365 cách tưới cây

Sự kiên trì vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ, bởi nếu không thì chính chúng ta sẽ thấy mình ngày càng xa lạ với con mình.

Tối nay con đi ăn tiệm bố ạ - con tôi nói, sau khi uể oải gảy gảy đồ ăn trên mâm cơm rất ngon mà bà nội đã lui cui chuẩn bị cả buổi sáng. Tôi nhìn con, biết rằng có ép nó cũng sẽ không ăn nữa, bèn cho phép cu cậu lên phòng. Con ông tuần phải đi ăn tiệm ít nhất một lần, mẹ nó từng nói thế, và tôi không biết phải hiểu đó là kể tội hay tự hào. Chúng tôi đã chia tay khá lâu, và những câu chuyện về con nghe từ miệng nhau, không chỉ là thông tin đơn thuần, nhiều khi đó là thông điệp.

Nếu đàn ông được gọi là những đứa trẻ không bao giờ lớn, có cách giáo dục con theo kiểu bạn bè và nhiều khi là hồn nhiên hoang dã. Thì phụ nữ, với tất cả mâu thuẫn của mình, thực sự rất khó định hình một phương pháp giáo dục nào (ở đây tôi nhận định trên bình diện đa số, chứ những bà mẹ như Amy Chua - tác giả cuốn “Chiến ca của mẹ hổ” - thì lại đặc biệt quá). Những đứa trẻ thành thị, được nuôi dạy trong môi trường đầy đủ về vật chất, thường lại đối mặt với sự (đôi khi khá là) mâu thuẫn về quan điểm giáo dục của người lớn. À, nhiều khi đó chỉ đơn giản vì người lớn đã xem internet quá nhiều.

Đàn ông được gọi là những đứa trẻ không bao giờ lớn, có cách giáo dục con theo kiểu bạn bè và nhiều khi là hồn nhiên (Ảnh minh họa: iStock).
Đàn ông được gọi là những đứa trẻ không bao giờ lớn, có cách giáo dục con theo kiểu bạn bè và nhiều khi là hồn nhiên (Ảnh minh họa: iStock).

Đôi lần trong tháng, tôi vẫn lượn qua hiệu sách xem có quyển gì đang được chú ý. Trong top đầu bán chạy, sẽ luôn có một hay một vài cuốn về nuôi dạy trẻ. Đó có thể là phương pháp dinh dưỡng, có thể là phương pháp rèn giũa tính tự lập, cũng có thể là một câu chuyện mang tính tự sự của một bà mẹ nào đó nổi tiếng. Tức là, hầu hết sách vở về nuôi dạy trẻ hiện nay đều do các mẹ viết ra. Đàn ông gọi chung đó là "chuyện mẹ bỉm sữa", nghe có vẻ cười cợt, nhưng thực ra là ngấm ngầm nể sợ. 

Tôi có đọc một ít sách loại này (đọc ít vì tôi thích đọc tiểu thuyết hơn, chứ không phải vì coi thường khả năng viết lách của các chị), thấy nhiều cái thú vị. Nhưng - lại vẫn là chữ “nhưng” thần thánh - tôi thấy giữa những gì các chị viết và thực tế tôi thấy, nó cách xa nhau ở những điểm mấu chốt. Nói thế nào nhỉ, như trong khoa học họ dùng khái niệm “ở điều kiện lý tưởng” vậy, các lý thuyết về nuôi-dạy-trẻ-trên-sách của các chị còn cần kiểm chứng trong những hoàn cảnh cụ thể nữa cơ.

Các ông bố luôn khuyến khích và tôn trọng tư duy độc lập ở trẻ (Ảnh minh họa).
Các ông bố luôn khuyến khích và tôn trọng tư duy độc lập ở trẻ (Ảnh minh họa).

Ví như sách nói rằng cần biết lắng nghe và chia sẻ với con trẻ. Mỗi bà mẹ ông bố nên dành một đôi tiếng mỗi ngày để nói chuyện với con, nghe con kể chuyện trường lớp bạn bè, và chia sẻ tâm tư tình cảm cả hai bên. Nhưng không phải tối nào bữa cơm cũng xong lúc 8h, không phải lúc nào bố cũng xung phong rửa bát, không phải ngày nào mẹ cũng vui vẻ vì vừa được sếp thưởng vừa mua được cái váy ưng ý, và không phải chiều nào con cũng về nhà sạch sẽ với những cuốn vở có lời khen của cô giáo. Cuộc lắng nghe và chia sẻ rất có thể sẽ đơn giản là: Lên phòng ngay, không truyện tranh với TV gì cả, cấm cãi!

Ví như sách nói rằng, cần kiên nhẫn và xem con như bạn. Nhưng thế nào là bạn nhỉ? Bạn - là người mà chúng ta không áp đặt được, không sai bảo được, luôn phải chấp nhận sự độc lập lẫn riêng tư của họ, và dĩ nhiên là cáu đến mấy thì cũng không lấy que vụt cho mấy cái vào mông được. Tôi đã được nghe bao bà mẹ nói rằng con gái là bạn thân nhất của mình. Và cũng chính bà mẹ ấy, khi cáu lên, vả đôm đốp vào mặt hay xé tan nát nhật ký của cô-bạn-thân.

Ví như sách nói rằng, cần khuyến khích và tôn trọng tư duy độc lập ở trẻ. Nhưng nếu câu trả lời cho lựa chọn bữa tối là “Pizza!” thì hầu như kết quả sẽ luôn là “cái gì đó nhiều rau ít mỡ vì mẹ và con đều béo quá rồi đấy!”.

Những ông bố thường quan sát và tôn trọng sự độc lập ở trẻ (Ảnh minh họa).
Những ông bố thường quan sát và tôn trọng sự độc lập ở trẻ (Ảnh minh họa).

Những ông bố, công bằng mà nói, dù sự quan tâm chăm sóc có thể không tỉ mỉ sát sao bằng mẹ, nhưng thường là nhất quán hơn và kiên nhẫn hơn. Ở khía cạnh khác của câu chuyện, nếu những bà mẹ dễ mủi lòng trước những lèo nhèo đầy xúc động của con trẻ, thì ông bố rất đơn giản: Không là không!

Sự kiên trì rõ ràng là vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ. Bởi vì nếu không, khi còn ẵm ngửa đứa bé sẽ trở thành chuột bạch cho vài chục hãng sữa, hàng trăm loại thuốc bổ, và hàng nghìn công thức ăn dặm. Bởi vì nếu không, khi đến tuổi đi học, đứa trẻ sẽ phải chuyển trường dăm lần, đọc gấp đôi số sách so với các bạn, và biết chào bằng 15 thứ tiếng (tất nhiên là chỉ biết đúng câu chào ấy mà thôi). Bởi vì nếu không kiên nhẫn, chính chúng ta sẽ thấy mình ngày càng khó hiểu và xa lạ với chính con mình.

Phạm Gia Hiền

10 phương pháp giúp trẻ tự tin thể hiện mình trước đám đông

10 phương pháp giúp trẻ tự tin thể hiện mình trước đám đông

Rất nhiều trẻ hiện nay nhút nhát, thiếu tự tin, và luôn mặc cảm tự ti với bản thân.