Xuất hiện 1 bảng chi phí học hành khiến người lạc quan nhất cũng toát mồ hôi: Liều vậy sao mà "trụ" nổi?

Đây là bảng chi tiêu mất cân bằng trầm trọng.

Hiện nay đối với những người làm công ăn lương, việc sinh con đã trở thành một thách thức đáng kể. Ngoài tiền chi tiêu, ăn uống, thì khoản học hành là đau đầu nhất. Bao nhiêu topic than thở trên các diễn đàn của nhiều phụ huynh đều nhận được sự đồng cảm sâu sắc. Nhiều người cho biết họ đã vun vén hết mức chỉ để con được học hành bằng bạn bằng bè. Thậm chí cả gia đình phải "ăn mắm ăn muối" miễn con được đầu tư tốt nhất.

Mới đây, một bảng chi phí của hai vợ chồng công nhân ở một khu công nghiệp Hải Phòng gây chú ý. Theo người mẹ này, chị có hai con, một bé 5 tuổi và một bé đang học lớp 9. Thu nhập rất bấp bênh, 1 tháng chỉ tầm 18 triệu, cứ cố gắng mà vẫn thiếu trước hụt sau, dù nhà ở chung với ông bà nội, ăn uống ông bà lo.

Đáng nói, trong bảng liệt kê của phụ huynh này, tiền học của hai con chiếm gần hết thu nhập của bố mẹ. Tổng chi cho 2 con là 16,2 triệu 1 tháng. Chị cũng nhận ra đây là khoản chi khủng, nhưng không biết nên cắt giảm mục nào đi vì tất cả đều là tương lai của các con. 

Tiền học của bé lớn: Con học chậm nên chị thuê gia sư tại nhà dạy 3 môn chính, mỗi môn tuần 2 buổi, 250 ngàn đồng/ buổi: 250x6= 1,5 triệu/ tuần x 4 tuần = 6 triệu. Học cố định ở trường 1,2 triệu là 7,2 triệu.

Một ngày cho con 50 nghìn để ăn sáng và ăn lót dạ cho ca tối là: 1,5 triệu. Tổng chi: 8,7 triệu, chưa tiền tính ăn uống giữa các buổi, đưa đi đón về...

Tiền học bé nhỏ: Con học mầm non tư hết 4,5 triệu/tháng. Con học trường theo phương pháp montessori nên chi phí hơi cao, vì con chậm nói nên chị cố cho con đi học trường này, thay vì học trường thường và tốn tiền cho con đi học can thiệp.

Quần áo, sữa bánh, đồ ăn hoa quả của 2 con 1 tháng khoảng 2 triệu.

Khóa học bơi cho 2 con và khóa học cờ vua: 1 triệu/ tháng.

Xuất hiện 1 bảng chi phí học hành khiến người lạc quan nhất cũng toát mồ hôi: Liều vậy sao mà

Đầu tư cho con không sai nhưng phải lượng sức

Bảng chi phí của chị khiến người lạc quan nhất cũng toát mồ hôi. Theo nhiều phụ huynh, chi 90% thu nhập cho con là quá cao. Khoản nào cũng phải vén, từ tiền học của con đến tiền ăn tiêu, mỗi tháng phải để ra được 6 - 7 triệu đề phòng bất trắc rủi ro, bởi con lớn cần chi tiêu nhiều hơn lúc đấy khoản tiết kiệm sẽ càng ít lại. 

Biết là đầu tư cho con nhưng cần phải phù hợp. Với thu nhập không quá cao, bố mẹ có thể tham khảo các thầy cô dạy giỏi để cho con đi học theo lớp thay vì tốn quá nhiều tiền cho gia sư.

"Về bé lớn, chị có thể thuê trực tiếp thầy cô dạy trên trường cho bạn ý. Để giảm chi phí có thể ghép 2 - 3 bạn 1 lớp em thấy không vấn đề gì đâu. Còn tiền ăn sáng và ăn lót dạ chị xem có nấu ở nhà được không. Ví dụ sáng nấu mì, rang cơm, chiều về cho bé lót dạ trứng luộc. Bé nhà em vẫn áp dụng như thế đấy.

Về bé nhỏ thì em không ý kiến vì hệ montessori cũng khá cao so với lớp thường với lại bé bị chậm nói nên em nghĩ khoản này không nên vén lại nữa. Chị xem có phải bé hay xem tivi và điện thoại không? Nếu đúng thì phải cắt luôn vì em có đứa em cũng xem nhiều giờ chậm nói, tháng 9 này vào lớp 1 mà giờ vẫn bập bẹ không nói rõ.

Còn em có lời khuyên nếu như chị vẫn muốn thuê gia sư thì tìm các bạn sinh viên. Các bạn lấy phí sẽ rẻ hơn chỉ bằng một nửa, có thể đăng trên hội nhóm sinh viên của trường để tìm.

Bé 5 tuổi thì cũng còn vài tháng để vào lớp 1 rồi, cho đi học công và kết hợp học can thiệp. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của cha mẹ. Cái chính cha mẹ phải hiểu và đồng hành cùng con, nói chuyện với con nhiều và sửa luôn cho con khi con nói ngọng", một phụ huynh góp ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một ông bố nhận định, đầu tư cho con là đúng, nhưng cần có giới hạn, phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Thay vì phó thác hết cho người khác mà làm cạn kiệt tài nguyên cũng như kinh tế của mình, thì cha mẹ có thể tự nghiên cứu thêm để tự thực hiện và tìm thêm giải pháp khác ít tốn kém hơn. 

Có nhiều cách để con học tốt hơn mà không phải đi học thêm những nơi đắt tiền. Cần cân đối khoản đầu tư và khoản chi cho con cái. Đừng bao giờ chi hết cho con cái và không để dành tiền để đầu tư như vậy lúc nào cũng túng quẫn, tài chính bấp bênh.

Chua kể, con cái lớn lên, đã lập gia đình thì phải tự lo cho gia đình, đằng này lại phiền ông bà nuôi cả. Nếu cứ phụ thuộc như vậy, có thấy mình ích kỷ quá không?

"Tôi thấy nhiều bố mẹ chi hết 50-70% lương cho nhu cầu học hành của con cái. Theo tôi thấy thì quá rủi ro và lãng phí. Có nhiều cách để con bạn học tốt hơn mà không phải đi học thêm những nơi đắt tiền. Và nếu bạn muốn con giỏi tiếng Anh thì bạn nên chịu khó học tiếng Anh rồi giao tiếp với bé hàng ngày kết hợp học thêm một cách chọn lọc, hơn là đăng ký cho bé học hết lớp này đến lớp khác.

Bạn cũng nên cho các bé khám phá sở trường của mình giúp cuộc sống của bé thú vị hấp dẫn hơn. Cân đối khoản đầu tư và khoản chi cho con cái. Đừng bao giờ chi hết cho con cái và không để dành tiền để đầu tư như vậy lúc nào cũng túng quẫn, tài chính bấp bênh", một chuyên gia nhận định.

Hiểu Đan

Dấu ấn của Phụ nữ trong khoa học tại Ngày hội Cựu sinh viên Pháp

Dấu ấn của Phụ nữ trong khoa học tại Ngày hội Cựu sinh viên Pháp

Sự kiện năm nay tập trung vào chủ đề “Phụ nữ trong khoa học: Đối mặt với các thách thức toàn cầu”.