nghệ; hai tập thơ, trong đó có một tập thơ cho thiếu nhi; bảy kịch bản sân khấu đã được dàn dựng, biểu diễn, gồm Cải lương, Chèo, Kịch nói, Dân ca Nghệ Tĩnh.

Đầu năm 2016, kịch bản sân khấu Hừng Đông của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam (Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng, phát sóng, là công trình nghệ thuật ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. “Hừng Đông” là tiểu thuyết thứ 2 trong vòng hai năm trở lại đây của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Trước đó, năm 2019, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã cho xuất bản tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai (cũng chuyển thể từ một kịch bản sân khấu do ông là tác giả, viết năm 2013) và nhận được rất nhiều sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc.

Buổi ra mắt giới thiệu sách có sự tham dự và tọa đàm của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, đại diện gia đình Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, tác giả Nguyễn Thế Kỷ và phóng viên một số cơ quan báo chí. 

Thanh Mai

Lịch cắt điện Hà Nội từ ngày từ 28/12/2020 đến 2/1/2021

Lịch cắt điện Hà Nội từ ngày từ 28/12/2020 đến 2/1/2021

Thông báo lịch cắt điện từ ngày 28/12/2020 đến 2/12/2021 của công ty điện lực Hà Nội, nhằm phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp lưới điện trên địa bàn.