Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Trong thời chiến hay khi hòa bình, hình tượng người phụ nữ Việt luôn là đề tài được những nhà làm điện ảnh chú tâm xây dựng. Hãy cùng nhìn lại một số bộ phim kinh điển mà trong đó người phụ nữ Việt Nam được khắc họa vô cùng chân thực và đầy cảm xúc.

Chị Tư Hậu

Bộ phim Chị Tư Hậu, đã khắc họa thành công một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Bộ phim được đạo diễn Phạm Kỳ Nam chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958.

Phim kể về cuộc đời của chị Tư Hậu, người phụ nữ sống trong thời chiến. Trong một trận càn của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau đớn, tủi nhục ấy khiến chị suýt tự tử nhưng khi nghe tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa, chị bừng lên ý nghĩ phải sống, phải chiến đấu, phải đòi lại hạnh phúc, giành lại quyền sống, quyền được bình yên cho đồng bào.

Cuộc đời chị trải qua biết bao đau khổ bất hạnh: chồng hy sinh, con bị giặc bắt, nhưng chị dần trưởng thành và cứng rắn qua đạn bom gian khổ, trở thành một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Với vai diễn chị Tư Hậu, NSND Trà Giang đã trở thành gương mặt tỏa sáng trên bầu trời điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hình ảnh chị Tư Hậu của NSND Trà Giang - người phụ nữ có mái tóc dài mượt mà, đôi mắt đen thăm thẳm chất chứa bao nỗi niềm đã in đậm vào ký ức của nhiều người.

Chị Dậu

Phim được đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển “Tắt đèn’ của nhà văn Ngô Tất Tố. Chị Dậu (NS Lê Vân thủ vai) khắc họa cuộc sống bần cùng, khốn khổ, bị dồn vào đường cùng của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ trước 1945.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển


Vì không đủ tiền nộp thuế thân nên chồng chị Dậu bị bắt trói ở đình làng, chị Dậu buộc phải đem bán đàn chó và đứa con gái mới 6 tuổi của mình cho Nghị Quế. Hàng loạt bi kịch xảy ra với cuộc đời chị Dậu, hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Việt thời xưa đến nay vẫn còn đủ sức ám ảnh người xem. 

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)

Đây là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, được coi như là bản hùng ca thời khói lửa. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm, và được đạo diễn Hải Ninh chuyển thành tác phẩm điện ảnh năm 1972.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển


Bộ phim thực sự khẳng định tên tuổi của NSND Trà Giang trong làng điện ảnh. Bà xuất hiện trên màn ảnh với hình ảnh Dịu một cô gái trẻ có chồng tập kết ra Bắc, một mình ở lại bờ Nam sông Bến Hải. Chị Dịu ở nhà phải chăm sóc gia đình lẫn đảm nhiệm công tác bí mật lãnh đạo nhân dân dưới sự đàn áp của địch.

Chị Dịu can trường, dũng cảm, chung thủy và đầy sự hy sinh được xem như là biểu tượng kinh điển của người phụ nữ Việt Nam dưới thời chiến.

Ngã ba Đồng Lộc (1997)

Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh tái hiện chân thực về sự kiện lịch sử ở Ngã Ba Đồng Lộc thời kỳ chống Mỹ. Phim khắc họa sự hy sinh anh dũng của 10 đóa hoa bất tử là 10 cô gái thanh niên xung phong trẻ đẹp ở tuổi 20, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Câu chuyện về lòng dũng cảm, yêu nước của các chiến sĩ nữ để lại cho khán giả sự xúc động và cảm phục lớn lao.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển


Bao giờ cho đến tháng Mư
ời (1984)

Là bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh tập trung miêu tả tâm lý và sự đấu tranh nội tâm của người phụ nữ khi biết tin chồng hy sinh ở chiến trường. Đây là bộ phim Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất sau năm 1975, tạo được tiếng vang lớn tại quốc tế và là một trong 18 bộ phim xuất sắc nhất lịch sử của điện ảnh châu Á.

Phim là câu chuyện về nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con khi chứng kiến người thân hy sinh trong cuộc chiến. Bộ phim mang âm hưởng buồn đau của cả một dân tộc trong thời kỳ bom đạn.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển


Cô gái trên sông

“Cô gái trên sông” cũng là bộ phim truyện nhựa kinh điển của đạo diễn Đặng Nhật Minh, được chuyển thể năm 1987. “Cô gái trên sông”  được Đặng Nhật Minh viết kịch bản dựa trên cảm hứng từ bài thơ "Tiếng hát sông Hương" của nhà thơ Tố Hữu, và tình cảm với xứ Huế - quê hương ông.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Ngày ấy Nguyệt (NSUT Minh Châu thủ vai) là một cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng trên sông Hương. Nguyệt đã gặp một chiến sĩ hoạt động nội thành trong một đêm người chiến sĩ đó bị địch săn đuổi. Thương người gặp cảnh hoạn nạn, Nguyệt đã che giấu anh khỏi sự truy lùng của địch. Không những thế sáng hôm sau cô còn chèo đò đi ngược sông đưa anh trở về cắn cứ.

Trong thời gian ngắn ngủi ẩn nấp trên thuyền, người chiến sỹ cách mạng đã kịp gieo vào lòng cô gái giang hồ niềm hy vọng về một cuộc sống đầy hoa khi đất nước được giải phóng như trong bài thơ Tiếng hát sông Hương của nhà thơ Tố Hữu mà anh đã đọc cho cô nghe. Anh hứa sẽ quay lại tìm Nguyệt. Nhưng rồi anh đã không bao giờ quay trở lại.

Bến không chồng

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, bộ phim cùng tên được coi là một trong những đại diện xuất sắc của điện ảnh Việt.

Phim lấy bối cảnh một làng quê đặc trưng miền Bắc Bộ - làng Đông với những lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước… vào thời kỳ vừa xây dựng nông thôn vừa ra sức chi viện sức người sức của cho miền Nam. Không khí ảm đạm bao trùm khi cả làng quê ấy chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ em vì đàn ông ra trận, phần nhiều không thể trở về.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Những lề thói của vùng quê, của người đời đã khiến nhiều mảnh đời phụ nữ nơi đây lâm vào bi kịch. Bi kịch của bà nhân, bà Hơn là mất đi người chồng, người con trong cuộc chiến. Hòa bình, họ cũng không dám vượt qua định kiến của xã hội, để giành lấy hạnh phúc cho mình.

Còn Hạnh, trải qua bao nhiêu đau đớn, tủi nhục đã chai lì trước những điều tiếng, hủ tục của làng quê, cô quyết tìm kiếm hạnh phúc  cho mình, nhưng cuối cùng vẫn không thể giành lấy được. Cái chết của Nguyễn Vạn đã để lại hai mẹ con Hạnh bơ vơ.

Ngôi làng này trong chiến tranh đã có biết bao nhiêu người đàn ông hy sinh để lại vợ góa con côi thì ngay cả hòa bình, nó lẫn đầy oan nghiệt. Và bến sông đó, mãi mãi là "bến không chồng".

 Mẹ chồng tôi

“Mẹ chồng tôi” là bộ phim truyền hình do NSND Khải Hưng làm đạo diễn, phát sóng vào năm 1994 trên chương trình “Văn nghệ Chủ nhật”.

Nội dung phim kể về Thuận (NSƯT Chiều Xuân) một người vợ đang thì xuân sắc nhưng vừa cưới xong thì chồng phải lên đường ra mặt trận, cô ở nhà sống cùng mẹ chồng (cố NSƯT Thu An). Cả hai mẹ con sống yêu thương, chan hòa và san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Vì có giọng hát hay nên Thuận được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Ở đây, Thuận gặp gỡ, nảy sinh tình cảm rồi có bầu với Lực (NSƯT Trần Lực) người phụ trách đài phát thanh của xã.

Biết biết chuyện con dâu có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, dù đau buồn nhưng người mẹ chồng vẫn thông cảm và rộng lòng tha thứ cho con dâu. Bà khuyên Thuận cắt đứt tình cảm với Lực, đồng thời không nói cho anh biết chuyện này, rồi sau đó "loan" tin khắp hàng xóm láng giềng là mẹ con bà vừa vào đơn vị thăm con trai. Đứa cháu sinh ra dù không phải huyết thống gia đình nhưng bà vẫn hết lòng yêu thương và chăm sóc.

Đời cát

Đời cát là bộ phim được đánh giá là phản ánh sâu sắc về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến. Câu chuyện trong Đời cát là nỗi đau mất mát tinh thần không thể bù đắp. Lẽ thường tình những người tốt trung hậu phải được hưởng hạnh phúc, nhưng chiến tranh đã buộc những người tốt, nhân hậu phải lâm vào hoàn cảnh éo le, bất hạnh.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các bộ phim kinh điển

Thoa, mẫu phụ nữ can trường, lấy chồng và chịu xa chồng biền biệt 20 năm, kiên cường hy sinh tuổi thanh xuân, bám trụ và chiến đấu tại quê nhà. Tâm, cô gái chịu thương chịu khó, lấy và có con với người chồng đã có vợ, trở thành vợ hai. Cảnh, thoát ly chiến đấu, do đất nước bị chia cắt lâu dài, phải xa lìa quê hương cùng người vợ mới cưới, tái hôn với cô gái khác và phải chịu cảnh lưỡng lự về sau. Huy, chiến sĩ du kích bám trụ quê nhà, là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh, bản thân bị mất một chân, vợ con bị vùi trong hố bom và vĩnh viễn xa rời anh. Hảo, cô gái yêu đời, tràn đầy sức sống, song phải chịu cảnh hẩm hiu khi bị chiến tranh cướp mất đôi chân. Và Giang, cô bé gái thơ ngây, ngoan hiền, sản phẩm tình yêu của Cảnh cùng Tâm… Bấy nhiêu gương mặt, bấy nhiêu cảnh đời và lời nguyền đã cô đúc nên hình tượng thanh cao, thấm đẫm tình đời của người phụ nữ Việt Nam.

Dẫu chiến tranh đã qua, và điện ảnh Việt cũng có nhiều thay đổi. Hình tượng phụ nữ Việt không còn bị bó buộc trong những đau thương, chia lìa của chiến tranh, hay chịu nhiều thiệt thòi bởi những hủ tục của làng quê.... mà mang những nét đẹp của thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ, tự do tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng những gì thuộc về quá khứ vẫn rất đáng trân trọng, tự hào và việc ôn lại những thước phim cũ cũng là cách để tôn vinh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.

Hoàng Hạnh (t/h)

Dù vi phạm luật tại Việt Nam, phim 'Ròm' vẫn đạt giải thưởng lớn tại LHP Busan

Dù vi phạm luật tại Việt Nam, phim "Ròm" vẫn đạt giải thưởng lớn tại LHP Busan

Dù đã rút lui khỏi giải thưởng LHP Busan, nhưng bộ phim "Ròm" của Việt Nam vẫn được BTC giữ lại và chiến thắng hạng mục quan trọng nhất.