Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, giá thịt gà tăng đột biến ở Trung Quốc

Giá gà lông trắng đã tăng gần 50% và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều người tiêu dùng e ngại thịt lợn.

Các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm đang kiếm được bộn tiền khi cuộc khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt, khiến cho giá gà tăng đột biến.

Giá gà lông trắng đã tăng gần 50%, theo dữ liệu của Ngân hàng Rabobank của Hà Lan cho biết với CNBC. Nó đã lơ lửng khoảng 7,5 Nhân dân tệ (khoảng 1,08 USD) mỗi kg trong 2 năm qua, nhưng đã đạt mức cao nhất khoảng 11 Nhân dân tệ mỗi kg trong tháng 5 năm nay, nó cũng đã phá vỡ kỷ lục cao nhất của giá gà đã có trước đó.

Trong khi giá gà đang ở mức ổn định trong tháng 6, các nhà phân tích dự đoán giá các loại gia cầm nói chung sẽ tăng trong năm nay, với tình trạng thiếu thịt heo sẽ tiếp tục do dịch tả lợn châu Phi quét qua Trung Quốc và giết chết hàng triệu con lợn.

Một công nhân kiểm tra gà tại một trang trại gia cầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Một công nhân kiểm tra gà tại một trang trại gia cầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Rory Green, một nhà kinh tế tại TS Lombard, nói với CNBC rằng giá thịt gà sẽ theo giá thịt lợn tăng trong nửa cuối năm nay.

"Hiện tại, gia cầm được coi là lựa chọn an toàn vì mối lo ngại về dịch tả lợn châu Phi, làm tăng thêm nhu cầu về thịt gà", ông nói với CNBC trong một email.

Trung Quốc là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, giảm 40% tổng số đàn lợn so với năm ngoái theo ước tính của Rabobank. Ngân hàng này dự đoán nó có thể giảm tới 1/2 vào cuối năm 2019.

"Khi thực khách chuyển sang các lựa chọn thay thế khác, giá cho các loại thịt khác như cá, thịt cừu và thịt bò cũng đã tăng vọt trong nước", theo Rory Green. Giá thịt cừu đã tăng 11% so với năm trước lên 56 Nhân dân tệ mỗi kg, trong khi giá thịt bò đã tăng 6% trong cùng kỳ lên 57 Nhân dân tệ mỗi kg.

Nhưng gia cầm được hưởng lợi nhiều nhất, khi đã tăng mạnh lên đỉnh, giúp cổ phiếu các công ty sản xuất gia cầm tăng vọt ngoài ra còn có lợi cho các nước chuyên xuất khẩu gia cầm sang Trung Quốc.

"Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn thịt gia cầm trong những tháng tới", ông Chen Chenjun Pan, nhà phân tích cao cấp tại Rabobank, nói với CNBC

"Sự phụ thuộc lớn hơn vào gia cầm ở Trung Quốc sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Thái Lan, Ba Lan và Nga", theo Chen Chenjun Pan.

Cổ phiếu của nhà sản xuất thịt gia cầm và thịt lợn lớn nhất Trung Quốc Wens Foods đã tăng hơn 50% trong năm nay, trong khi công ty sản xuất chăn nuôi gà, Shandong Xiantan, đã tăng 87%. Một nhà công ty sản xuất và chăn nuôi gà khác, Shandong Minhe Animal, đã tăng hơn 200%.

Nhìn chung, chỉ số nông nghiệp Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã tăng khoảng 59% từ đầu năm đến nay.

Đậu nành cũng được hưởng lợi, mặc dù được dùng chủ yếu trong chế biến thức ăn cho lợn, nhưng lượng lợn chăn nuôi đã giảm gần 50%, khiến cho nhiều nông dân lao đao, nay có thể chuyển qua bán cho các nhà chăn nuôi gà, do đậu nành cũng được dùng để làm thức ăn cho gà, trong bối cảnh số lượng trang trại chăn nuôi gà đang gia tăng.

NGÔ SINH

theo Tin 24h