Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội: "Người dân không cần đi mua tích trữ"

Khi tập trung quá nhiều người tại các siêu thị, cửa hàng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi không có biện pháp bảo vệ an toàn.

Việc phát hiện bệnh nhân số 17 mắc virus Covid-19 ở Hà Nội hiện đang khiến không ít người dân thủ đô hoang mang. Ngay sáng ngày 7/3, rất nhiều người dân đã đổ xô đi mua lương thực tích trữ. Trên MXH cũng liên tục xuất hiện hình ảnh cùng lời kêu gọi mua đồ ăn càng khiến nhiều người nhanh chóng đi đến các siêu thị lớn nhỏ vì lo sợ hết hàng tiêu dùng.

Người dân thi nhau đến siêu thị, cửa hàng mua lương thực, đồ dùng.
Người dân thi nhau đến siêu thị, cửa hàng mua lương thực, đồ dùng.

Trước tình hình này, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, việc người dân tụ tập vào các siêu thị tạo thành đám đông tăng nguy cơ lây nhiễm hơn. Ông nhấn mạnh: "Tôi hiểu lo lắng là đúng, nhưng lo lắng phải thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự bảo vệ mình, tự bảo vệ gia đình mình, tự có trách nhiệm khai báo tình hình sức khoẻ của mình cho cơ quan thẩm quyền các cấp. Người dân không nên hoảng sợ, hoang mang quá mức”.

Ông Huệ cũng cho biết, thành phố đã liên hệ với Phó Tổng giám đốc BigC đảm bảo cung ứng nguồn hành cho người dân. “Người dân không cần đi mua tích trữ. Nếu mua sắm ở siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lại dễ lây nhiễm", ông Huệ nói.

Cũng trong sáng ngày 7/3, Bộ Công Thương đã gửi thông báo về tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội. Trong đó nêu rõ mặc dù lượng mua hàng có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo cung cấp đủ. Trước đó, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước, đồng thời chỉ đạo sát sao việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó cần điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho thủ đô.

Hiện toàn thành phố có 455 chợ; 26 trung tâm thương mại; 142 siêu thị; 1.800 cửa hàng tiện ích và số lượng lớn doanh nghiệp bán hàng online.

Sở Công Thương TP. Hà Nội cũng thông báo cho các siêu thị tăng nguồn cung, đồng thời tăng cường kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. “Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng”, thông báo nêu.

Trong cuộc họp bất thường sáng ngày 7/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đang khẩn trương xác định rõ những người tiếp xúc và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý. Đồng thời có thông tin để người dân có thể nắm, không hoang mang, lo lắng.

Tính đến 8h sáng 7/3, Hà Nội ghi nhận 33 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính và 90 người tiếp xúc gần hiện đang được cách ly theo dõi chặt chẽ.

Thanh Mai

Sau dịch COVID-19, Algeria sẽ tăng cường nhập khẩu lương thực cơ hội Việt Nam có thể giao thương

Sau dịch COVID-19, Algeria sẽ tăng cường nhập khẩu lương thực cơ hội Việt Nam có thể giao thương

Sau dịch covid-19 Algeria sẽ tăng cường nhập khẩu lương thực. Đây là cơ hội cho hàng hóa các nước khác thâm nhập vào thị trường 42 triệu dân này.