Yêu rồi sẽ biết bảo vệ

Những tuyên truyền mang nặng giáo điều sẽ đọng lại trong tâm trí của người dân bao nhiêu phần nếu không làm người ta biết yêu lấy nơi mình sống, yêu lấy từng tấc đất, yêu lấy cái cây, con đường, yêu lấy từng sinh vật sống xung quanh?

 - “Bé, vứt rác bừa bãi là Erth bẩn đấy! Phải bỏ rác vào thùng chứ!

- Mẹ ơi, mẹ, em bé vứt rác bừa bãi ra nhà mẹ ạ! Em bé chưa ngoan mẹ nhỉ?

Nó mang câu đó đi khắp nơi, không ai chỉ, cũng chẳng ai dạy nó nói thế.

Nó thích xem video về các hành tinh, và sau một lần xem xong thì “Erth (Trái Đất) bị bẩn” dường như trở thành nỗi ám ảnh với nó: “Erth bẩn, Erth sẽ khóc hu hu, rồi Erth bị thương, phải dán băng dính và các con vật sẽ chết đấy mẹ ạ!”. Nó nói với giọng vô cùng nghiêm trọng và đầy xót xa.

Nó là Khang – 4 tuổi, có niềm yêu thích đặc biệt với các hành tinh, nó thể hiện niềm yêu thích ấy rất rõ rệt. Nó hát, nó vẽ, nó nặn hình các hành tinh với đủ các kích cỡ và màu sắc, nó ngọng ngịu giới thiệu từng đặc điểm nhận diện mỗi hành tinh cho mẹ và em: Venus thì có màu vàng, Mars thì màu đỏ, Erth màu xanh nước biển và màu trắng, Jupiter rất to và Saturn thì có “Rings”…

Nó yêu “planet” và nó yêu “Erth” vì “Erth có nhà, có cây, có biển, có cô, có các bạn, có mọi người mẹ ạ”.  Nó yêu “Erth” bằng tình yêu rất đỗi thuần khiết, nên khi nhìn thấy bất cứ ai có hành động làm tổn thương tới “Erth” là nó sẽ cảnh cáo ngay tắp lự. Chẳng là lần ấy về quê, nó đang chơi trên sân với các anh, chị thì nhìn thấy bà nội đem đổ hết rác xuống con sông chảy qua cạnh nhà. Nó lon ton chạy ra nhắc: “Bà ơi bà, vứt rác bừa bãi là Erth bẩn đấy! Bà phải đổ rác vào thùng chứ?”. Bà nội ngẩn ra một lúc, bà có biết câu tiếng Anh nào đâu mà hiểu thằng cháu 4 tuổi nó nói “Erth” là cái khỉ gì? Nhưng rồi như lờ mờ đoán được ý cháu, bà vớt vát: “Nhà bà không có thùng rác, bà đổ ít í mà!”. Nó kiên quyết: “Không, bà phải mua thùng rác chứ! Con thấy bà đổ nhiều mà, sông bẩn hết rồi!”.

Bức tranh
Bức tranh "Trái đất khóc" của học sinh Khánh Huyền (trường Marie Curie, Hà Nội) . Nguồn: laodongthudo.vn

Nó nói cũng chẳng sai, dòng sông chảy qua cạnh nhà chồng tôi cũng giống sông Tô Lịch, Kim Ngưu, hay kênh thoát nước ở sân bay Tân Sơn Nhất… ở điểm là đều đang ngập ngụa trong rác. Bao nhiêu nhà ven sông là bấy nhiêu nhà kè sông, đổ chạc, lấn sông thành đất làm nhà. Bao nhiêu nhà ven sông là bấy nhiêu nhà có đường ống xả thẳng nước thải sinh hoạt ra sông. Đấy là chưa kể những xưởng làm hương, xưởng giấy, xưởng đồng trong làng, trong huyện cũng lắp những ống to, ống bé, xả biết bao hóa chất xuống sông. Bởi vậy, dòng sông từng gắn liền với tuổi thơ ấu của chồng tôi với những hôm mò cua, bắt cá, những trưa hè nóng nực nhảy cầu, tắm sông… giờ đây đã nhỏ hơn xưa, lại còn phải oằn mình trước hàng nghìn, hàng tấn rác. Nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Biết bao đợt nạo vét, vớt rác làm sạch sông được chính quyền xã phát động thực hiện, mặt sông đỡ rác được vài hôm rồi đâu lại vào đấy, thậm chí rác càng ngày càng đầy hơn trước.

Nhiều người, nghe thằng bé nhắc nhở xong cười ngượng, xoa đầu khen nó ngoan, nhưng rồi họ chẳng để tâm. Đến hôm sau thôi lại thấy người ta “tiện tay” vứt vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo ra đường; cũng “tiện mồm” mà nhổ “toẹt” bã kẹo cao su ra ghế đá,... Thậm chí, tại những nơi có thùng rác để sẵn họ cũng chả cần quan tâm, tiện tay vứt rác ngay tại gốc cây, gầm ghế... Sau đêm Nguyên tiêu, rác thải ngập tràn trên sông Hoài, nơi mà mới tối hôm trước người ta gọi đó là “dòng sông ước nguyện” với hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng được người người đua nhau thả xuống. Sau một lễ hội, mà các cô lao công chưa kịp quét dọn thì rác cứ gọi là bay tứ tung khắp nơi,… Điều đáng nói ở đây là những hành động làm “Erth bị bẩn” ấy lại đang diễn ra ở tất cả các lứa tuổi, thậm chí của cả những người là trí thức, học sinh, sinh viên những người được học và nhận thức rất rõ tác hại của ô nhiễm môi trường. Không thể nói là do nhận thức kém mà họ thiếu hẳn ý thức và vô trách nhiệm đối với những người xung quanh, với môi trường, với xã hội, với cộng đồng.

Dạy và khơi dậy tình yêu của trẻ với môi trường từ những việc nhỏ như bỏ rác vào thùng, phân loại rác... Nguồn: giaoducthoidai.vn
Dạy và khơi dậy tình yêu của trẻ với môi trường từ những việc nhỏ như bỏ rác vào thùng, phân loại rác... Nguồn: giaoducthoidai.vn

Khang 4 tuổi, với nhận thức non nớt của một đứa trẻ làm sao biết khái niệm bảo vệ môi trường là gì, và chắc chắn nó cũng chưa từng được tập huấn qua chương trình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân của bất kỳ khu phố, làng xóm nào cả. Tất cả những điều nó nói và hành động là vì “YÊU”. Thứ tình yêu thuần khiết của nó khác hoàn toàn những toan tính tủn mủn, tùy tiện của bao người lớn. Khi nó yêu “Erth” là nó yêu tất cả, yêu từ nhà ra phố, yêu từ con đường tới sông nước, có bao nhiêu, yêu hết… chứ không “nhà mình, mình sạch”, phố bẩn mặc phố, sông bẩn mặc sông,... Và nó thể hiện tình yêu dễ thương ấy bằng lời nói và hành động, ra sức bảo vệ thứ mà nó yêu quý.

Chợt nghĩ, những tuyên truyền mang nặng giáo điều sẽ đọng lại trong tâm trí của người dân bao nhiêu phần nếu không làm người ta biết yêu lấy nơi mình sống, yêu lấy từng tấc đất, yêu lấy cái cây, con đường, yêu lấy từng sinh vật sống xung quanh?

Diệu Thuần

Ăn côn trùng để bảo vệ môi trường

Ăn côn trùng để bảo vệ môi trường

Có khoảng 2 tỷ người trên thế giới ăn côn trùng mỗi ngày.