Những ngày chẳng có gì để nấu

Đôi khi nấu canh dưa với lạc, hay tự dưng nấu gạo tẻ với đậu xanh, rán thêm vài quả trứng, không còn ngon như xưa, nhưng vẫn đôi khi, vì nhớ.

Có thể là do mưa đằng đẵng, hoặc mẹ đi vắng, hoặc hết sạch thực phẩm và cũng hết cả tiền.

Tất nhiên, đấy là bếp của một thời rất xa, khi không tủ lạnh, không mua hàng online, nấu bếp củi hoặc bếp dầu. Giờ rất hiếm khi xảy ra tình cảnh ấy. Nhưng vào một thời như thời của những năm 70-80 của thế kỷ trước, chuyện ấy là thường lắm.

Cũng may, thời ấy, những bà nội trợ, dù thuộc loại đảm đang vừa phải, vẫn có trong nhà, nơi góc bếp, ít lạc, ít đậu xanh, đựng vào hộp sữa Guigoz hay ống dù pháo sáng, vại dưa, chút mỡ…, vài quả trứng. Gạo thì đương nhiên có sẵn vào thời mỗi người được mua 13 đến 18 kg mỗi tháng tùy tiêu chuẩn. Cái chỗ thực phẩm ít ỏi và giản dị đó có thể tạo ra những bữa ăn tạm gọi là tươm tất trong mấy ngày trời, chờ nắng hửng lên hoặc chờ bố lĩnh lương.

Khi những cơn mưa dai dẳng, món canh dưa nấu lạc được nhiều người thích (Ảnh minh họa).
Khi những cơn mưa dai dẳng, món canh dưa nấu lạc được nhiều người thích (Ảnh minh họa).

Cái kiểu trữ thức ăn như vậy bây giờ thường là ở những gia đình Bắc Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, có dịp vào miền nam, miền tây Nam Bộ, thấy các bà nội trợ mỗi ngày mua về bếp túm gạo, túm rau, túm xoài, con cá, chút mỡ…, nghĩa là ngày nào lo thức ăn ngày ấy. Còn các bà phía bắc, quen tích cốc phòng cơ, thì dù thế nào trong nhà cũng có đôi ba thứ dự trữ, như vừa kể, ít lạc, ít đậu, ít mắm muối…

Và thế là, ngày đầu, khi mưa dai dẳng, món đầu tiên có thể làm là canh dưa nấu lạc. Lạc ngâm cho mềm bớt, xát vỏ, đập dập. Dưa xào lên với chút mỡ, chút thôi vì mỡ ngày xưa cũng hiếm. Để cho thơm bao giờ cũng phải có củ hành khô thái mỏng, phi thơm, đảo dưa thấm mắm muối, rồi lạc, và cho nước ngập, đun đến lúc dưa nhừ một chút, lạc bở và bùi.

Món canh dưa nấu lạc ấy nhiều người thích. Mà một lọ lạc trong nhà tiện lắm, không chỉ nấu canh dưa, xào mướp, còn có thể rang lên rồi thêm nước mắm hoặc muối, có thể giã ra chưng tương, có thể làm muối lạc, ngay cả khi không có vừng…

Một đầu bếp sáng tạo không bao giờ để mâm cơm chỉ có mỗi cơm và nước mắm suông (Ảnh minh họa).
Một đầu bếp sáng tạo không bao giờ để mâm cơm chỉ có mỗi cơm và nước mắm suông (Ảnh minh họa).

Nếu mưa vẫn tiếp tục, tiền cũng chưa có, mà dưa hết, lạc 7 món cũng không còn, thì sẽ phải nghĩ sang món khác. Một đầu bếp tại gia sáng tạo không bao giờ để mâm cơm bê lên chỉ có mỗi cơm và bát nước mắm suông.

Có một thời bọn con gái được rèn giũa trong bếp theo kiểu đó. Sẽ không bao giờ lũ nhỏ sau này hiểu được những toan tính của mẹ mình ngày xưa. Kiểu như làm sao có thể nấu một nồi canh cua với 10 con cua giá chỉ mấy hào. “Cho cháu mua con cua thương binh (tức là cua gãy càng, không phải cua chết)”, đã có lần đi chợ tôi nghe một cô bé cùng tuổi mặc cả như vậy, giá cua gãy càng rẻ một nửa cua đủ tám cẳng hai càng.

Về rửa sạch bóc mai, gỡ cua, thêm chút muối rồi kỳ cạch chày gỗ cối đá hay cối sành, giã nhuyễn, lọc, nấu…, thế là cả nhà có bát canh ngon. Như thế là một sáng tạo. Trời mưa nhiều mà chẳng có hy vọng sẽ có đồ ăn trong vài ngày tới, sự sáng tạo kiểu đó sẽ nhiều lên.

Trong bếp, còn mỗi chút đậu xanh. Đậu xanh thường để nấu chè, nhưng không đường, và cần đồ ăn mặn. Nên đậu xanh đầu tiên sẽ nấu canh. Canh đậu xanh mát và ngon. Ngày trước không ai trữ đậu xanh vỡ sẵn. Nên nếu không để nguyên hạt, sẽ phải nghiền đậu bằng một cái chai. Cứ nhìn mẹ làm để học, một lúc nào đó tự khắc biết.

Có những thời bếp trở nên thân thương như thế (Ảnh minh họa).
Có những thời bếp trở nên thân thương như thế (Ảnh minh họa).

Nhưng canh đậu xanh chỉ một bữa. Chuyển sang cháo đậu xanh cho bữa sáng, bữa tối vẫn băn khoăn chuyện thực phẩm. Sự cạn kiệt đã hẳn hoi, còn chút đậu xanh, cán vỡ ra, ngâm nước và nấu với cơm tẻ, như thể nấu xôi.

Bữa cơm tẻ ghế đậu xanh hóa ra là bữa ngon nhất trong những ngày mưa, vì lạ miệng. Còn một quả trứng, thêm chút nước cơm, rán với chút mỡ cuối cùng để làm thành một món mặn. Bát cơm lấm tấm đậu xanh, thơm và bùi bùi, thêm lát trứng mỏng, bé bằng 2 ngón tay, đột nhiên trở thành cao lương mỹ vị. Sau đấy là mưa tạnh, mẹ đi công tác về, bố lĩnh lương, cả nhà tưng bừng ăn một bữa phở.

Bếp của một thời thân thương như thế, bếp của một đứa con gái còn nhỏ cố gắng hoàn thành nghĩa vụ làm nội trợ thay mẹ, chăm sóc bố và anh trai, giờ chẳng còn nữa. Không ai mong quay lại thời nghèo đói và thiếu thốn.

Có đôi khi nấu canh dưa với lạc, hay tự dưng nấu gạo tẻ với đậu xanh, rán thêm vài quả trứng, không còn ngon như xưa, nhưng vẫn đôi khi, vì nhớ.

Vì trời đôi khi vẫn mưa, và bếp đôi khi chỉ có một mình.

Hà Phạm

Cơm độn: kí ức thời bao cấp

Cơm độn: kí ức thời bao cấp

Cơm độn là bạn đồng hành của phần lớn các gia đình ở Việt Nam thời kỳ bao cấp.