Bộ Công thương đề xuất phương án giá điện sinh hoạt 5 bậc thang

Thay vì 6 bậc như hiện hành, để cải tiến cơ cấu biểu thị giá điện Bộ Công thương đã đề xuất giá điện sinh hoạt ở mức 5 bậc.

Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, Bộ Công thương vừa đưa ra phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 2, 3, 4 và 5 bậc. Cụ thể, phương án 1 (1 bậc) với giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh.

Theo phương án 1 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng.

Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án 2 đưa ra cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện hành), trong đó giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 400 kWh, bậc 3 từ 401 kWh trở lên.

  Bộ Công thương đề xuất giá điện sinh hoạt 5 bậc.

Bộ Công thương đề xuất giá điện sinh hoạt 5 bậc.

Đối với phương án 3 gồm 4 bậc thang trong cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 300 kWh, bậc 3 từ 301 - 600 kWh, bậc 4 từ 601 kWh trở lên.

Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301-400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 267 đến 32.000 đồng/hộ/tháng.

Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-50, 101- 200 và từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 1.000 đến 105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án 5 bậc được cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản. Kịch bản 1: giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biếu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản 2 của phương án 5 bậc là giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1, nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Kịch bản 2 này sẽ khiến tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200 - 300 kWh/tháng và từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000 - 14.000 đồng/hộ/tháng. Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.

Từ những phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang , kịch bản 1. Theo đánh giá, kịch bản 1 có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tông số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Bộ Công thương cho biết, việc lấy ý kiến này nhằm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg) để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trước đó, EVN đã thiết kế lại mẫu Hoá đơn điện tử và Thông báo tiền điện mới phù hợp hơn với yêu cầu của khách hàng và thực tế phát triển công nghệ. Mẫu hóa đơn tiền điện mới sẽ áp dụng từ ngày 1/3/2020 với những điểm cải tiến nhằm đem tới sự thuận lợi hơn nữa cho khách hàng, cụ thể như sau:

  • Có tính kế thừa để tạo sự gần gũi, đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định về hóa đơn của Bộ Tài chính.
  • Đơn giản, dễ hiểu, bổ sung đầy đủ các kênh thông tin liên hệ, cung cấp dịch vụ điện.
  • Thể hiện minh bạch các thông tin, bổ sung biểu đồ sản lượng điện tiêu thụ của năm trước và năm hiện tại của khách hàng.
  •  Nâng cao hơn nữa ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, thông qua việc so sánh với bình quân sử dụng của các khách hàng trong cùng khu vực, cùng loại hình tiêu thụ điện.
  •  Áp dụng mã vạch QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào hợp đồng điện tử để tạo thuận tiện và thúc đẩy thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt .

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương