Mỗi giây, đại dương phải hứng chịu... 4 trái bom Hiroshima

Theo một nghiên cứu mới đây được xuất bản trên tạp chí “Advances in Atmospheric Sciences” vào hôm thứ Hai vừa qua, mức nhiệt các đại dương đang đạt mức kỷ lục.

Kết luận được đưa ra sau khi một đội ngũ quốc tế gồm 14 nhà khoa học đã kiểm tra lại các dữ liệu từ những năm 1950 về các mức nhiệt của bề mặt đại dương cho tới độ sâu 2.000 mét. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy đại dương đang ấm dần lên với một tốc độ nhanh chóng.

Giữa năm 1955 đến 1986, đại dương ấm lên với tốc độ khá ổn định, và đặc biệt tăng nhanh chóng trong vài thập kỷ gần đây. Từ năm 1987 đến 2019, đại dương ấm hơn 450% so với trước.

Mức nhiệt hàng năm của 2.000m mặt trên của đại dương so với mức nhiệt trung bình từ năm 1981 đến 2010 (Ảnh: CNN).
Mức nhiệt hàng năm của 2.000m mặt trên của đại dương so với mức nhiệt trung bình từ năm 1981 đến 2010 (Ảnh: CNN).

“Xu hướng tăng nhiệt không có dấu hiệu giảm, vì vậy chúng ta có thể tự tin mà khẳng định rằng hầu hết sự nóng lên này là từ biến đổi khí hậu dưới tác động của con người”, Kevin Trenberth, một nhà khoa học thuộc Khoa Phân tích khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia cho biết.

Theo Lijing Cheng, phó giáo sư tại Trung tâm khí hậu và khoa học môi trường quốc tế tại Viện Khoa học Trung Hoa, nhiệt độ đại dương năm 2019 đã vượt mức nhiệt trung bình từ năm 1981 đến năm 2010 là 0.075°C.

“Không có gì có thể lý giải sự nóng lên này ngoài sự xả thải các loại khí giữ nhiệt của con người ra môi trường. Để đến mức nhiệt như vậy, đại dương đã phải chịu độ nóng khoảng 228 sextillion Joule(J). Nếu một quả bom hạt nhân Hiroshima phát nổ tỏa ra mức năng lượng khoảng 63 nghìn tỷ J thì ước tính, đại dương trong 25 năm vừa qua đã phải chịu khoảng 3,6 tỷ quả bom”.

Đó tương đương với việc mỗi giây, đại dương phải hứng chịu 4 trái bom Hiroshima trong suốt ¼ thế kỷ qua. Thế nhưng do mức độ ấm lên đang tăng dần, đồng nghĩa với tốc độ thả những trái bom tưởng tượng này trở nên nhanh hơn bao giờ hết.

Đại dương luôn là một dấu hiệu tốt để nhận thức được rõ tác động thực tế của sự biến đổi khí hậu. Bao phủ gần ¾ bề mặt của trái đất, đại dương chính là nơi hấp thụ hầu hết nhiệt độ trên thế giới. Theo nghiên cứu, ngay từ năm 1970, hơn 90% lượng nhiệt thải ra được hấp thụ bởi đại dương, ít hơn 4% còn lại được hấp thụ bởi khí quyển và đất đai.

Sẽ thật sai lầm nếu cho rằng con người tránh được tác động của việc đại dương đang ấm lên chỉ bởi chúng ta sống trên đất liền. Chẳng hạn như cơn bão Harvey, khiến ít nhất 68 người thiệt mạng năm 2017, hay cơn bão Florence gây mưa xối xả làm ngập nhiều khu vực lớn bờ phía Đông Hoa Kỳ đều xuất phát từ nguyên nhân nhiệt độ cao bất thường.

Sự gia tăng nhiệt độ ở đại dương khiến san hô ở nhiều khu vực biển chết dần (Ảnh: Carl Court/Getty Images).
Sự gia tăng nhiệt độ ở đại dương khiến san hô ở nhiều khu vực biển chết dần (Ảnh: Carl Court/Getty Images).

Dù các nhà khoa học cho rằng sự biến đổi khí hậu do con người gây ra không hoàn toàn gây nên những cơn bão nhiệt đới, thế nhưng chính nhiệt độ cao làm tăng mức độ thiệt hại của chúng.

Bên cạnh đó, mức nhiệt đại dương tăng lên đồng nghĩa với việc giảm oxy, khiến đại dương ngày càng có tính axit hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới dinh dưỡng cho các sinh vật nơi này. Điển hình là đợt nắng nóng trên đại dương Tây Úc năm 2011 đã khiến tỷ lệ sinh sản và sống sót của cá heo nơi đây giảm.

Sự ấm lên này cũng đang làm thay đổi dòng chảy và hệ thống khí hậu với một tốc độ khó theo kịp.

Dù vậy, các nhà khoa học cho biết vẫn còn hy vọng cho tương lai bởi tốc độ ấm lên này hoàn toàn phụ thuộc vào các hành động vì khí hậu của con người trên toàn thế giới.

“Nếu chúng ta có thể giảm lượng khí thải, chúng ta có thể giảm mức độ ấm lên, kéo theo giảm những rủi ro và mất mát đi kèm với nó”, phó giáo sư Cheng cho biết.

“Nếu các lãnh đạo thế giới có thể thay đổi cách thức, một cuộc cách mạng có thể xảy ra trong khoảng 15 năm… Để có được điều này thì yêu cầu nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ, cùng với châu Âu phải thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình, làm những tấm gương để cả thế giới phải noi theo”, Trenberth cho biết. 

TM (theo CNN)

Những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất năm 2019

Những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất năm 2019

Những nỗ lực duy trì và bảo tồn hệ sinh thái của các nhà khoa học và đội ngũ tình nguyện viên đang dần có những tín hiệu khả quan.